1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chu Vĩnh Khang sẽ bị xử kín và nhận án phạt nặng?

(Dân trí) - Nguyên ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang có khả năng phải đối mặt với một án tử hình được hoãn thi hành, nhưng việc xét xử sẽ khó được công khai như vụ Bạc Hy Lai để tránh khả năng ông Chu khiến giới lãnh đạo mất mặt, các nhà phân tích nhận định.

Chu Vĩnh Khang có thể đối mặt án tử hình
Chu Vĩnh Khang có thể đối mặt án tử hình

Trong thông báo ông Chu bị khai trừ đảng và phải đối mặt với quá trình xét xử, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã liệt kê ra 6 nội dung mà vị cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị đã vi phạm “kỷ luật và bí mật của đảng và tổ chức”.

Một trong những cáo buộc đó là để lộ bí mật quốc gia, mà theo nhà bình luận chính trị Zhang Lifan tại Bắc Kinh, có thể mở đường cho một phiên xét xử kín.

“Tại Trung Quốc, rất khó để xác định thế nào là bí mật quốc gia. Là một cựu thành viên thường vụ Bộ chính trị, bất kỳ điều gì ông Chu nói cho bất kỳ ai xung quanh mình đều có thể là bí mật quốc gia”, Zhang nói.

Theo nhà bình luận này, bí mật quốc gia chỉ là một cái cớ để tránh việc xét xử công khai như với Bạc Hy Lai. Hồi năm ngoái, ông Bạc đã bị tuyên án tù chung thân với các tội danh nhận hối lộ, tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

“Phiên xét xử Bạc không được tốt bởi hình ảnh của Bạc đã không bị hủy hoại trong phiên xét xử. Nếu ông Chu không muốn hợp tác với cơ quan chức năng, ông ta cũng có thể làm mất mặt giới lãnh đạo trung ương”, Zhang nói.

Chen Daoyin, đến từ đại học khoa học chính trị và luật pháp Thượng Hải cho biết bí mật quốc gia được nêu trong thông cáo có thể là “một vài thảo luận nào đó trong nội bộ, về việc thay đổi nhân sự Bộ chính trị sắp diễn ra”.

“Chu có thể đã sử dụng vị trí của mình để tiết lộ một vài thông tin cho các quan chức và ứng viên, hoặc thậm chí truyền thông nước ngoài, để thao túng một đợt thay đổi nhân sự lãnh đạo đảng” Chen nói.

Zhang cho rằng phán quyết đối với ông Zhou có thể nằm trong khoảng từ án tử hình tới tử hình được hoãn thi hành. Nhưng việc xử tử vị cựu Bộ trưởng công an này cũng không thể loại trừ, nhất là khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang cho thấy “phong cách chính trị không sợ hãi”.

Nhưng các nhà phân tích khác cho rằng ông Zhou chỉ có thể nhận mức án nặng nhất là tử hình được hoãn thi hành. “Trong giới lãnh đạo Trung Quốc có một điều ngầm hiểu trong vài thập niên qua đó là mức án nặng nhất đối với các quan chức cấp cao tham nhũng là tử hình với một vài năm thử thách”, Zhang Ming, giảng viên khoa học chính trị đại học Renmin nhận định.

Theo Tân Hoa Xã, Bộ chính trị Trung Quốc đã quyết định chuyển vụ việc của ông Chu sau khi nghe một báo cáo về những vi phạm của cựu quan chức này do Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương công bố hồi tháng 12 năm ngoái.

Đến nay, Chu là quan chức cấp cao nhất bị “đả” trong chiến dịch chống tham nhũng được ông Tập công bố cách đây 2 năm.

Tân Hoa Xã khẳng định các điều tra viên phát hiện Chu đã lạm dụng quyền lực để giúp họ hàng, bồ nhí và bạn bè trục lợi lớn, gây lỗ lớn cho các doanh nghiệp quốc doanh. Thông báo cũng cáo buộc Chu ngoại tình với một số phụ nữ và dùng quyền lực của mình để đổi lấy tình ái và tiền bạc.

Nhưng Chen nhận định “tôi không nghĩ kết quả điều tra có thể cho thấy ông Chu tồi tệ hơn Bạc hoặc những quan chức cấp cao biến chất khác. Những cáo buộc đó có thể được áp dụng cho bất kỳ quan chức nào dính tới tham nhũng.

Cú ngã ngựa của ông Chu và các thuộc cấp chỉ chứng tỏ rằng họ là những kẻ bại trận trong cuộc đấu giành quyền lực trong đảng. Các cáo buộc về tội phạm kinh tế và vi phạm các nguyên tắc của đảng, nguyên tác đạo đức chỉ là cái cớ để hạ bệ họ”.

Zhang Ming cho rằng tất cả các quan chức cấp cao chuẩn bị “ngã ngựa” đều có những nền tảng ở cơ sở.

Zhang Lifan thì cho biết ông thất vọng khi những cáo buộc chống lại ông Chu không phản ảnh những khiếu nại của công chúng về việc ông Chu đã đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình dân sự trong thập niên ông còn đương chức.

Thanh Tùng
Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm