1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Chờ đợi gì ở cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều?

Dư luận khắp thế giới đều cho rằng sự kiện thế giới nóng nhất trong tháng, sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra tại Sinagore vào ngày mai, 12/6.


Tổng thống Mỹ Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

Hai bên sẽ “mặc cả” những gì?

Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gấp gáp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, câu hỏi mà giới phân tích đặt ra là Bình Nhưỡng muốn gì để đổi lấy lời hứa từ bỏ hạt nhân và Washington sẵn sàng trao đi điều gì?

Các chuyên gia nhận định chìa khóa để Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân là việc Mỹ có thể giúp Kim Jong Un có cảm giác an toàn, ngoài những ưu đãi về kinh tế và chính trị.

Phát biểu trước các phóng viên mới đây, Trump đã hứa sẽ "đảm bảo" sự an toàn cho Kim Jong Un khi tuyên bố "đất nước của ông ấy sẽ giàu có, họ sẽ làm việc chăm chỉ và rất thịnh vượng".

Theo các cựu quan chức Mỹ, mục tiêu của Kim là đạt được những gì mà cha và ông mình không thể: Phá vỡ điều mà họ coi là "chính sách thù địch" của Mỹ được duy trì từ sau chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953.

"Tham vọng hàng đầu của Triều Tiên là được tôn trọng thông qua bình thường hóa ngoại giao, chấm dứt chiến lược gây áp lực chính trị và kinh tế và chấp nhận họ tham gia vào hệ thống quốc tế", một nhà phân tích nêu quan điểm.

Các chuyên gia nhận xét hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim có thể dẫn tới nỗ lực thúc đẩy một hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt chiến tranh và thiết lập quan hệ ngoại giao dưới hình thức một văn phòng liên lạc tại thủ đô hai nước.

Kim Jong Un cũng có khả năng yêu cầu Mỹ loại Triều Tiên khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. Động thái như thế chủ yếu mang tính biểu tượng, các lệnh trừng phạt kinh tế vẫn sẽ tồn tại cho tới khi Triều Tiên thực hiện các bước giải trừ vũ khí hạt nhân có thể kiểm chứng.

Nhưng các cựu quan chức cũng bày tỏ sự thất vọng bởi trước đây, những biện pháp xây dựng lòng tin như vậy lại không được người dân Triều Tiên quan tâm. Christopher Hill, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong các cuộc đàm phán thời tổng thống George W. Bush, cho biết Nhà Trắng, sau những hoài nghi ban đầu, đã đồng ý chấp nhận mở văn phòng liên lạc.

Nhưng khi Hill đề xuất, phía Triều Tiên lại bác bỏ ý tưởng này. "Vấn đề ở đây là người Triều Tiên nói họ muốn, nhưng tới khi họ có được thì họ lại không quan tâm", Hill nói.

Các chuyên gia cho biết áp lực kinh tế từ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, chìa khóa cho chiến lược "áp lực tối đa" của Trump, có thể yếu đi khi Kim tiếp cận Bắc Kinh và Seoul.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cho rằng Triều Tiên không nên mong đợi những lợi ích về kinh tế có qua có lại cho tới khi họ hoàn toàn loại bỏ chương trình hạt nhân. Điều này đã khiến các phụ tá của ông Kim phản ứng gay gắt, dọa hủy cuộc họp thượng đỉnh.

Quan trọng hơn cả những ưu đãi kinh tế cho Triều Tiên chính là sự đảm bảo an ninh cho Kim Jong Un, đảm bảo chế độ của ông sẽ tồn tại trong nhiều thập kỷ.

Mặc dù 28.000 quân Mỹ tại Hàn Quốc từ lâu đã là cái gai trong mắt Triều Tiên, các chuyên gia nhận định những nhà đàm phán của họ hiện nay sẽ tập trung vào hiệp ước hòa bình. "Một khi có hiệp ước, họ sẽ có lý do chính đáng để yêu cầu Mỹ giảm hiện diện ở bán đảo", Sue Mi Terry, chuyên gia về Triều Tiên tại CIA, nói.

Trump có thể muốn điều này vì Tổng thống Mỹ từng nói ông sẽ rút quân Mỹ khỏi các căn cứ ở các nước đồng minh, kể cả Hàn Quốc và Nhật Bản, vì vấn đề chi phí. Triều Tiên cũng có thể yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc ngừng tập trận vì họ thường cho rằng đó là hoạt động tập dượt cho việc xâm lược.

Daniel Russel, phụ tá phụ trách chính sách châu Á thời chính quyền Obama, cho rằng việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh gấp gáp cho thấy hai bên sẽ cố đạt được các thỏa thuận mang tính biểu tượng về giải trừ hạt nhân và hòa bình, còn chi tiết sẽ do các phụ tá làm việc.

Tác động gì tới châu Á?

Nói sâu hơn về tác động của cuộc họp tới châu Á, nếu Kim Jong Un đồng ý giải trừ hạt nhân đổi lấy những nhượng bộ như Mỹ giảm hiện diện trên bán đảo hoặc nới lỏng lệnh trừng phạt, tốc độ và khoảng thời gian sẽ là yếu tố quan trọng.

Nếu việc giải trừ vũ khí còn cần nhiều thời gian mới thực hiện được thì nó có thể có ít tác động ở châu Á, nhưng nếu việc đó được lên kế hoạch thực hiện xong trong năm năm tới và đi kèm với viện trợ cho Triều Tiên cũng như sự suy yếu của liên minh an ninh Mỹ - Hàn thì "điều đó có thể khiến Nhật lo lắng", giáo sư Sharon Squassoni đánh giá.

Binh lính Mỹ đã đóng quân ở Hàn Quốc từ những năm 1950 và việc họ rút quân khỏi Hàn sẽ là mối quan tâm lớn đối với nước láng giềng Nhật Bản. Việc đó làm tăng khả năng Mỹ sau đó sẽ đóng cửa căn cứ quân sự ở Nhật, các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận định.

"Nếu đạt được thỏa thuận, việc đó sẽ xóa bỏ mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên đối với Mỹ, nhưng lại khiến Nhật Bản và Hàn Quốc dễ bị Triều Tiên tấn công bằng vũ khí khác", một chuyên gia đánh giá.

Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á hy vọng rằng nếu Mỹ giảm lực lượng tại Hàn Quốc, họ sẽ phân bổ lại lực lượng để đối phó tốt hơn trước những động thái trên biển quyết liệt của một số cường quốc châu Á khác. Nhưng không có gì bảo đảm điều đó sẽ xảy ra, vẫn lời chuyên gia trên nhận xét.

Thay vào đó, việc giảm quân sẽ "gửi tín hiệu đến phần còn lại của khu vực rằng sự hiện diện của Mỹ ngày càng suy giảm chứ không còn là chỗ dựa ổn định".

Trong thập niên 1970, Mỹ từng rút một số lực lượng ở Hàn Quốc khiến Seoul phải phát triển khả năng phòng thủ quốc gia, bao gồm một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật.

Nếu cuộc đối thoại ngày 12/6 đổ bể, điều đó có thể khiến các quan chức Mỹ cho rằng ngoại giao là một chiến lược thất bại, khiến giải pháp quân sự trở thành lựa chọn duy nhất để loại bỏ mối đe dọa từ Triều Tiên", IISS đánh giá. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng xung đột vẫn là nguy cơ xa vời. Stangarone dự đoán nếu không đạt được thỏa thuận thì Mỹ sẽ chỉ tăng cường áp lực kinh tế để ép Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Ở một góc nhìn khác, Lincoln Bloomfield, cựu quan chức cố vấn an ninh quốc gia dưới ba đời tổng thống Mỹ Ronald Reagan, George Bush cha và Bush con, bày tỏ sự lạc quan về triển vọng tương lai.

"Nếu như trong quá khứ, trao đổi giữa ông Kim Jong-il, cha của Kim Jong Un, với Mỹ bị giới hạn rất nhiều, không có gì khác ngoài vấn đề hạt nhân, thì thảo luận hiện nay giữa Bình Nhưỡng và Washington khác hẳn, để ngỏ cơ hội Triều Tiên có một nền kinh tế mở và hòa bình trên bán đảo", Bloomfield nói.

Nhận định này có vẻ hợp lý, khi xâu chuỗi các sự kiện thời gian gần đây. Tổng thống Mỹ Trump ngày 18/5 nêu rõ Mỹ sẵn sàng giúp đỡ Triều Tiên đi theo con đường phát triển kinh tế như Hàn Quốc, trở nên giàu có hơn nếu Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa.

Tổng thống Mỹ trước đó cũng tuyên bố chiến tranh Triều Tiên sẽ kết thúc, bày tỏ vui mừng về kết quả cuộc gặp đầu tiên giữa Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cuối tháng 4/2018. Đến ngày 27/5, Trump thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng " thực sự tin Triều Tiên có tiềm năng rực rỡ và ngày nào đó sẽ trở thành một đất nước với nền kinh tế và tài chính tuyệt vời. Kim Jong Un đã đồng ý với tôi về điều này. Nó sẽ xảy ra".

Theo Ngọc An

Pháp luật Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm