1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ tới Philippines

(Dân trí) – Ngày 3/6, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey, đã tới Manila, bắt đầu chuyến thăm hai ngày Philippines. Chuyến thăm diễn ra ngay sau Đối thoại Shangri-La 11 và trong bối cảnh quan hệ Philippines-Trung Quốc đang căng thẳng.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ tới Philippines
Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey, đang ở thăm Philippines. 

Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho biết Tướng Martin Dempsey tới thăm Philippines để gặp giới chức lãnh đạo quân sự và dân sự của nước này sau khi dự Hội nghị cấp cao An ninh châu Á lần thứ 11, còn gọi là Đối thoại quốc phòng Shangri-La, tại Singapore.

"Là những đồng minh, Mỹ và Philippines thường thảo luận và trao đổi quan điểm về các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu. Điều này phản ánh những giá trị và mối quan tâm chung của chúng tôi", Đại sứ quán Mỹ tại Philippines ra tuyên bố nêu rõ. 

Người phát ngôn quân đội Philippines cũng xác nhận, trong chuyến thăm này, ông Dempsey sẽ gặp Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, Tướng Jessie Dellosa, để thảo luận về "các vấn đề và những quan ngại quân sự cũng như an ninh chung".

Hồi tháng 4 vừa qua, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước cũng đã tiến hành phiên họp chung đầu tiên tại thủ đô Washington của Mỹ để thảo luận về các vấn đề an ninh, bao gồm cả kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines, cũng như việc Mỹ giúp Philippines xây dựng năng lực tuần tra trên biển.

Mỹ và Philippines ký Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951. Hiệp ước quy định hai nước sẽ quan tâm đến các vấn đề quốc phòng của nhau và sẽ bảo vệ nhau trong trường hợp một trong hai nước bị đe dọa tấn công.

Chuyến thăm Philippines của Tổng tham mưu trưởng Dempsey diễn ra trong bối cảnh quan hệ Manila/Bắc Kinh đang căng thẳng liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền đối với bãi đá cạn Scarborough/Hoàng Nham và Mỹ đang đẩy mạnh chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương, với việc dịch chuyển phần lớn tàu chiến và lực lượng hải quân tới khu vực này trước năm 2020.

"Tới năm 2020, hải quân Mỹ sẽ chuyển dịch cán cân lực lượng ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương thành 60-40, thay vì 50-50 như hiện nay", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta phát biểu tại Đối thoại quốc phòng Shangri-La lần thứ 11 ở Singapore với sự góp mặt của giới chức quốc phòng đến từ 28 nước trong khu vực và một số nước đối tác.

Cụ thể, Mỹ sẽ đặt ở Thái Bình Dương 6 hàng không mẫu hạm, phần lớn các tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu chiến tuần duyên và tàu ngầm.

Trong khuôn khổ chiến lược mới, Mỹ cũng sẽ đưa ra vào khu vực các chiến đấu cơ đời mới có khả năng tránh radar, máy bay ném bom tầm xa và tên lửa phòng thủ.

Theo số liệu công bố của Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện nước này có tổng cộng 285 tàu chiến các loại. Hơn một nửa trong số này sẽ được đặt tại Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tăng thêm các cuộc tập trận, thăm hải cảng của các nước trong khu vực và quan trọng nhất là phát triển mạng lưới các đối tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Năm ngoái, Mỹ tham gia tổng cộng 172 cuộc tập trận lớn, nhỏ với 24 quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Panetta, người đang ở thăm Việt Nam, cảnh báo sẽ mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để thực hiện kế hoạch chuyển dịch trọng tâm hướng về châu Á - Thái Bình Dương, một động thái đang khiến Bắc Kinh lo ngại và phản đối.

Đức Vũ
Theo Kyodo, Reuters