1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chính trường Hy Lạp đòi hỏi một Tsipras mới

(Dân trí) - Thông tin đảng cánh tả cấp tiến Syriza của Thủ tướng vừa từ chức trước đó không lâu – ông Alexis Tsipras – lại giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp trước kỳ hạn là chủ đề nóng nhất nổi bật trên báo chí Pháp ngày 21/9.


Tân Thủ tướng Alexis Tsipras tại Athènes ngày 21/9. (Ảnh Louisa Gouliamaki)

 

Tân Thủ tướng Alexis Tsipras tại Athènes ngày 21/9. (Ảnh Louisa Gouliamaki)

 

Nhật báo l’Humanité nhận định: cử tri Hy Lạp vẫn khẳng định niềm tin vào ông Alexis Tsipras, qua đó chứng minh cho châu Âu thấy họ đã trưởng thành về chính trị như thế nào.

Bằng những lá phiếu tái khẳng định sự tin tưởng vào đảng Syriza, người dân Hy Lạp đã dội nước lạnh vào niềm hy vọng của cánh hữu cũng như của nhiều giới chức Châu Âu được cho là muốn chứng kiến “giai đoạn quá độ Tsipras”.

Bài xã luận với tựa đề: “Một Tsipras mới?” đăng trên Le Figaro bình luận ngược lại về chiến thắng bầu cử lần thứ ba trong vòng chưa đầy một năm của đảng Syriza: “Lộ trình bảy tháng cầm quyền ngắn ngủi trước đó của ông Tsipras đáng ra đã đủ để khiến cho ông không còn được tin cậy. Tuy nhiên, “nhà ảo thuật chính trị” này đã thành công trong việc thuyết phục cử tri Hy Lạp tin rằng ông có thể tiếp tục dẫn dắt họ trong tương lai. Vấn đề là xem Alexis Tsipras sẽ làm gì sau chiến thắng này!”

Le Figaro cho rằng thật đáng tiếc khi đảng Syriza không chọn cách liên minh với cánh hữu ôn hòa để thực thi các cam kết với Châu Âu, mà lại lập liên minh với đảng Người Hy Lạp độc lập (ANEL) theo chủ nghĩa dân tộc. Mặt khác báo này cũng bày tỏ hy vọng ông Tsipras có thể chuyển hóa tình hình theo hướng tích cực hơn trong nhiệm kỳ thủ tướng mới.

Trong khi đó, báo Libération nêu rõ 3 thách thức lớn đối với ông Tsipras – người vừa mới là cựu đã trở lại ngoạn mục với vai trò tân Thủ tướng Hy Lạp.

Thứ nhất là khủng hoảng của thể chế dân chủ khi đa số áp đảo cử tri Hy Lạp không còn tin tưởng vào bầu cử bởi họ thấy “những áp đặt từ bên ngoài có thể buộc (chính phủ) phải làm ngược lại nguyện vọng của cử tri”.

Thứ hai là khủng hoảng niềm tin khi ngày càng có nhiều người Hy Lạp không còn tin tưởng vào “ánh sáng tương lai ở phía bên kia đường hầm xa tít tắp” bởi những đòi hỏi thắt lưng buộc bụng trả nợ dường như không có hồi kết.

Thứ ba là khủng hoảng về mặt địa chính trị, khi Hy Lạp bị xem như mắt xích yếu nhất của hàng rào bảo vệ biên giới châu Âu đang gần như bất lực trước làn sóng di cư ồ ạt đến từ các nước Châu Phi và Trung Đông.

Quý Cao