1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuỗi sự kiện châu Á được chờ đợi đầu năm 2016

(Dân trí) - Đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam, bầu cử tại Đài Loan, Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á đi vào hoạt động... là những sự kiện châu Á đáng chú ý đầu năm 2016.

Theo tờ The Diplomat, châu Á trong năm nay sẽ chứng kiến không ít sự kiện có sức ảnh hưởng địa chính trị đáng kể, có thể tác động tới tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó có 7 sự kiện được tờ báo tại Nhật xem là cần dõi theo trong tháng đầu năm.

Đại hội đảng Cộng Sản khóa XII tại Việt Nam

Những ngày đầu năm 2016, đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ họp để bầu ra thế hệ lãnh đạo mới cho đảng và đất nước.

Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng tại Đông Nam Á. Theo Diplomat, Việt Nam cũng là một bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nơi các căng thẳng liên quan tới các tranh chấp biển đảo chưa lắng dịu. Mỹ và Nhật Bản ngày càng chú ý tới Việt Nam để đối trọng tới sự quyết liệt không ngừng gia tăng từ Bắc Kinh trong các vấn đề tại khu vực. Tờ báo cho rằng kết quả đại hội Đảng khóa XII có thể không dẫn tới với những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại, nhưng vẫn là sự kiện đáng quan tâm.

Bầu cử tại đảo Đài Loan


Bà Thái Anh Văn, ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tại đảo Đài Loan (Ảnh: SCMP)

Bà Thái Anh Văn, ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tại đảo Đài Loan (Ảnh: SCMP)

Người dân đảo Đài Loan ngày 16/1 tới sẽ tham gia tổng tuyển cử. Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy đảng Dân Tiến (DPP), do ứng viên Thái Anh Văn dẫn đầu đang chiếm ưu thế. Quốc dân đảng cầm quyền có thể sẽ bị đánh bại. Và nếu điều đó xảy ra, Đài Loan sẽ có nhà lãnh đạo đầu tiên là nữ, và sau đó là những thay đổi trong chính sách đối ngoại, định vị lại quan hệ với Trung Quốc đại lục.

Dù DPP và bà Thái tuyên bố sẽ tránh gây xáo trộn quan hệ với Trung Quốc nếu họ chiến thắng, Bắc Kinh vẫn đang dõi theo một cách e ngại. Và dù diễn biến ra sao, đây vẫn sẽ là sự kiện địa chính trị đáng chú ý tại khu vực những ngày đầu năm.

Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á khai trương

Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đã hoàn tất những bước chuẩn bị quan trọng, khi 17 thành viên sáng lập đều đã thông qua điều lệ của ngân hàng này hồi cuối tháng 12. Trong tháng 1, buổi họp đầu tiên của Hội đồng thống đốc sẽ diễn ra, đánh dấu AIIB đi vào hoạt động.

Ngân hàng này chính là ví dụ điển hình cho thấy tham vọng ngày một lớn của Trung Quốc trong việc trở thành nhà lãnh đạo đa phương, khi đưa ra một lựa chọn thay thế cho những định chế được phương Tây hậu thuẫn, như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Đàm phán Nhật - Hàn về vấn đề “phụ nữ mua vui”

Cuối năm 2015, một tin khá bất ngờ xuất hiện, khi Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố đạt được thỏa thuận lịch sử về vấn đề “phụ nữ mua vui” trong những năm Thế chiến II, vốn lâu nay vẫn gây tranh cãi và chia rẽ. Cho dù ngoại trưởng hai nước tuyên bố vấn đề “cuối cùng đã được giải quyết và không thể đảo ngược”, nhiều diễn biến mới đã xuất hiện, cho thấy việc thực thi thỏa thuận không dễ dàng.

Trước hết, chính những người Hàn Quốc từng bị ép làm nô lệ tình dục cho phát xít Nhật đã phản đối thỏa thuận này. Hai là, Tokyo bị cho là đang ràng buộc việc giải ngân các khoản bồi thường theo thỏa thuận với việc tháo dỡ một bức tượng khắc họa sự đau khổ những “phụ nữ mua vui” phải chịu gần đại sứ quán Nhật ở Seoul. Do đó, vấn đề này có vẻ chưa thể được giải quyết.

Đàm phán hòa bình toàn diện Ấn Độ - Pakistan

Chuyến thăm Lahore, Pakistan đầy bất ngờ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dịp Giáng sinh, cùng sự tiếp đón nồng hậu của người đồng cấp nước chủ nhà Nawaz Sharif đã phát đi một thông điệp rất rõ ràng về triển vọng đàm phán hòa bình toàn diện giữa hai nước. Đây là điều hoàn toàn có thể diễn ra với động lực ngày một lớn.

Binh sỹ biên giới Ấn Độ và Pakistan thực hiện nghi thức trong một buổi lễ. (Ảnh: Getty)
Binh sỹ biên giới Ấn Độ và Pakistan thực hiện nghi thức trong một buổi lễ. (Ảnh: Getty)

Trong năm 2015, hầu hết các cuộc đàm phán giữa hai nước đã bị hủy bỏ, nhưng những tuần cuối năm lại có những diễn biến trái ngược. Sau những màn bắt tay và trò chuyện hồ hởi của hai vị thủ tướng, New Delhi và Islamabad đang có kế hoạch đàm phán cấp bộ trưởng ngoại giao trong tháng 1 này.

Mục tiêu là hướng tới sự nối lại nghiêm túc các cuộc đàm phán hòa bình toàn diện. Kết quả của chúng có thể trở thành tiền đề cho sự xích lại gần nhau của hai cường quốc Nam Á trong năm 2016.

Đàm phán hòa bình với Taliban

Với sự tán thành của Pakistan, các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính quyền Afghanistan và Taliban có thể được nối lại trong những ngày đầu năm 2016. Thành công hay thất bại của các cuộc đối thoại có thể là chỉ dấu về những diễn biến sắp tới trong cuộc chiến chống nhóm phiến quân này tại Afghanistan. Hiện Taliban đã làm chủ nhiều vùng lãnh thổ hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây, kể từ sau khi Mỹ tiến vào năm 2001.

Cộng đồng ASEAN ra đời

Cộng đồng ASEAN ra đời là một sự kiện quan trọng trong khu vực. (Ảnh: Straittimes)
Cộng đồng ASEAN ra đời là một sự kiện quan trọng trong khu vực. (Ảnh: Straittimes)

Cộng đồng ASEAN đã chính thức khai sinh trong những ngày đầu năm, bao gồm 3 cấu phần: Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng Chính trị - An ninh và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Một cách tổng quát, các sáng kiến này nhắm tới sự kết nối sâu sắc hơn, thịnh vượng hơn, giao thương mạnh mẽ hơn và sự ổn định cao hơn cho 10 quốc gia thành viên ASEAN, với hơn 600 triệu dân.

Nếu Cộng đồng ASEAN thử nghiệm thành công với những kết quả đến sớm, 2016 có thể là năm chứng kiến sự nổi lên của một khối kinh tế đông nam châu Á thống nhất, một diễn biến có thể thay đổi cách các nhà quan sát nhìn nhận về bối cảnh kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Thanh Tùng

Theo Diplomat