1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chồng bỏ trốn ra nước ngoài, hàng ngàn phụ nữ Ấn Độ đòi hủy hộ chiếu

(Dân trí) - Phong trào đòi hủy bỏ hộ chiếu của những gã chồng “lừa đảo”, ôm của hồi môn hàng chục nghìn USD ra nước ngoài, bỏ rơi vợ con nơi quê nhà, đang lan rộng khắp Ấn Độ.

Chồng bỏ trốn ra nước ngoài, hàng ngàn phụ nữ Ấn Độ đòi hủy hộ chiếu - 1

Những phụ nữ có các ông chồng NRI (không thường trú ở trong nước) đã tham gia một cuộc biểu tình ở Jalandhar, Punjab (Ấn Độ) vào đầu tháng 3/2019. (Ảnh: Reuters)

Trong một văn phòng hộ chiếu ở chân dãy Himalayas, một nhóm phụ nữ Ấn độ đã dành nhiều ngày ở đây để yêu cầu cơ quan chức năng hủy hộ chiếu của các ông chồng bỏ trốn.

Một người cha có con gái kết hôn với một thương nhân trình bày việc con rể đã nói dối độc thân và giấu nhẹm chuyện có 1 đứa con ở nước ngoài như thế nào và yêu cầu hủy bộ hộ chiếu của người con rể này.

Ông Sibar Kabiraj, phụ trách văn phòng chiếu khu vực tại thành phố Chandigarh, cho biết: “Chỉ trong 1 năm rưỡi qua, văn phòng của ông đã thu hồi hơn 400 hộ chiếu và hủy bỏ 67 hộ chiếu của những ông chồng “bỏ trốn” này. Hiện có hơn 5.000 phụ nữ Ấn đã nộp đơn đòi hủy hộ chiếu của các ông chồng đang ở nước ngoài lên Bộ Ngoại giao Ấn Độ.

Người Ấn sống ở nước ngoài đang đóng góp lớn cho đất nước. Chỉ tính riêng năm 2018, từ khắp nơi trên thế giới, họ đã gửi về tới 79 tỉ USD. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi những người Ấn không thường trú trong nước (NRI) là “những đại sứ Ấn Độ”.

Tuy nhiên, một số chính trị gia khác cho rằng trong số họ có “những chú rể không đáng tin cậy”. Bởi những người đàn ông này thường đòi hồi môn là hàng chục nghìn USD rồi dùng tiền này ra nước ngoài, được thường trú ở đó và có hộ chiếu mới, bỏ rơi vợ con ở quê nhà.

Theo cô Shiwali Suman, người đã lập Hội những phụ nữ không rõ danh phận ở New Delhi, những phụ nữ lấy chồng không thường trú ở trong nước không thuộc về một nhóm nào cả (đã ly dị, độc thân hay góa bụa...) và họ ngày càng tức giận vì nhận ra mình bị lợi dụng và lừa dối.

Điển hình là trường hợp của cô Reena Mehla, thạc sĩ giáo dục, đã kết hôn với Rahul Kumar. Vài năm sau khi kết hôn, chồng cô tìm đường sang Mỹ nhưng lại nói với vợ là đi làm xa nhà. Sau nhiều nỗ tìm chồng trên mạng xã hội, cô đã tìm ra nơi ở của chồng.

Reena đã rời quê nhà để đến làm việc tình nguyện tại văn phòng hộ chiếu Chandigarh. Cô viết hàng chục thư gửi Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Đại sứ Mỹ và Cục Di trú và Nhập tịch Mỹ yêu cầu thu hồi hộ chiếu của người chồng. Cuối cùng, theo thông tin từ Cục di trú Mỹ, tình trạng của anh chồng đang ở diện chờ xử lý do hộ chiếu đã bị thu hồi.

Reena cho biết gia đình cô đã phải chuyển 28.000 USD cho Rahul làm của hồi môn. 3 ngày sau cưới, Rahul lại đề nghị cha vợ chuyển thêm 14.000 USD nữa. Cả số tiền cô kiếm được trong 2 năm ở Anh cũng bị người chồng lấy mất. 2 tuần sau đám cưới, anh ta đến Australia và rồi gửi cô lá đơn ly hôn chỉ vài tháng sau đó.

Còn cô Satwinder Kaur bị chồng bỏ rơi từ năm 2015 khi anh ta đến Hà Lan. Kaur đã gửi 11 đơn kiện chồng, nhắn tin cho anh này qua mạng xã hội mỗi ngày nhưng anh ta không trả lời. Chỉ đến khi hộ chiếu của anh ta bị thu hồi, anh này mới lên tiếng, cho rằng cô vợ đã đẩy anh vào cảnh “màn trời chiếu đất” và rằng anh ta không tin sẽ có một phiên tòa công bằng khi trở về Ấn Độ. 

Kaur cũng đã giúp đỡ hơn 400 phụ nữ có hoàn cảnh giống mình, và cùng những phụ nữ giống mình tổ chức các cuộc biểu tình, giơ cao những khẩu hiệu đòi tước bỏ hộ chiếu của các ông chồng cùng với những bức ảnh đám cưới của bản thân họ bên cạnh những bức ảnh chụp bạn gái, con cái mới của các ông chồng khi ở nước ngoài.

Không chỉ những phụ nữ bình thường mà ngay cả những phụ nữ làm việc trong hệ thống pháp luật như nữ cảnh sát Baljit Kaur cũng bị chồng bỏ rơi.

Baljit Kaur, 42 tuổi, kết hôn cách đây 3 năm và cũng đã chuyển cho chồng một khoản hồi môn rất lớn dù biết đó là bất hợp pháp.

Baljit cho biết, ông chồng Harmandeep Singh Sekhon đã hỏi cô về số tiền hồi môn, và sau khi cưới xong, anh ta chê ít. Baljit nhận ra Sekhon lấy cô là vì tiền.

Chỉ một tháng sau đám cưới, Sekhon đã trở lại Mỹ và hứa hẹn sẽ đưa cô sang. Tuy nhiên, sau 1 tuần đến Mỹ, anh ta gọi điện về và đề nghị cô gửi thêm tiền vì anh ta không có việc làm. Baljit đã từ chối. Cuộc nói chuyện lần cuối giữa cô với chồng là vào 6/10/2014 và kể từ đó đến nay cô đã chi cho luật sư 4.000 USD trong cuộc chiến pháp lý với chồng. 

Baljit từng đã tự tử vì cảm thấy nhục nhã. May mắn là mẹ cô đã phát hiện ra và đưa cô đi cấp cứu kịp thời. Kể từ lúc đó, các đồng nghiệp mới biết chuyện của cô và từ đây, họ đã luôn sát cánh, đồng cảm và ủng hộ cuộc đấu tranh của những người phụ nữ như cô. 

Nhân Hà

Theo Straits Times