1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyến bay lịch sử

Ngày 23-7-1980, con tàu “Liên hợp 37” đã được phóng lên vũ trụ cùng với đội bay quốc tế, gồm nhà du hành vũ trụ Liên Xô Vichtor Gorbatco và nhà du hành vũ trụ Việt Nam Phạm Tuân.

Đây là chuyến bay đầu tiên của người Việt Nam và châu Á vào vũ trụ, trở thành một sự kiện quan trọng trong đời sống của nhân dân hai nước; là biểu tượng về quan hệ hữu nghị, sự hợp tác toàn diện, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Liên Xô. 35 năm sau, hai nhà du hành trong hành trình chinh phục vũ trụ năm xưa đã có cuộc gặp mặt đầy xúc động ngay tại thủ đô Hà Nội.

35 năm ký ức không phai

Có mặt tại Hà Nội tham dự Lễ kỷ niệm 35 năm chuyến bay vũ trụ Việt - Xô (23-7-1980/23-7-2015) diễn ra sáng 22-7, Thiếu tướng Anh hùng, phi công vũ trụ Liên Xô Vichtor Gorbatco không khỏi xúc động khi gặp lại người bạn, đồng đội của mình ngày trước. Nhà du hành Gorbatco bộc bạch: “Cuộc đời đôi khi sắp đặt khiến cho tôi không được mấy dịp gặp lại người anh em vũ trụ của mình-Phạm Tuân, nhưng mỗi cuộc gặp gỡ đều mang lại niềm vui vô cùng lớn”.

Dòng ký ức bất chợt ùa về đưa nhà du hành Gorbatco quay trở lại những ngày cùng nhà du hành Phạm Tuân làm việc trên con tàu “Liên hợp 37” cách đây 35 năm về trước.  Đó là vào lúc 21 giờ 33 phút 3 giây (giờ Mátxcơva) ngày 23-7-1980, từ sân bay vũ trụ Baikonur, tàu “Liên hợp 37” được phóng lên mang theo hai nhà du hành của Liên Xô và Việt Nam.
Trong 8 ngày bay ngoài vũ trụ, hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatco đã thực hiện tổng cộng 142 vòng quanh quỹ đạo Trái đất. Hai nhà du hành vũ trụ đã tiến hành 30 cuộc thí nghiệm viễn thám hàng không, đo và xây dựng bản đồ độ ẩm đất vùng sông Hồng, chuẩn bị xây dựng Trạm mặt đất Hoa Sen phục vụ thông tin liên lạc qua hệ Intersputnik.
 Trong tình trạng không trọng lượng, hai nhà du hành vũ trụ cũng đã tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất, các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu… Ngoài ra, nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân còn tiến hành chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo Trái đất.

 

Chuyến bay lịch sử

 Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam tặng hoa cho hai nhà du hành vũ trụ. 

Sau những ngày làm việc khẩn trương và hoàn thành các nhiệm vụ được giao trên tổ hợp quỹ đạo Chào mừng 6-Liên hợp 36-Liên hợp 37, hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatco chuyển sang tàu Liên hợp 36 để trở về Trái đất. Khoang đổ bộ của tàu Liên hợp 36 đã hạ cánh chính xác xuống khu vực đã được định trước cách không xa sân bay vũ trụ Baikonur.

Nói về người bạn  của mình, nhà du hành Gorbatco cho biết, Phạm Tuân là người được đào tạo bài bản, được qua các trường đào tạo hàng không của Việt Nam và Liên Xô. Đặc biệt, tiếng Nga của ông rất tốt nên trong quá trình học và bay lên vũ trụ, hai người không gặp phải khó khăn gì về ngôn ngữ. “Tuy nhiên, cũng có những trục trặc nho nhỏ khi chúng tôi hạ cánh. Do cần ăng-ten bị cong gập xuống nên chúng tôi bị mất liên lạc. May mắn là sau một thời gian ngắn khắc phục, sự cố trên đã được xử lý”, ông Gorbatco cho hay.

Trung tướng Phạm Tuân cũng chia sẻ cảm xúc khi là người Việt Nam đầu tiên bay lên vũ trụ. “35 năm trước, khi đất nước vừa  thống nhất, bộn bề công việc phải giải quyết sau chiến tranh, nhưng Việt Nam và Liên Xô đã bắt tay vào chuẩn bị và thực hiện thành công chuyến bay vũ trụ Việt - Xô. Chuyến bay vào vũ trụ này không được tập luyện, bay thử như máy bay nên nó đã để lại cho tôi cảm xúc rất sâu sắc. Tôi luôn nghĩ rằng, chuyến bay này không phải bay cho cá nhân tôi mà tôi là đại diện của đất nước Việt Nam. Vì vậy, tôi luôn chuẩn bị tâm thế thật tốt cho chuyến bay. Trong vòng bay đầu tiên, sắp bay qua Việt Nam, các bạn Liên Xô đã dành cho tôi cái cửa sổ có tầm nhìn tốt nhất để ngắm nhìn đất nước rõ nhất. Khi nhìn thấy đất nước mình hình chữ S trải dài bên bờ biển, lòng tôi tràn ngập cảm xúc khó tả. Tôi cầm micro lên và nói: “Cảm ơn đất nước Việt Nam, cảm ơn Đảng, Nhà nước đã chắp cánh cho tôi bay vào vũ trụ. Chúc nhân dân sống trong hòa bình, xây dựng đất nước phồn vinh”. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ những cảm xúc đó”, Trung tướng Phạm Tuân bồi hồi kể lại.

Theo nhà du hành Việt Nam, cảm giác lo lắng đã xuất hiện trước khi chuyến bay được tiến hành. Nhưng khi ngồi vận hành con tàu thì cảm giác đó đã không còn nữa. “Khi đó chúng tôi chỉ có một niềm tin vững chắc. Đó là chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó”, ông Gorbatco khẳng định.

Cơ sở cho công cuộc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ

Theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga, chuyến bay vào vũ trụ thành công đó đã trở thành một dấu mốc quan trọng của tình hữu nghị  giữa Việt Nam - Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay. Chuyến bay lịch sử này đặt cơ sở và tạo dựng truyền thống cho công cuộc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ, giúp cho các nhà khoa học Việt Nam có cơ hội tốt hơn để tiếp cận với lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ vì mục đích hòa bình.

Sau chuyến bay phối hợp đó, Việt Nam tiếp tục hợp tác với Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay cũng như nhiều nước và tổ chức quốc tế để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ. Năm 1995, Việt Nam khởi động dự án quốc gia VINASAT-1 và được phóng lên quỹ đạo ngày 19-4-2008 với 20 bộ phát đáp. Sau đó, VINASAT-2 được phóng vào tháng 5-2012 với 24 bộ phát đáp của băng tần Ku. Việc phóng vệ tinh VINASAT-1 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn chỉnh hệ thống viễn thông Việt Nam. Với VINASAT-1, Việt Nam có thêm vệ tinh viễn thông và nhờ đó chủ động trong việc kết nối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo….

Phát huy kết quả và truyền thống của chuyến bay vũ trụ phối hợp 35 năm trước, sự hợp tác Việt - Nga về vũ trụ ngày càng phát triển, từng bước vươn những tầm cao mới. Đối với thế hệ trẻ Việt Nam, Gorbatco và Phạm Tuân là biểu tượng của sự hợp tác và tình bạn mà họ hướng tới, giúp họ hiểu rõ hơn vai trò của Hàng không Vũ trụ đối với tương lai của đất nước.

Bài và ảnh theo Linh Oanh
Quân đội Nhân dân

Chuyến bay lịch sử