Nhật ký người Việt trong bão Katrina (3):
Chờ đợi trong vô vọng
Sự chờ đợi di tản trong vô vọng, ký ức kinh hoàng về những ngày lánh bão đợi cứu trợ trong Convention Center của nhóm sinh viên VN được Phạm Việt Cường mô tả lại một cách chi tiết.
Thứ Sáu, ngày 2/9/2005 – Convention Center ngày 3
Buổi sáng thức dậy từ sớm vì vợ gọi điện sang. May quá có điện thoại của anh Hoàng, nói chuyện được mấy câu với vợ và mẹ để thông báo tình hình. Tạm yên tâm. Thật kỳ lạ là hôm nay chẳng nghĩ cái gì, chằng thèm để ý xe bus bao giờ đến, có thức ăn hay không nữa. Đã mấy ngày rồi mà chẳng có cứu trợ, không quân đội, cảnh sát, thức ăn nước uống. Sao ở một đất nước với đầy đủ nguồn lực như thế này mà lại như vậy?
Nếu ở VN thì sau bão lũ thể nào cũng có người đến, có cứu trợ. Nghe mọi người kháo nhau hôm nay Tổng thống Bush sẽ đến New Orleans để xem xét tình hình lũ lụt, hy vọng mọi việc sẽ đỡ hơn. (Sau này tôi mới biết hôm đó ông ta chỉ bay qua bầu trời New Orleans bằng trực thăng thôi).
Một ngày nữa đang trôi qua. Cả nhóm nằm trên sàn, không ai muốn vận động, mà cũng chẳng biết làm gì bây giờ. Cứ hết ngồi lại nằm, ngủ lại thức. Nếu hôm nay không có cứu trợ chắc bọn mình chết hết mất, đói, ...lại mì tôm khô, mấy hạt lạc rang, hạt điều.
Đến gần trưa không hiểu mấy người da đen đi đâu mang về một số gói thức ăn của quân đội Mỹ. Bọn họ cho cả nhóm một gói. Gói thức ăn này cũng đủ cả ...từ bánh, cơm trộn, bơ, ...lại còn có cả cafe nữa chứ. Một gói cơm nhỏ tí, chắc chỉ độ một cái bát ăn cơm ở nhà được cả nhóm truyền tay nhau, mỗi người một miếng lót dạ.
Lại nằm chờ, cứ chờ mà chẳng ai biết mình sẽ chờ cái gì. Người thì nói rằng tí nữa xe bus sẽ đến đưa đi Texas, người nói sang Atlanta, ...chằng biết đâu mà lần. Chỉ có một điều là chẳng biết bao giờ xe bus đến.
Đến gần chiều, mọi người đều xác định là đêm nay lại ngủ tiếp ở đây. Mùi của mấy cái nhà vệ sinh gần đó bốc ra kinh quá, ...thật không thể chịu nổi. Nền nhà trải thảm nên nước từ những khu nhà vệ sinh lan ra kinh quá trời. Nghe anh Hoàng nói ở căn nhà phía bên kia có khoảng gần 200 người Việt đang ở, nhưng dưới đó không có điện tối om.
Đang chưa tìm được chỗ thì tự nhiên có ai đó trên tầng 2 ném một cái bật lửa, một mảnh gỗ, một vỏ lon bia vào chúng tôi. Trời nhìn lên thấy mấy người da đen đứng lố nhố, ..cả hội đứng ngồi không yên. Phải đi chỗ khác thôi, mấy người phụ nữ da đen ở gần bên cũng phải nép vào dưới hiên nhà vì sợ bọn nó quậy.
Kiếm mãi cũng được một chỗ khá tốt, nhưng phải len vào giữa hai ông già da đen. Hai ông này chắc có vấn đề về thần kinh nên không thể nói chuyện. Một ông chỉ ngồi cầm chai rượu vang uống rồi xếp lại đồ trong cái giỏ của ông ta, cứ xếp vào, bỏ ra mãi không biết chán. Còn ông kia thì ngồi im trên ghế, mắt nhìn mọi ngườ. Họ cũng khổ thật một thân một mình chẳng có ai đi cùng.
Nằm một lúc tự nhiên có một phụ nữ da đen đi đến, tay bưng một khay thịt gà nướng, ui trời ngon quá. Chị ta đi đến và đưa cho chúng tôi mỗi người một xiên thịt. Ngon quá trời, mấy ngày nay chỉ ăn vớ vẩn bây giờ có miếng thịt sao ngon thế. Có lẽ mấy miếng thịt vào bụng làm cho mọi người cảm thấy thoải mái hơn. Thôi đi ngủ. Vừa nằm xuống một chút thì bắt đầu có tiếng cãi chửi nhau, tiếng một phụ nữ kêu lên là bị lạc mất đứa con gái. ...những người da đen gọi nhau, các thanh niên da đen cởi trần, ...mỗi người kiếm đâu đó ra những đọan gậy sắt, gỗ, có người cầm cả súng. Phải có đến vài chục thanh niên như vậy chạy rầm rập quanh khu vực Convention Center để tìm kiếm đứa trẻ bị lạc.
Họ cứ đi đi, lại lại vừa đi vừa chửi bới, vung gậy gộc khiến cả nhóm chết khiếp ngồi yên không dám động đậy. Bây giờ mà đánh nhau thì chết.... Chỗ chúng tôi nằm lại ngay gần cái cầu thang lên xuống, nên họ cứ đi qua đi lại liên tục. Càng tìm càng không thấy, đám thanh niên đó như nổi khùng lên, nghe loáng thoáng thấy rằng con bé đó đi lên trên lầu, kiếm thức ăn bị cảnh sát đuổi. Có lúc thấy nói rằng là nó đã bị giết chết. Mẹ con bé kêu khóc ầm ĩ.
Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mọi việc mới yên ổn khi mọi người tìm thấy đứa con gái đang chui vào một căn phòng phía sau Convention Center để trốn cảnh sát.
Tưởng yên ổn thì lại thấy ầm ĩ lên, ...một thanh niên da đen cởi trần bị nhóm người xông vào đánh lia lịa.. Trong nhóm đó còn có người cầm súng dí vào đầu anh ta, ..kinh khủng quá, bây giờ mà thằng kia bóp cò thì chắc là vỡ tóac đầu như trong phim. Mọi người cho rằng thằng này gạ gẫm mấy đứa trẻ con lên lầu để làm chuyện bậy bạ, chằng biết có đúng không chỉ thấy đánh nhau.
Lại một đêm nữa nằm chằng ngủ nổi. Thỉnh thoảng thiếp đi được một chút nhưng cứ giật mình thon thót, vì sợ đánh nhau, sợ xe bus đến ....Bao giờ mới thoát được nơi tồi tệ này chứ? Tại sao 3-4 ngày rồi mà chẳng thấy có cảnh sát, quân đội hay ai đó đến đây nhỉ? Họ quên mất gần 20.000 người ở đây rồi sao? ...Tuyệt vọng, chẳng biết đến lúc nào mới đi được.
Nhưng trong buổi tối này chúng tôi phát hiện có thể vợ Huy có mang, vì bắt đầu thấy những dấu hiệu mệt mỏi, nôn, ...Trời, trong tình cảnh này thì đúng là khổ thật! Yến - vợ Huy mới sang Mỹ được 2 tuần đã phải nếm trải những vụ như thế này. Dù sao cũng chúc mừng vợ chồng Huy, có lẽ sau này nên đặt tên con là Katrina Hà cho nó có nhiều kỷ niệm.
Thứ Bảy, ngày 3/9/2005 – Convention center ngày 4
Không biết hôm nay thế nào. Điều quan trọng nhất là chẳng còn gì ăn. Nước thì có khá nhiều, vì đi xin mọi người xung quanh. Nhưng đói quá, chẳng còn gì ăn. Tôi rủ bác Hiếu đi lên trên gác kiếm thức ăn, hai anh em đi lò dò vào trong khu bếp, ...có rất nhiều người cũng đi như chúng tôi.
Vào khu bếp của Convention Center, nồi niêu, xoong chảo, đĩa vứt la liệt, ...dưới đất thì thức ăn bị dẫm nát, ...vứt bày bừa. Trong bếp có rất nhiều người đang nấu nước bằng cái bếp hâm thức ăn, ...chúng tôi cũng tìm và kiếm được ít đỗ cove, gói thịt hun khói và khá nhiều tôm đựng trong một cái khay. Không biết ai đó đã lấy đi một phần tôm và vứt chỗ còn lại trên mặt bàn. Không sao. Mùi thức ăn vẫn còn tốt nên chẳng vấn đề gì cả. Không có bếp đun vì không có điện, chúng tôi lấy giấy, báo tẩm vào dầu ăn trong bếp để đun.
Đậu vẫn còn nguyên cuống, không rửa, thịt thì xé ra và bỏ lẫn với tôm, chẳng biết gọi cái món này là món ăn gì chỉ biết là sau một hồi đun nấu thì bốc hơi nghi ngút, thơm lắm! Cả bọn được một bữa sáng khá ngon vì đã mấy ngày không được ăn gì. Mấy người Việt quen anh Hoàng cũng đi qua chỗ chúng tôi và thưởng thức món tôm/đỗ/thịt xào.
Những lúc như vậy mới biết rằng miếng ăn quí làm sao. Đến bây giờ, tôi vẫn hình dung ra cái mùi của khay thức ăn đó. Đặc biệt nhất là toàn mùi khói vì đun bằng giấy.
Chúng tôi tiếp tục cùng nhau đi kiếm thức ăn tiếp. Lần này đi đông hơn, chúng tôi lên tầng 2 và kiếm được khá nhiều bia, rượu vang, sâm banh. Anh Hoàng còn kiếm được một cái máy pha cafe, café và đường. Quay về chỗ nằm anh Hoàng và một anh người Việt đi kiếm chỗ cắm điện và pha được một bình cafe ....heeee...ngon quá, lâu rồi mới được uống cafe tuyệt thật!
Vẫn chẳng có tin tức gì về việc có cứu trợ, được đưa đi chỗ khác. Dường như, sau khi đã cảm thấy chán nản quá mức, con người chuyển sang trạng thái buông xuôi, muốn đến đâu thì đến.
Gần trưa, có một vài chiếc xe chở lính, cảnh sát đến chỗ chúng tôi. Mọi người bắt đầu òa lên và cảm thấy sự an toàn đã đến. Những người da đen bắt đầu thu dọn đồ đạc để di chuyển. Chúng tôi vẫn ngồi yên vì nghĩ rằng nếu có di chuyển cũng phải mất rất nhiều thời gian, không nên tranh nhau với đám đông kia, lạc nhau và mất đồ đạc, ngồi lại đợi đi rồi kiểu gì cũng đi được thôi.
Những người da đen bỏ lại tất cả đồ ăn, nước uống và các loại thuốc, vitamin. Họ nói, sẽ được chuyển tới trại tị nạn, ở đó họ sẽ được chăm sóc đầy đủ, không cần phải mang theo cái gì hết.
Riêng chúng tôi không tin tưởng lắm vì đã có kinh nghiệm trong những ngày vừa rồi. Tôi và Hiếu đi tìm cảnh sát để hỏi thăm thì được thông báo chính thức là đến 3h chiều sẽ có phát đồ ăn và nước uống ở khu phố gần casino. May quá nghe theo tin vịt thì chắc chết luôn. Đến lúc này, mọi việc trở nên tốt hơn, có một vài xe ô tô chở nước đến, mọi người được cho nước thoải mái, ...5 ngày trời hôm nay mới được rửa mặt...hiiii...sao mà nước mát thế không biết.
Chúng tôi quyết định cứ ở tại chỗ chờ đợi. Với số lượng người đông thế này thì chắc phải đến mai mới đi được. Mọi người đi xếp hàng lấy đồ ăn, phải 1 tiếng mới lấy được vì đông người quá. Mỗi người chỉ được phát 1 chai nước và một gói đồ ăn, không ai được lấy 2 gói vì những người lính nói rằng họ muốn đếm số người ở đây là bao nhiêu. Nhưng ai muốn lấy 2 gói thì có thể quay lại và xếp hàng để lấy tiếp. Lần đầu tiên trong vòng 1 tuần chúng tôi mỗi người được ăn một gói đồ ăn mà không cần phải chia sẻ với nhau.
Gần tối, mất điện. Biết chắc là tối nay không đi đâu được, chúng tôi lại chuyển chỗ nằm vì lo sợ nằm giữa những người da đen này cảm thấy không an toàn. Chúng tôi dọn xuống ở cùng nhóm người Việt, cũng không xa chỗ cũ lắm. Nhưng dưới đó thì tối, và nền ướt lắm. Trải mấy tấm bìa carton xuống nền nằm mà vẫn cảm giác nước thấm lên người, kinh dị toàn nước từ nhà vệ sinh ở đó chảy ra.
Rất nhiều người Việt đến hỏi thăm và chúng tôi nhập vào nhóm người đang ngồi uống bia gần đó. Tuy thiếu thức ăn nhưng bia, rượu vang, champain thì nhiều. Ngồi uống một lon bia và nói chuyện với họ đến gần 9 giờ thì đi ngủ.
Lần đầu tiên trong mấy ngày qua, tôi mới có một cảm giác ngủ an toàn, xung quanh toàn bà con nhà mình không có gì phải sợ cả. Ngủ được một lúc đến 3 giờ sáng tỉnh giấc, đi ra ngoài đường thấy cũng có nhiều người Việt nam ngồi ngoài đó hóng mát và chủ yếu là tránh mùi hôi của nhà vệ sinh, họ lấy giấy để đun nước, pha trà.
Ngồi nói chuyện với họ, thấy nhiều cảnh ngộ khác nhau. Có rất nhiều người VN sang đây. Họ làm đủ mọi nghề từ đánh cá, mở tiệm, làm nail, ..... nhưng tất cả họ đều chung một đặc điểm là mất mát gia sản. Rất ít người trong số họ mua bảo hiểm. Như vậy nguy cơ bị mất trắng gia sản sẽ xảy ra. Chúng tôi cũng nói chuyện về VN. Nhiều người chưa về nước bao giờ, có người năm nào cũng về nhưng ai cũng đều có chung một quan điểm về sự phát triển của VN là rất sáng sủa. Họ cũng mong muốn nước nhà ngày càng giàu có, phát triển hơn nữa.
Chủ Nhật, ngày 4/9/2005 – Ngày cuối cùng
Trời sáng rõ. Mọi người lại đi xếp hàng lấy đồ ăn. Hôm nay có nhiều thức ăn, nước uống nhưng ít người xếp hàng hơn. Hỏi ra mới biết từ đêm qua đã có rất nhiều xe đến và vận chuyển các nạn nhân đi di tản. Vậy là chúng tôi sắp được đi rồi.
Gần trưa, chúng tôi bắt đầu xếp hàng để lên máy bay trực thăng. Có khoảng 20 chiếc trực thăng lên xuống liên tục để vận chuyển người. Trời nắng gắt, xếp hàng ngoài trời nắng kinh khủng quá!
Cuối cùng chúng tôi cũng lên được máy bay sau hơn 2 tiếng xếp hàng. Chiếc máy bay chở chúng tôi là loại trực thăng vận chuyển 2 cánh quạt, chở được khoảng 40 người. Lần đầu tiên được đi trực thăng chẳng thấy gì hay ho cả, chỉ sợ bị rơi ra ngoài vì trống trải. Từ trên máy bay nhìn xuống thấy nước ngập khắp mọi nơi. Khu uptown nơi chúng tôi ở chỉ thấy nóc nhà, nước ngập mênh mông. Cửa hàng, nhà ở bị bão phá huỷ, bị đập phá trông hoang tàn quá! New Orleans đã chết mất rồi!
Chúng tôi được chở đến sân bay Luis Amstrong. Sân bay này hiện đóng cửa và chỉ dùng cho các hoạt động cứu trợ. Đến sân bay cũng chẳng ai biết là sẽ làm gì tiếp. Ngồi một chút thấy người ta xếp hàng, nghe nói để lên xe bus, lại xếp hàng theo.
Từ chỗ xếp hàng vào đến cửa chỉ khoảng 50 mét, nhưng đó là một hành trình dài khủng khiếp, 15-20 phút mới nhích được một vài bước chân. Không hiểu sao lại lâu thế, người thì nói vì để đăng ký, người thì nói họ kiểm tra chứng minh thư. Vào gần đến cửa, mọi việc trở nên lộn xộn. Tất cả chen lấn vào một cánh cửa bé tí. Không khí ngột ngạt. Nóng. Mùi mồ hôi của một đám người sau cả tuần không tắm rửa.
Gần 6 tiếng đồng hồ xếp hàng, di chuyển khoảng 50 mét cũng vào được sân bay. Vào đến đây lại xếp hàng để kiểm tra an ninh, khai báo tên, số an sinh xã hội, địa chỉ. Chúng tôi được biết là sẽ đi máy bay sang Texas.
Chúng tôi lên máy bay. Sau hơn 1 giờ, máy bay hạ cánh xuống sân bay Austin, Texas. Xuống máy bay cảm giác như là phái đoàn đặc biệt vì thấy rất nhiều xe bus đang đợi sẵn. Cảnh sát đứng xếp hàng. Ông thị trưởng Austin còn lên từng xe bus, chào đón mọi người. Ông nói rằng sẽ chăm sóc chúng tôi hết sức. Bây giờ, tôi mới có cảm giác thoải mái, biết là mình sẽ sống.
2 giờ sáng ngày thứ 2, 5/9 chúng tôi đã đến shelter ở Austin, Texas. Hàng ngàn cái giường xếp với đủ chăn, gối, vật dụng cơ bản dành cho những người di tản, hàng dãy nhà tắm, quần áo. Chúng tôi vào đăng ký, khai báo và nhận được một con số đeo vào cổ tay. Cứ như là số tù. Nhưng dù sao chúng tôi đã đến nơi an toàn.
Lời kết
Có hai điều mà tôi ấn tượng nhất trong cuộc phiêu lưu này.
Tôi đã từng học một khóa học về Disaster Management, những giáo sư người Mỹ đã dạy cho chúng tôi về cách lập kế hoạch cho các hoạt động di tản, cứu trợ và khôi phục cuộc sống sau cơn bão. Tất cả các lý thuyết đều rất tuyệt vời và tôi đã từng nghĩ rằng ở một đất nước với đầy đủ khả năng về nguồn lực như Mỹ thì việc cứu trợ và giải quyết hậu quả sẽ rất tốt và nhanh chóng.
Nhưng sự thật thì khác xa với những gì mà chúng tôi đã được học. Sự chậm chễ trong việc cứu trợ là không thể chấp nhận nổi. Tại sao một trung tâm hội nghị với gần 20.000 con người sống trong đó trong suốt thời gian bão và vỡ đê sau này mà không có một ai để ý đến.
Những nhà chức tránh chắc chắn là biết có người trong đó vì thỉnh thoảng vẫn có một vài cảnh sát chạy xe qua, trên đường chúng tôi đi đến cũng có cảnh sát họ còn chỉ đường cho chúng tôi đi. Vậy tại sao lại như vậy? Đến bây giờ không chỉ có chúng tôi mà cả nước Mỹ cũng đang đặt ra câu hỏi như vậy.
Cách nhìn về những người da đen của chúng tôi cũng có những ấn tượng khác nhau. Nó pha trộn giữa sợ hãi và đồng cảm. Chúng tôi sợ những người da đen vì đám thanh niên luôn bạo động, hò hét, đánh nhau, đập phá. Nhưng ở một khía cạnh khác chúng tôi cũng phải cảm ơn họ rất nhiều vì chúng tôi không bị chết đói cũng là nhờ họ đã cho chúng tôi thức ăn và nước uống trong những ngày ở đó.
Những ngày sau khi đã đến được nơi an toàn đối với chúng tôi thật bận rộn nhưng vui vẻ. Chúng tôi liên lạc với người thân, gặp lại hầu hết các bạn bè trong nhóm sinh viên, giảng viên VN ở New Orleans. Ai cũng vui mừng vì chúng tôi đã an toàn, công việc trong những ngày này cũng vất vả.
Tất cả mọi người đều phải lo đến các kế hoạch tiếp theo của mình thế nào. Một nhóm bạn đi theo học bổng của Ford và Fullbright thì đi đến North Carolina, Chaper Hill tiếp tục học, vợ chồng Huy thì ở lại Houston Texas và theo học ở University of Texas ở Houston. Tôi và anh Bích thì đến Turners Falls, Massachusetts để chờ đợi kế hoạch tiếp theo của mình, chắc cũng sẽ về VN sớm.
Chúng tôi cũng mong muốn gửi tới gia đình Gia đình anh Hùng-chị Hương (Austin, Texas), Bác Thọ, gia đình Anh Thùy/Chị Lan (Houston, Texas) những người đã mở rộng tấm lòng nhân ái đón và chăm sóc chúng tôi thật tốt trong những ngày sau khi thoát khỏi New Orleans, chúng tôi sẽ không bao giờ quên được những tình cảm tốt đẹp đó cũng như cơn bão Katrina này.
Theo Phạm Việt Cường
Vietnamnet
Phần I: Bình thản chờ bão đến
Phần II: Hành trình trong cơn bão Katrina