1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chủ tịch WEF: Việt Nam là điểm sáng về phục hồi và tăng trưởng

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự và có nhiều hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2023 tại Davos, Thụy Sĩ.

Chủ tịch WEF: Việt Nam là điểm sáng về phục hồi và tăng trưởng - 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà gặp Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab tại Davos, Thụy Sĩ (Ảnh: baochinhphu.vn).

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos 2023, sáng 17/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự và phát biểu tại Tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu Việt Nam - WEF, gặp Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành WEF Klaus Schwab, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry và Tổng Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner.

Tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu Việt Nam - WEF là hoạt động WEF tổ chức dành riêng cho Việt Nam tại Hội nghị WEF Davos năm 2023. Tọa đàm có sự tham dự của khoảng 20 lãnh đạo toàn cầu của các tập đoàn thành viên WEF trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ xanh, tài chính - ngân hàng…

Các mục tiêu phát triển của Việt Nam

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh triết lý phát triển của Việt Nam là lấy con người và hành tinh là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực cho phát triển bền vững; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; kiên trì thực hiện 3 đột phá chiến lược hạ tầng - thể chế - nhân lực.

Phó Thủ tướng kêu gọi các lãnh đạo tập đoàn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam, giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển theo các định hướng: Thứ nhất, tiếp tục tạo dựng và duy trì môi trường vĩ mô ổn định cho phát triển, chủ động thích ứng linh hoạt với các diễn biến khó lường, ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế. Thứ hai, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, thực chất. Chú trọng phát triển các hạ tầng chiến lược về giao thông, công nghệ, hạ tầng liên vùng, hạ tầng xanh, chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp đồng thời tận dụng lợi ích, cơ hội từ 15 hiệp định thương mại tự do đã ký. Thứ ba, tăng cường tận dụng các động lực tăng trưởng mới, khai thác tối đa nguồn lực tài chính, công nghệ trong nước và quốc tế thông qua các thỏa thuận về khí hậu. Thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp đi đôi với chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tại cuộc gặp với Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Swabs, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới ông Klaus Swabs. Đánh giá cao chủ đề Hội nghị năm nay "Hợp tác trong một thế giới phân mảnh", Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn WEF tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong thúc đẩy hợp tác công - tư, định hình các ý tưởng, mô hình hợp tác mới; hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Phó Thủ tướng chia sẻ thành tựu kinh tế Việt Nam và cho rằng có được thành công đó một phần nhờ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, trong đó có WEF.

Ông Klaus Swabs đánh giá Việt Nam là điểm sáng về phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Hai bên bày tỏ vui mừng chứng kiến quan hệ hợp tác Việt Nam - WEF tiếp tục đi vào chiều sâu, với nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị WEF hợp tác với Việt Nam trong quá trình xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, ít khí thải carbon thông qua Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia. Phó Thủ tướng chuyển lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mời Giáo sư Schwab thăm Việt Nam và đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF trong năm 2023.

Các hoạt động của Phó Thủ tướng trong khuôn khổ tham dự hội nghị WEF 

Tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Phó Thủ tướng chúc mừng những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế xã hội và phòng chống kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc. Hai bên bày tỏ hài lòng về những tiến triển mới tốt đẹp toàn diện trong quan hệ 2 Đảng, 2 nước hiện nay, nhất là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai Phó Thủ tướng nhất trí trong thời gian tới, 2 bên phối hợp triển khai tốt những nhận thức chung, thỏa thuận quan trọng đạt được trong chuyến thăm, không ngừng củng cố tin cậy chính trị và tình hữu nghị truyền thống, tăng cường kết nối chiến lược phát triển, đi sâu hợp tác thực chất trên các lĩnh vực.

Chúc mừng những thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được, với việc Trung Quốc đã mở cửa trở lại, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đề nghị 2 bên tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, phát triển xanh, bền vững, đổi mới sáng tạo. Phó Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi và lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam.

Tại cuộc gặp với Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi biến đổi khí hậu là một trong những lĩnh vực hợp tác mang tầm chiến lược giữa 2 nước. Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Hoa Kỳ và cá nhân Đặc phái viên John Kerry trong việc thúc đẩy nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu; cảm ơn Hoa Kỳ và một số đối tác phát triển khác hỗ trợ tiến trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng đồng thời đề nghị ông John Kerry thúc đẩy Mỹ và các đối tác phát triển hỗ trợ Việt Nam chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo, cho vay tài chính xanh với mức lãi suất hợp lý, kinh nghiệm quản trị và hỗ trợ tăng cường khả năng chống chịu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc phái viên John Kerry cho rằng quan hệ 2 nước phát triển hết sức tốt đẹp; đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết COP26, chuyển đổi năng lượng và xây dựng nền kinh tế phát thải thấp, cam kết hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình này.

Tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Achim Steiner, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cảm ơn UNDP đã luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tái thiết, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trong gần 50 năm qua. Phó Thủ tướng đánh giá cao hỗ trợ của UNDP trong các dự án quản lý rác thải rắn, rác thải nhựa của Việt Nam và mong muốn tiếp tục tham vấn chính sách, hợp tác kỹ thuật với UNDP về các lĩnh vực Việt Nam đang quan tâm, trong đó có chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và trung hòa carbon, phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 theo hướng xanh và bền vững.

Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết tâm, chủ động thực hiện các cam kết tại COP26, trong đó có cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Phó Thủ tướng đề nghị UNDP tiếp tục tư vấn kỹ thuật, chuyên môn cho Việt Nam để triển khai thành công Thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cũng như quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, tăng khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu sông Mekong.

Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner đánh giá cao Việt Nam đã triển khai hiệu quả các chương trình kinh tế -xã hội, đưa ra các chủ trương, chính sách thể hiện quyết tâm chuyển đổi sang kinh tế xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. UNDP tự hào được hợp tác với Việt Nam, mong muốn chia sẻ mô hình hợp tác cho các quốc gia khác và sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên.

Chiều 17/1 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự, phát biểu cácphiên họp quan trọng và có các cuộc tiếp xúc song phương.

Phó Thủ tướng đã cùng Tổng thống Colombia Gustavo Petro, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan và Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế Alvaro Lario đã phát biểu tại Phiên thảo luận Liên minh hành động vì lương thực: Đầu tư củng cố tính tự cường với sự tham dự của hơn 50 bộ trưởng các nước, lãnh đạo của các tập đoàn và tổ chức quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm từ khắp các châu lục.

Tại Phiên thảo luận, Phó Thủ tướng chia sẻ 3 bài học kinh nghiệm bảo đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp của Việt Nam, đó là coi trọng nông nghiệp, coi đây là một ngành kinh tế mũi nhọn và theo đó là các chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp và nông thôn; chú trọng gắn kết 4 nhà: Nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nhân và nhà nước; coi trọng hợp tác quốc tế, trong đó tiêu biểu là hợp tác 3 bên với Liên minh Châu Âu và châu Phi. Trả lời câu hỏi về cơ hội từ chuyển đổi lương thực, Phó Thủ tướng cho rằng có 2 cơ hội, thứ nhất là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi năng lượng song song với chuyển đổi lương thực; thứ hai là cơ hội xây dựng quan hệ đối tác giữa nhà sản xuất lương thực và người tiêu dùng lương thực; xây dựng các cơ chế hỗ trợ người nông dân sản xuất lương thực của nhà nước, của doanh nghiệp và của giới khoa học. Phó Thủ tướng cũng kêu gọi thúc đẩy mô hình hợp tác 3 bên về nông nghiệp giữa Việt Nam với các nước châu Phi và đối tác phát triển như Liên minh châu Âu, hợp tác xây dựng xây dựng Trung tâm sáng tạo về hệ thống lương thực, thực phẩm khu vực tại Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà là diễn giả chính phát biểu tại Phiên thảo luận Kết nối Lương thực - Năng lượng - Nguồn nước. Đây là một trong những Phiên thảo luận quan trọng hàng đầu tại Hội nghị năm nay, thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, hạn hán và lũ lụt đe dọa trầm trọng quá trình sản xuất thực phẩm và sức khỏe người dân, phiên thảo luận đã trao đổi nhiều giải pháp nhằm giải quyết những thách thức đang đặt ra đối với mối quan hệ lương thực - năng lượng - nguồn nước, từ đó đề xuất các sáng kiến đột phá giải quyết khủng hoảng lương thực, năng lượng, nguồn nước và chuyển đổi sang hệ thống lương thực - năng lượng - nguồn nước bền vững, hiệu lực và thích ứng tốt hơn trong tương lai.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc giải quyết các vấn đề lương thực, năng lượng, nguồn nước đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể và hệ thống; trong đó, cần thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp trong giải quyết mối quan hệ giữa lương thực, năng lượng và nguồn nước; gắn vấn đề hệ sinh thái - lương thực - năng lượng - nguồn nước với vấn đề biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Phó Thủ tướng tiếp Tổng Giám đốc Ngân hàng thế giới

Tại cuộc tiếp Tổng Giám đốc Ngân hàng thế giới Axel van Trotsenburg, Phó Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp của Ngân hàng Thế giới trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có việc hỗ trợ về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Phó Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tuần hoàn và phát thải carbon thấp. Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng thế giới hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xanh, tài chính xanh, công nghệ xanh, chất lượng cao cũng như tham vấn chính sách và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình rà soát, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý phục vụ chuyển đổi xanh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng thế giới thiết lập cơ chế trao đổi kinh nghiệm giữa các nước, theo đó Việt Nam sẵn sàng chia sẻ các bài học sử dụng hiệu quả vốn vay trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi vị thế quốc gia từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, chuyển biến căn bản trong lĩnh vực giáo dục, y tế.

Tổng Giám đốc Ngân hàng thế giới Axel van Trotsenburg đánh giá cao quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Ngân hàng thế giới và Việt Nam và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, bao gồm trở thành nước thu nhập trung bình cao, hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng vào năm 2050, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Phó Thủ tướng tiếp Chủ tịch toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered

Tiếp Chủ tịch toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered Jose Vinals, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tín dụng có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và khả năng hỗ trợ tài chính, chuyên môn, quản trị điều hành để góp phần tăng cường hiệu quả, an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam hiện ưu tiên và khuyến khích phát triển tài chính xanh và bền vững, đặc biệt là thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh và đề nghị Tập đoàn đóng vai trò cầu nối để giới thiệu và kết nối các nhà đầu tư Anh nói riêng và nước ngoài nói chung đến đầu tư tại Việt Nam. Phó Thủ tướng mong muốn Ngân hàng Standard Chartered hỗ trợ kỹ thuật cho Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia.

Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered cho biết sẵn sàng giúp Việt Nam, tư vấn kỹ thuật, tiếp tục phối hợp thực hiện các dự án thuộc Thỏa thuận Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Ông Jose Vinals nhấn mạnh tầm quan trọng của xếp hạng tín nhiệm của quốc gia và tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam để tiếp cận nguồn vốn quốc tế. Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Standard Chartered tham gia đầu tư, huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Ngân hàng đề xuất có thể giúp huy động vốn từ các thể chế quốc tế với vai trò là người đồng bảo trợ Liên minh đầu tư cơ sở hạ tầng hướng đến phát triển bền vững của Liên hợp quốc sau Hội nghị COP26.

Theo Bộ Ngoại giao