1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chuẩn bị thay chuyên cơ cho tổng thống Mỹ

Máy bay công vụ dành cho tổng thống Mỹ được trang bị như một “Nhà Trắng di động”. Khi tổng thống Mỹ lên máy bay, nó được gọi là Air Force One, có đủ các thiết bị hiện đại, bảo đảm hoạt động cho tổng thống như đang ngồi trong Nhà Trắng.

Thông tin liên lạc là quan trọng nhất, dù đang bay ở đâu, lúc nào, tổng thống vẫn nắm chắc mọi công việc và chỉ đạo mọi chuyện từ kinh tế xã hội đến bấm nút dùng vũ khí hạt nhân khi cần…

Máy bay vẫn là cỗ máy, dùng một thời gian cũng phải định kỳ đổi mới. Kế hoạch được lên từ rất sớm để thiết kế, sản xuất, thử nghiệm theo tiêu chuẩn hàng đầu trước khi được dùng cho tổng thống.

Chuẩn bị thay chuyên cơ cho tổng thống Mỹ - 1
Chuẩn bị thay chuyên cơ cho tổng thống Mỹ - 2

Để chuẩn bị máy bay mới cho tổng thống Mỹ vào năm 2023, ngay từ bây giờ, Lầu Năm Góc đã ký với hãng hàng không Boeing hợp đồng nghiên cứu loại chuyên cơ mới 747-8 để chuẩn bị thay thế các chuyên cơ 747-200 hiện dùng.

Nghiên cứu bước đầu thôi, Boeing đã giành hợp đồng trị giá 25,6 triệu USD. Chỉ là sơ khai, đánh giá chi phí nghiên cứu, các tiêu chuẩn thiết kế loại chuyên cơ mới cũng có nhiều giai đoạn. Và bước khởi đầu này dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2017.

Con số bí mật được tiết lộ ra: theo tính toán, để chế tạo 2 chuyên cơ mới (giống nhau để nghi binh), ước tính ban đầu chi phí có thể hơn 1,6 tỷ USD, chưa tính trượt giá, phát sinh… Các chuyên cơ mới này được đặt yêu cầu hiện đại nhất và dự kiến phải phục vụ trong khoảng 30 năm. Loại Boeing 747-8, dòng máy bay 4 động cơ duy nhất sản xuất tại Mỹ, có độ an toàn cao hơn rất nhiều so với các dòng máy bay 2 động cơ.

Hiện tại không quân Mỹ đang điều hành 2 máy bay Air Force One được sửa đổi từ phi cơ thương mại Boeing 747-200B làm nhiệm vụ chuyên chở Tổng thống Barack Obama trong các chuyến công du trong và ngoài nước.

Hai máy bay được cho số VC-25A, số đuôi 28000 và 29000, mỗi chiếc được trang bị 4 động cơ phản lực General Electric CF6-80C2B1, có thể đạt tốc độ tối đa tới 1.126 km/h (nhanh hơn so với các máy bay thương mại), trần bay tối đa 13,7 km.

Chuyên cơ của ông Obama có diện tích sàn 371,6 m2. Trong máy bay có phòng họp, phòng nghỉ dành cho tổng thống, các quan chức, nhân viên và phi hành đoàn. Phòng thông tin, phòng ăn, kho lưu trữ và phòng vệ sinh.

Air Force One được trang bị 85 điện thoại thông thường và điện thoại vệ tinh, radio, máy fax, máy tính kết nối Internet. Tất cả thông tin kết nối giữa máy bay với mặt đất đều được mã hóa để đảm bảo an toàn. Máy bay còn có 19 TV và các thiết bị văn phòng khác. Air Force One hoạt động như một trung tâm chỉ huy lưu động trên không.

Máy bay được thiết kế với khả năng chịu được bức xạ điện từ và phóng xạ từ vụ nổ hạt nhân. Air Force One được trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không cho phép máy bay hoạt động liên tục trong thời gian dài mà không cần phải quá cảnh để tiếp nhiên liệu.

Máy bay này có hệ thống mồi bẫy pháo sáng để đánh lừa tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại. Nó được thiết kế để đối phó với cuộc không kích của đối phương như một máy bay quân sự.

Bên trong chuyên cơ Air Force One.
Bên trong chuyên cơ Air Force One.

Ba lần Air Force One mang ông chủ Nhà Trắng tới Việt Nam: Tổng thống Bill Clinton năm 2000, Tổng thống George W. Bush năm 2006 và Tổng thống Barack Obama từ 23 đến 25-5-2016. Mỗi lần chuyên cơ này đến, việc bảo vệ máy bay được phía Mỹ đề nghị rất chặt chẽ, có tới 38 danh mục cần đảm bảo an ninh tuyệt đối.

Những tiêu chuẩn đảm bảo an ninh của Việt Nam và Mỹ đối với việc bảo vệ nguyên thủ quốc gia về cơ bản là giống nhau, nhưng vẫn có những khác biệt đáng kể.

Theo quy định của Việt Nam về tiêu chuẩn phục vụ chuyên cơ, tất cả quy trình điều hành từ không lưu đến mặt đất đều được quy định rất chi tiết từ điều kiện về con người, trang thiết bị… Tùy theo quan hệ song phương, có những nhân nhượng nhất định.

Điểm khác biệt ở chuyên cơ phục vụ Tổng thống Obama là phía Mỹ đề nghị bản danh sách gồm 38 danh mục cần triển khai để đảm bảo an ninh đối với hàng không và tất cả đều được phía Việt Nam xem xét, đáp ứng ở mức cao nhất.

Thí dụ, về ưu tiên vùng trời, phía Mỹ đề nghị một số hạn chế về hoạt động hàng không chung. Thông thường, chuyên cơ được dành đường cất hạ cánh riêng trước và sau 5 phút để tránh trường hợp máy bay hạ cánh trước trục trặc kỹ thuật làm vướng… Mỹ đề nghị tăng thời gian này lên 10 phút và phía Việt Nam đồng ý.

An ninh hàng không được siết chặt, phân công gác, phối hợp các kịch bản được lên kế hoạch chi tiết… Quy trình hoạt động chính thức của Air Force One thường được giữ bí mật vì lý do an ninh.

Theo trang mạng Quora, khi hoạt động trong nước, Air Force One thường được hộ tống bởi tiêm kích tàng hình F-22 Raptor, hoặc tiêm kích F-16.

Việc hộ tống Air Force One không diễn ra thường xuyên, đặc biệt là trong các chuyến công du nước ngoài. Đường bay của Air Force One thường được chọn dọc theo các khu vực có căn cứ quân sự hoặc nơi Hải quân Mỹ đang hoạt động để tiện cho việc hộ tống khi cần thiết.

Mọi hoạt động của Air Force One ở nước ngoài đều được giám sát chặt chẽ bởi Bộ chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD). Một hệ thống vệ tinh giám sát đặc biệt có thể phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu khả nghi nào có thể đe dọa đến hoạt động của Air Force One.

Khi bay qua không phận quốc gia có chủ quyền, phía Mỹ thông báo cho quốc gia đó về hành trình của máy bay. Việc đảm bảo an toàn cho Air Force One sẽ do quốc gia đó đảm nhận. Không một quốc gia nào muốn để xảy ra việc Air Force One bị tấn công trên không phận của họ.

Hiện, hai chiếc Boeing 747-200 loại chở khách 2 động cơ, phục vụ dưới thời cựu Tổng thống George Bush từ năm 1990. Phiên bản máy bay này cũng được Công ty Boeing ưa chuộng bởi tính cơ động và tiêu thụ ít nhiên liệu khi vận chuyển hành khách đường dài.

Theo Quốc Anh

Cảnh sát toàn cầu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm