1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính trường Úc "đại chiến"

Lãnh đạo Công Đảng đối lập Bill Shorten nói hành động "nồi da xáo thịt" trong giới lãnh đạo Đảng Tự do cầm quyền đang "ăn tươi nuốt sống" chính phủ Úc.

Nước Úc có thể sắp có thủ tướng thứ sáu trong một thập kỷ sau khi Thủ tướng đương nhiệm Malcolm Turnbull tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc họp của Đảng Tự do cầm quyền trong ngày 24-8 để xem liệu ông được đa số nghị sĩ "nhà" ủng hộ hay không.

Hỗn loạn

Hôm 23-8 tiếp tục là một ngày hỗn loạn nữa ở Canberra khi thêm 3 bộ trưởng từ chức và quốc hội tạm ngưng hoạt động. Trong khi đó, ông Turnbull cho biết sẽ chỉ tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mới nếu thấy lá thư có chữ ký của đa số nghị sĩ Đảng Tự do. Nghị sĩ Tim Wilson từ bang Victoria chua chát rằng một văn bản thu thập chữ ký như vậy là "lá thư tuyệt mệnh" của Đảng Tự do.

"Người dân Úc sẽ khiếp sợ bởi chính những gì họ chứng kiến tại quốc hội nước mình hôm nay" - ông Turnbull nói với báo giới. Theo Guardian, làn sóng bất mãn đối với nhà lãnh đạo này đã dâng cao trong những tháng gần đây, thêm vào đó là những kết quả khảo sát tồi tệ, thất bại trong các cuộc bầu cử phụ và sự mất niềm tin giữa các nhân vật cánh hữu ngay trong nội bộ Đảng Tự do.


Cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc Peter Dutton (trái) thách thức vị trí lãnh đạo của Thủ tướng Malcolm Turnbull (phải) Ảnh: ABC NEWS

Cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc Peter Dutton (trái) thách thức vị trí lãnh đạo của Thủ tướng Malcolm Turnbull (phải) Ảnh: ABC NEWS

Lên nắm quyền năm 2015 sau khi lật đổ người tiền nhiệm Tony Abbott, ông Turnbull được cho là chưa bao giờ hòa nhịp hoàn toàn với chủ chương chống nhập cư bảo thủ cứng rắn của phe cánh hữu trong Đảng Tự do. Những nỗ lực xoa dịu cánh hữu bằng cách từ bỏ kế hoạch đưa mục tiêu giảm khí thải vào dự thảo bảo đảm năng lượng quốc gia đã thất bại. Thủ tướng Turnbull "sống sót" trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của đảng mình hôm 21-8, khiến người thách thức là ông Peter Dutton từ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc sau cuộc lật đổ bất thành.

Ông Turnbull hôm 23-8 khẳng định nếu bị hạ bệ vị trí thủ tướng, ông sẽ rời khỏi quốc hội - có thể là ngay lập tức. Điều đó có nghĩa là bất cứ lãnh đạo mới nào thế chân vị thủ tướng chưa đi trọn nhiệm kỳ 3 năm này sẽ phải đối mặt một cuộc bầu cử bổ sung tức thì đối với ghế quốc hội ông Turnbull để lại. Hiện liên minh cầm quyền do Đảng Tự do đứng đầu chỉ nắm thế đa số mong manh tại Hạ viện (76/150 ghế).

"Tôi cho rằng các cựu thủ tướng tốt nhất phải ra khỏi quốc hội. Nếu Đảng Tự do có lãnh đạo mới, người đó đương nhiên sẽ chứng minh với tổng toàn quyền rằng họ có thể giành thế đa số tại quốc hội" - ông Turnbull nhấn mạnh.

Cuộc đua ba bên

Tuy nhiên, một vấn đề phức tạp phải kể tới là "mây đen hiến pháp" đang treo trên đầu nhân vật quyết tâm lật đổ thủ tướng đương nhiệm. Chính ông Turnbull trong ngày 23-8 cũng nêu bật vấn đề ông Dutton có thể không đủ tư cách làm nghị sĩ vì sở hữu thông qua ủy thác một số trung tâm chăm sóc trẻ em nhận tài trợ của chính phủ.

Điều 44 Hiến pháp Úc quy định các nghị sĩ không được nhận bất cứ khoản tiền nào từ Khối Thịnh vượng chung. Một số luật sư hiến pháp hàng đầu nhận định ông Dutton không đủ điều kiện nhưng chính trị gia từng là cảnh sát này đã trưng những tài liệu tư vấn pháp lý khẳng định ông không vi phạm điều khoản hiến pháp nêu trên.

Nếu Thủ tướng Turnbull ra đi, ông Dutton có thể đối mặt Bộ trưởng Tài chính Scott Morrison và nhiều khả năng là cả Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop - người được nhiều thành viên nội các khuyến khích ra tranh cử từ hôm 23-8 - trong cuộc đua cho vị trí lãnh đạo mới của Đảng Tự do. Bộ trưởng Morrison từng ủng hộ ông Turnbull nhưng được cho là nuôi tham vọng trở thành thủ tướng từ lâu.

Vị bộ trưởng tài chính này từng đứng đầu Bộ Di trú và triển khai chính sách chặn tàu chở người nhập cư hết sức cứng rắn cũng như bắt giữ người tìm kiếm tị nạn ở những đảo xa. Trong khi đó, bà Bishop giữ vị trí bộ trưởng ngoại giao gần 5 năm và làm phó lãnh đạo Đảng Tự do từ năm 2007.

Với 14 năm trong hàng ngũ Đảng Tự do, ông Dutton cùng quan điểm về vấn đề nhập cư với ông Morrison. Cựu bộ trưởng bộ nội vụ khẳng định nếu trở thành thủ tướng, ông sẽ tập trung hạn chế di dân để giải tỏa áp lực dân số, giảm giá điện và tăng cường đầu tư nguồn nước để giúp nông dân ở vùng hạn hán.

Theo Reuters, Công Đảng đối lập không bỏ qua cơ hội chỉ trích tình trạng hỗn loạn ở Canberra. Lãnh đạo đảng này, ông Bill Shorten, nói rằng hành động "nồi da xáo thịt" trong giới lãnh đạo Đảng Tự do đang "ăn tươi nuốt sống chính phủ Úc. "Úc không còn có một chính phủ hoạt động nữa" - ông Shorten công kích.

Theo Thu Hằng

Người lao động