1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chương trình Lương thực Thế giới giành giải Nobel Hòa bình 2020

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã được trao giải Nobel Hòa bình 2020 vì nỗ lực chống nạn đói, đóng góp cho hòa bình ở khu vực xung đột và ngăn việc biến nạn đói thành vũ khí chiến tranh.

Chương trình Lương thực Thế giới giành giải Nobel Hòa bình 2020 - 1

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thắng giải Nobel Hòa bình năm 2020 (Ảnh: Nobel Prize/Twitter)

Ngày 9/10, Giải Nobel Hòa bình thứ 101 đã gọi tên Chương trình Lương thực Thế giới (WFP). Theo Ủy ban Giải Nobel Na Uy, WFP được trao giải vì "nỗ lực trong việc chiến đấu chống lại nạn đói, sự đóng góp vì hòa bình tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột và vì trở thành động lực nhằm ngăn chặn việc biến nạn đói trở thành vũ khí của chiến tranh và xung đột".

Theo thông tin trên trang web của giải Nobel, năm 2020 ghi nhận 381 ứng viên cho giải Nobel Hòa bình, bao gồm 211 cá nhân và 107 tổ chức. Đây là con số ứng viên cao chưa từng có trong lịch sử, vượt qua kỷ lục trước đó, 376, vào năm 2016.

Năm 2020 được xem là một năm đặc biệt khi có nhiều sự kiện xảy ra như các cuộc xung đột, bất ổn, hay đại dịch Covid-19 khiến hơn 1 triệu người chết toàn cầu. Trước đó, giới quan sát dự đoán giải thưởng năm nay có thể có liên quan tới Covid-19. 

Giải Nobel Hòa bình năm ngoái thuộc về Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed. Ông được đánh giá cao nhờ các nỗ lực nhằm thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế và sáng kiến mang tính quyết định của ông nhằm giải quyết cuộc xung đột biên giới với quốc gia láng giềng Eritrea.

Các giải Nobel do Alfred Nobel, một doanh nhân và nhà phát minh người Thụy Điển, sáng lập. Giải Nobel được trao tặng lần đầu vào năm 1901, 5 năm sau khi ông Nobel qua đời.

Ban đầu giải thưởng chỉ có 5 hạng mục bao gồm các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hòa bình. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đã đưa thêm vào một giải về lĩnh vực Kinh tế.

Hiện tại, mỗi giải thưởng Nobel bao gồm một huy chương vàng, một giấy chứng nhận và số tiền thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (tương đương hơn 1,1 triệu USD).

Theo nguyện vọng của Alfred Nobel, giải Nobel Hòa Bình được quyết định bởi Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra, trong khi các giải khác do Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển quyết định.

Mùa giải Nobel năm nay đã trao các giải thưởng Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa Học, Văn học. Sau giải Nobel Hòa bình, giải cuối cùng - Nobel Kinh tế - sẽ được trao vào ngày 12/10.