1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyện “chả nem” của vợ chồng tân Tổng thống Pháp

(Dân trí) - “Tôi không muốn làm đệ nhất phu nhân. Tôi không hợp với đời sống chính trị. Tôi chỉ muốn mặc quần áo jean, đi giày ống chứ hoàn toàn không thích hợp với các kiểu ăn mặc gò bó.” Đó là câu trả lời của phu nhân tân Tổng thống Pháp, bà Cecilia Sarkozy, trong một buổi phỏng vấn của báo giới hồi tháng 3.

Chưa hết sững sờ trước câu trả lời của đệ nhất phu nhân, người dân Pháp lại bị sốc khi nghe bà tuyên bố tiếp: “Tôi mơ ước được sống ở Mỹ, được chạy bộ tập thể dục trong các công viên trung tâm”. Những lời phát biểu này, cùng với sự vắng mặt đầy bí ẩn của bà trong suốt 2 tuần cuối chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Sarkozy đã khiến nhiều người dân lo lắng về hình ảnh truyền thống của một đệ nhất phu nhân Pháp.

 

Lời tâm sự "chân thành" của bà Cecilia bị xem như một sự xúc phạm lớn đối với những người luôn tự hào về thủ đô Paris tráng lệ với tòa tháp Eiffel. Người Pháp bắt đầu tự hỏi: “Liệu bà Cecilia Sarkozy có chấp nhận và có thích hợp với vị trí tôn quý - đệ nhất phu nhân nước Pháp - hay không?”. Mối lo ngại này không chỉ bắt nguồn từ những câu trả lời phỏng vấn gây sốc của bà Cecilia mà còn vì mối quan hệ “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” giữa 2 vợ chồng bà trước đây.

 

Từ nhiều năm nay, câu chuyện tình của ông bà Sarkozy đã là đề tài gây nhiều chú ý tại Pháp, từ cá tính của 2 người cho đến hoàn cảnh họ đến với nhau và những diễn biến đầy “kịch tính” trong cuộc hôn nhân của họ.

 

Cecilia Sarkozy sinh ra ở Paris, cha là nghệ sĩ dương cầm gốc Nga, mẹ là người Tây Ban Nha. Bản thân bà cũng là một nghệ sĩ dương cầm tài hoa nhưng không theo nghiệp cha, mà theo học luật, từng làm trợ lý trong Quốc hội và làm người mẫu.

 

Năm 27 tuổi (năm 1984), Cecilia Sarkozy kết hôn với Jacques Martin, 51 tuổi, một người dẫn chương trình truyền hình thiếu nhi. Người chủ trì hôn lễ cho bà khi đó chính là ông Nicolas Sarkozy, với tư cách quận trưởng thành phố. Nhiều người cho rằng ngay từ cái nhìn đầu tiên ông đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng. Tiếc là lúc đó bà Cecilia đã mang thai đứa con của Martin và gần đến ngày sinh nở.

 

Dù đã có vợ là bà Marie Dominique Culioli, Sarkozy không thể kiềm chế tình cảm nên vẫn tìm cách chinh phục "người trong mộng" bằng những cú điện thoại và hoa. Do chênh lệch tuổi tác quá lớn với chồng, Cecilia tỏ ra thích thú trước một ngài quận trưởng trẻ tuổi, hào hoa, ga-lăng và biết cách pha trò. Tiếp đó là mối quan hệ “vụng trộm” giữa hai người. Mọi chuyện bị vỡ lở trong một buổi cắm trại chung giữa 2 gia đình Sarkozy và Martin. Sau hôm đó, Sarkozy và Cecilia quyết định tiến hành các thủ tục ly hôn để cưới nhau vào năm 1996.

 

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân mới cũng không mặn nồng như họ hằng mong ước. Năm 2005, bà Cecilia bỏ chồng để cặp bồ với một nhà tư vấn truyền thông quốc tế, Richard Attias, trong nhiều tháng. Chuyện này bị tạp chí Paris Match phanh phui khi cho đăng loạt ảnh chụp bà với tình nhân ở New York. Trong khi đó, ông Nicolas cũng "cặp" với nhà báo Anne Fulda.

 

Khi tiến hành chiến dịch tranh cử tổng thống vào đầu năm ngoái, ông Sarlozy đã tìm mọi cách kéo bà Cecilia Sarkozy trở về và ông đã thành công. Một nhà viết tiểu sử từng nhận xét Sarkozy là loại người có thể đạt được mọi điều mình muốn.

 

Bà Cecilia đóng một vai trò khá quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy. Tuy nhiên, trong hai tuần cuối cùng của cuộc bầu cử, bà bỏ đi nghỉ mát với bạn, khiến nhiều người cho rằng có thể bà thật sự không thích làm đệ nhất phu nhân.

 

Dường như hiểu điều này và để trấn an dân chúng, trong buổi lễ nhậm chức tuần trước, tân Tổng thống đã ôm hôn vợ một cách thắm thiết. 

 

Người Pháp vốn có "truyền thống" rộng lượng với thói “lãng mạn đa tình” của các vị lãnh tụ. Cố Tổng thống Francois Mitterrand từng thừa nhận có nhân tình và con ngoài giá thú, cựu Tổng thống Chirac cũng thừa nhận từng có “người yêu bí mật”. Thế nên việc ông Sarkozy “lăng nhăng” có thể được nhiều người bỏ qua, nhưng một đệ nhất phu nhân lại có nhân tình như bà Cecilia Sarkozy là chuyện khó chấp nhận.

 

“Dân chúng có thể bỏ qua các vụ bê bối ngoại tình hay tai tiếng tài chính của tổng thống nhưng nhiều người sẽ bất bình nếu có một Đệ nhất phu nhân không theo truyền thống”, Jean Francoi Probst, cố vấn kiêm Chánh văn phòng nội các của ông Chirac nói.

 

HH

Theo AFP, Lemonde