Chu Vĩnh Khang từ đỉnh cao quyền lực tới cáo buộc nhiều tội danh
Cáo buộc lớn nhất đối với Chu Vĩnh Khang là tội nhận hối lộ và làm lộ bí mật quốc gia.
Bị điều tra với nhiều tội danh
Nghị quyết có đoạn: “Ông Chu Vĩnh Khang đã lạm dụng quyền hạn của mình để giúp đỡ họ hàng, tình nhân, bạn bè kiếm lợi lớn thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động kinh doanh dẫn đến thất thoát nghiêm trọng tài sản của nhà nước”.
Ngoài ra, Tân Hoa xã cho biết ông Chu Vĩnh Khang còn bị cáo buộc những tội danh liên quan tới việc quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ và lợi dụng quyền hạn của mình để ép họ quan hệ hoặc bắt họ phải hối lộ tiền cho mình.
Trước đó ngày 29/7, cũng theo Tân Hoa Xã, ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính Pháp Trung ương Trung Quốc đã bị Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Kể từ cuối năm 2013, các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Trung Quốc đã liên tục đưa tin về cuộc điều tra chống tham nhũng của các nhà chức trách nước này đối với ông Chu Vĩnh Khang.
Chỉ sau khi Tân Hoa xã đưa tin về việc Trung Quốc sẽ điều tra Chu Vĩnh Khang, dư luận trong và ngoài nước đã rúng động và tập trung vào sự việc này. Theo BBC, trang nhất của nhiều tờ báo lớn ở Trung Quốc ngày (30/7) đồng loạt đưa tin về việc giới chức Bắc Kinh chính thức công bố quyết định tiến hành điều tra đối với cựu Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang do "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".
Một bài bình luận của Tân Hoa xã có đoạn: “Tuyên bố về việc điều tra cựu quan chức cấp cao Chu Vĩnh Khang đã cho thấy sự can đảm, quyết đoán và quyết tâm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Cơ quan ngôn luận chính thức của Nhà nước Trung Quốc cho rằng, trường hợp của Chu Vĩnh Khang cho thấy Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ thành viên nào của Đảng có các hành vi vượt ra ngoài thẩm quyền, vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật Đảng.
Trong khi đó, tờ Nhân dân nhật báo đã xuất bản một loạt các bài bình luận ca ngợi nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình.
Ngày 31/7, tờ "Nhật báo Ma Cao" đăng bài xã luận đánh giá cao quyết định điều tra Chu Vĩnh Khang. Tờ báo này cho rằng đây là cột mốc đánh dấu hành trình chống tham nhũng, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.
Về tác động của vụ việc đối với đời sống chính trị của Trung Quốc, hãng tin Tân Hoa Xã cho rằng, sự nghiệp đấu tranh chống tham nhũng của Trung Quốc đang bước sang giai đoạn mới, giúp cho nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc trong sạch hơn, có sức lôi cuốn và đoàn kết hơn 1,3 tỉ dân thực hiện mục tiêu “Giấc mộng Trung Hoa”; đồng thời "chấn hưng" dân tộc Trung Quốc.
Tờ “Thời báo kinh tế” của Hong Kong bình luận, việc mở cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang “là một bước đi quan trọng trong hành trình dài chống tham nhũng của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ có được môi trường chính trị trong sạch và ổn định khi cơ chế chống tham nhũng được cải thiện”.
Một điều nữa khiến dư luận quan tâm là sau Chu Vĩnh Khang, sẽ có các “con hổ” lớn khác vị điều tra và cáo buộc hay không?
Khả năng này là hoàn toàn có thể xảy ra bởi việc phá vỡ một quy tắc bất thành văn là các thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ không bị động đến sau khi đã nghỉ hưu không đơn thuần là phép thử của ông Tập với “hệ miễn dịch” của các thành viên Bộ Chính trị. Thay vào đó, dường như Trung Quốc đang cố gắng để đưa ra lời cảnh báo đối với các quan chức cấp cao khác cần phải tránh xa tham nhũng.
Chính trị gia với đỉnh cao quyền lực
Ông Chu Vĩnh Khang được coi là một trong những chính trị gia quyền lực nhất ở Trung Quốc trong thập niên vừa qua. Theo hãng tin Reuters, ông Chu chính là người đã bảo trợ cho ông Bạc Hy Lai, một chính trị gia nổi tiếng nhưng đã thất thế khác.
Thông tin vụ Chu Vĩnh Khang tràn ngập trên các mặt báo của Trung Quốc
Theo thông tin trên “Nhân dân Nhật báo” online, ông Chu Vĩnh Khang sinh tháng 12/1942, là người dân tộc Hán, gốc Vô Tích (Wuxi), tỉnh Giang Tô (Jiangsu). Trong giai đoạn 1961-1966, ông theo học chuyên ngành khảo sát và thăm dò địa chất tại Khoa Khảo sát và Thăm dò thuộc Học viện Dầu khí Bắc Kinh. Trong giai đoạn này, ông Chu đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 12/1964.
Với tấm bằng cử nhân đại học trong tay, ông Chu Vĩnh Khang được coi là một kỹ sư cao cấp với cấp bậc tương đương một giáo sư. Năm 1967, ông đã khởi đầu sự nghiệp trong ngành dầu khí với tư cách một thực tập sinh và sau đó là kỹ sư tại đội thăm dò địa chất của Nhà máy số 673, mỏ dầu Daqing – một trong những mỏ dầu lớn nhất Trung Quốc nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hắc Long Giang.
Trong giai đoạn 1967-1985, ông Chu đã liên tục thăng tiến trong ngành dầu khí. Đến giữa những năm 1980, ông đã trở thành Thứ trưởng ngành dầu khí và sau đó được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) – một trong những doanh nghiệp hùng mạnh nhất tại nước này. CNPC được coi là bệ phóng quan trọng để chính trị gia này tiếp tục thăng tiến trên đường quan lộ.
Năm 1998, ông Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Đất đai và Tài nguyên. Một năm sau đó, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan). Sau đó, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại khóa 14 và trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại khóa 15.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, năm 2002, ông Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an và được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007. Trong giai đoạn 2007-2012, ông giữ chức Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính Pháp Trung ương. Năm 2012, ông Chu đã nghỉ hưu.
Theo Bùi Hùng/VOV.VN