1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chương trình tra tấn nghi can khủng bố của CIA: Vết nhơ lịch sử

Những chi tiết trong bản báo cáo của Ủy ban tình báo Thượng viện hôm 9/12 về việc tra tấn trong các nhà tù bí mật của CIA, thời kỳ chiến tranh Iraq và Afghanistan, là những gì người dân Mỹ đều đã biết qua những buổi điều trần của các viên chức đặc trách an ninh, tình báo trước quốc hội Mỹ diễn ra trong 4 năm qua.

Tuy nhiên, bản báo cáo vẫn khiến những người đọc nó cũng như dư luận phải lặng người bởi tính tàn bạo ngoài sức tưởng tượng của các nhân viên CIA cùng những sai lầm của tổ chức tình báo này.
 
CIA che giấu những gì?
 
1. Hai nhà tâm lý được CIA thuê để đề xuất các biện pháp thẩm vấn tăng cường lại là những người thiếu kinh nghiệm về chống khủng bố, nhưng được trả hơn 80 triệu USD cho dịch vụ của họ. Những tiết lộ được nêu ra trong bản báo cáo nói rõ cả hai nhà tâm lý đều không có kinh nghiệm thẩm vấn, cũng không thể có kiến thức chuyên môn về al-Qaeda, hay có kinh nghiệm về chống khủng bố, hoặc bất kỳ chuyên môn về văn hóa hay ngôn ngữ có liên quan. Thế nhưng hai người này được cho là đã trực tiếp tham gia thẩm vấn một số tù nhân "quan trọng nhất" của CIA.

Được xác định danh tính dưới bút danh Tiến sĩ Grayson Swigert và tiến sĩ Hammond Dunbar trong bản báo cáo, hai người này được giới truyền thông Mỹ tiết lộ là hai quân nhân về hưu Jim Mitchell và Bruce Jessen. Tiến sĩ Mitchell gia nhập lực lượng không quân vào năm 1974, chuyên về tháo gỡ bom trước khi có bằng tiến sĩ tâm lý chuyên về chế độ ăn uống, tập thể dục và tăng huyết áp.

Trong khi đó tiến sĩ Jessen, có bằng tiến sĩ chuyên về "điều trị tâm lý gia đình" và sau này trở thành một nhà tâm lý tại Trường Không quân chuyên về kỹ năng tồn tại và là người chịu trách nhiệm sàng lọc giáo viên hướng dẫn giả làm người thẩm vấn kẻ thù. Cả hai người, được cho là cấp trung tá, đã trở thành chuyên gia của Bộ Quốc phòng về chống thẩm vấn của kẻ thù - thế nhưng các nhà tâm lý đồng nghiệp tỏ ra hoài nghi và thậm chí quan ngại về các biện pháp của hai ông này.

2. Những cuộc thẩm vấn do CIA thực hiện đi quá xa so với những điều được Bộ Tư pháp (dưới thời Tổng thống George W. Bush) đã chấp thuận và quá xa so với những gì đã được công bố cho dân chúng biết. Thí dụ như thủ lĩnh Abe Zubaydah bị thẩm vấn liên tiếp 17 ngày, trong thời gian đó bị nhấn nước 183 lần, kể cả một lần Zubaydah bị bất tỉnh, và CIA dự tính thiêu xác nếu Zubaydah chết trong thời gian đang bị điều tra. Những chi tiết này không được nhân viên CIA báo cho cấp trên, Ủy ban Tình báo Thượng viện tìm thấy trong những email trao đổi giữa nhân viên thẩm vấn và nhân viên đặc trách y tế của CIA.
 
Những hình ảnh tra tấn, bức cung và sỉ nhục phạm nhân trong một nhà tù bí mật của Mỹ.

Những hình ảnh tra tấn, bức cung và sỉ nhục phạm nhân trong một nhà tù bí mật của Mỹ.

3. CIA không báo cáo rõ con số nghi can khủng bố bị giam giữ ở những nhà giam bí mật đặt tại châu Âu và châu Á. Báo cáo của CIA gửi cho Hội đồng An ninh Quốc gia cho hay "số tù binh không quá 100 người" trong khi con số thật sự là 119 người, trong đó khoảng 20 tù binh thuộc diện "tình nghi", tức không nhất thiết phải áp dụng những biện pháp mạnh khi thẩm vấn. Báo cáo của Thượng viện nhắc lại chuyện chính Phó tổng thống Dick Cheney, người ủng hộ việc phải áp dụng mọi biện pháp để moi được tin tức, từng có lần gặp trở ngại về ngoại giao khi lên tiếng khẳng định với một nhà lãnh đạo đồng minh rằng "Chúng tôi không hề giam giữ tù binh trên lãnh thổ nước ông", nhưng sau đó tài liệu tình báo cho thấy quốc gia mà ông Cheney đề cập nói không là một trong những nước CIA bí mật lập trại giam để giam giữ nghi can khủng bố.

4. Ngay chính Tổng thống George W. Bush cũng không được báo cáo về những kỹ thuật mà nhân viên CIA đã thực hiện khi thẩm vấn những tên khủng bố bị bắt, cho dù ông Bush là người lên tiếng biện hộ cho họ và thẳng thắn nói rằng ông "nhận mọi trách nhiệm" vì đã chấp thuận cho CIA làm những gì "họ thấy cần thiết phải làm" để "bảo vệ an ninh quốc gia và sự an toàn cho người dân".

Tài liệu được ghi trong bản báo cáo của Thượng viện cho thấy mãi đến năm 2006 ông mới được CIA và nhân viên Nhà Trắng báo cáo lần đầu tiên về "kỹ thuật thẩm vấn", ghi thêm trong buổi họp đó. Lúc ấy, vị nguyên thủ quốc gia lên tiếng than phiền rằng "ông thấy khó chịu, bực bội khi nhìn thấy hình ảnh tù binh bị xiềng xích treo lên tường, tù binh không được mặc quần áo mà chỉ được mang tã, và tù bình phải tự lê lết vào cầu tiêu, nhân viên điều tra đứng yên không giúp họ". Một số hình ảnh Tổng thống Bush nói đến, trước đó, được phổ biến trên mặt báo cũng như trên truyền hình.

5. Ngay chính những nhân vật quan trọng trong chính phủ như Ngoại trưởng Collin Powell hay Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cũng không được CIA thông báo những chuyện đã làm và đang làm, mãi tới năm 2006 Powell và Rumsfeld mới được biết. Dẫn chứng được đưa ra là email của ông John Rizzo (đặc trách pháp lý cho CIA) viết: "Bên Nhà Trắng nhất định không cho nhiều người biết vì không muốn chuyện này bị lộ ra ngoài". Trong một email khác, ông Rizzo viết rằng: "Bên Hội đồng An ninh Quốc gia nói đủ cho chúng tôi hiểu rằng họ không muốn cho Ngoại trưởng Powell biết chuyện" vì Nhà Trắng "lo ngại ông Powell sẽ nổi giận khi biết chuyện này".

Trình bày trước diễn đàn Thượng viện, Thượng nghị sĩ Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Diane Feinstein nói rằng kỹ thuật thẩm vấn tù binh mà CIA thực hiện "kinh hoàng hơn những gì mà (CIA) đã cho người dân biết", gọi đó là hành động cố ý "cung cấp tin tức sai lệch cho dân chúng".
 
Rùng rợn cảnh tra tấn trong "Địa ngục đau đớn" Cobalt

Hơn 200.000 USD được giao cho CIA để xây dựng khu mật giam Cobalt, được khởi công xây dựng vào tháng 6 và đến tháng 9/2002 thì hoàn thành. Một trong những thẩm vấn viên khét tiếng tại trại giam Cobalt từng có lần nói rằng, đó là một địa điểm hiệu quả cho những đòn tra khảo và bức cung vì ở đó vô cùng chật chội, thiếu ánh sáng, ông ta cũng buột miệng so sánh nó giống như một "hầm ngầm." Các nhân viên CIA còn gọi Cobalt là "Địa ngục đau đớn".

Kỹ thuật tra tấn hậu môn do CIA áp dụng để lại nhiều hậu quả thảm khốc. Nhiều phạm nhân, trong đó có Mustafa Al Hawsawi, nghi can chủ mưu các vụ tấn công ngày 11/9 đã phải chết đau đớn vì mắc bệnh trĩ và sa trực tràng- hậu quả từ những ngón đòn tra tấn thâm hiểm.

Các tù nhân không mảnh vải che thân, bị tống vào một khu giam cầm tập thể, và phải diễu hành khắp trại giam như một hình thức sỉ nhục. Thẩm vấn viên CIA ép họ phải quỳ xuống đất trong trạng thái tay, chân bị xiềng và sau đó đẩy từng nghi can vào những buồng giam có nhiệt độ âm 40ºC. Nhạc được bật to hết cỡ liên tục để át tiếng kêu la của tù nhân. Quần áo của phạm nhân Gul Rahman bị cào rách tả tơi nhưng nhân viên CIA cứ liên tục tát vào mặt và đấm đá, chỉ đến khi Gul Rahman gục xuống, họ mới lôi cơ thể mềm oặt như sợi bún của ông ta ra ngoài.
 
Trại giam Cobalt.
Trại giam Cobalt.

Một thẩm vấn viên cao cấp khai rằng các tù nhân "có thể đi đâu đó vài ngày hoặc vài tuần mà không ai trông thấy bóng dáng của họ", có người phải đứng liên tục 17 ngày bằng đôi chân bị xích. Nhiều tù nhân tay bị xích treo lên quá đầu suốt cả ngày lẫn đêm. Có 4 trong tổng số 20 buồng giam ở Cobalt chuyên thực hiện "nhiệm vụ" này.

Năm 2012, quan chức Phòng nhất (thẩm vấn nghi can khủng bố) CIA ra lệnh lột bỏ quần áo và xích Gul Rahman vào tường. Ngày hôm sau, Rahman chỉ còn là một cái xác không hồn. Quan chức y tế thực hiện công tác khám nghiệm tử thi cho biết nạn nhân bị hạ thân nhiệt quá mức, tuy nhiên mọi báo cáo về trường hợp Rahman sau đó đã bị giấu nhẹm. Tháng 3/2003, chỉ 4 tháng sau khi Rahman chết, Phòng nhất được đề nghị khen thưởng số tiền 2.500 USD!

Thế giới sửng sốt trước hành vi tàn bạo của CIA

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên tiếng đả kích hành vi tra tấn tàn bạo tù nhân của CIA và yêu cầu phải truy tố các quan chức có dính líu, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền tại Mỹ.

Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên, ngày 10/12, ra thông điệp kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) lên án hành động vô nhân đạo của tình báo Mỹ. Trong thông điệp được hãng tin chính thức của Triều Tiên trích dẫn, có đoạn: "Nếu Hội đồng Bảo an muốn tiếp tục thảo luận về nhân quyền, thì cần  quan tâm đến nhiều vi phạm nhân quyền tại Mỹ". Tuyên bố của chính quyền Bình Nhưỡng khẳng định các phát giác của Thượng viện Mỹ về những vụ tra tấn nhắm vào các tù nhân có liên hệ với al-Qaeda, là một trắc nghiệm thực sự đối với Hội đồng Bảo an LHQ.

Cùng ngày, Thủ tướng Anh David Cameron lên tiếng cho rằng "tra tấn là sai lầm" sau khi Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ công bố bản báo cáo gây tranh cãi về việc tra tấn dã man những nghi phạm khủng bố.

Trước đó, ngày 9/12, phát ngôn viên Tổng thư ký LHQ Stefan Dyuzharrik kêu gọi cấm mọi hoạt động tra tấn. Ông Ben Emmerson, Ðặc sứ của LHQ về nhân quyền và chống khủng bố, nói rằng báo cáo của Thượng viện Mỹ về cách làm của CIA tiếp theo sau các cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001 "nhấn mạnh đến sự cần thiết phải buộc những người vi phạm chịu trách nhiệm về những hành động tội ác của họ".
 
Ông Ben Emerson, Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về nhân quyền và chống khủng bố.

Ông Ben Emerson, Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về nhân quyền và chống khủng bố.

Ông Emerson phẫn nộ lên tiếng kêu gọi truy tố và xử lý hình sự đối với các quan chức Mỹ tham gia tra tấn. Ông cũng cho biết bất kỳ quốc gia nào cũng có thể xét xử người Mỹ. Ông Emerson nhấn mạnh: Bản tường trình từ Thượng viện chứng minh Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế - đặc biệt Công ước Chống tra tấn của LHQ. Ông còn đề nghị thêm: ngoài các quan chức CIA, thì các thành viên chính phủ, thậm chí nguyên Tổng thống Goerge W. Bush đáng bị xét xử công khai vì có liên quan đến chương trình này.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 11/12, cho hay Moskva sửng sốt với nội dung báo cáo mới được công bố về hoạt động tra tấn trong các nhà tù bí mật của CIA và tin rằng, Chính phủ Mỹ cùng với chính phủ các nước đã diễn ra sự tra tấn sẽ phải chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền. Konstantin Dolgov, tùy viên phụ trách nhân quyền, dân chủ và pháp quyền Bộ Ngoại giao Nga nói: "Thông tin được giải mật là sự xác nhận lần nữa về những hành vi vi phạm quyền con người có hệ thống của chính quyền Mỹ. Dù cho hoạt động tra tấn thẩm tra của CIA diễn ra bên ngoài nước Mỹ, điều này vẫn không loại bỏ khỏi họ trách nhiệm cho những hành động cố ý này. Đồng thời đặt ra câu hỏi về sự tham gia vào tội ác của chính phủ các nước (được báo cáo lưu ý giấu tên) đã chấp thuận cho phép bố trí nhà tù bí mật".

Trong bài phát biểu ngày 10/12, người đứng đầu chính quyền Mỹ phải cúi đầu thừa nhận: "Những kỹ thuật này đã gây thiệt hại nặng nề cho vị thế nước Mỹ trên thế giới, gây khó khăn hơn cho việc theo đuổi lợi ích của đất nước chúng ta cùng với các đồng minh và đối tác". Cùng quan điểm với Tổng thống Obama, trong bài phát biểu cùng ngày được truyền hình trực tiếp, nữ Thượng nghị sĩ Dianne Feinsteine, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện phải chùng giọng xác thực: "CIA tiếp tục để lại vết nhơ cho phẩm giá quốc gia và lịch sử của nước Mỹ".

"Chương trình tra tấn của thời chính quyền Bush và cuộc chiến dài đằng đẵng của chính quyền Obama nhằm bưng bít sự thật đã cho thấy đây là một trong những chương đáng xấu hổ nhất trong lịch sử nước Mỹ," bà Elizabeth Goitein - đồng Giám đốc Chương trình Dân chủ và An ninh Quốc gia trực thuộc Trung tâm Brennan vì Công lý đã phải thốt lên như vậy.

Theo Đan Kô - Khôi Nguyên
An ninh thế giới