1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính trường Hàn Quốc tiếp tục hỗn loạn sau bê bối liên quan tới Tổng thống

Việc nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị Quốc hội thông qua quá trình luận tội không chỉ tạo nên một dư chấn chính trị khắp Hàn Quốc và các nước láng giềng, mà còn gây ra sự hỗn loạn lớn bởi chưa từng có sự việc nào tương tự từng xảy ra ở đất nước này.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye xuất hiện trong một cuộc họp Nội các hôm 9/12 vừa qua ở Seoul. (Nguồn: Reuters).
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye xuất hiện trong một cuộc họp Nội các hôm 9/12 vừa qua ở Seoul. (Nguồn: Reuters).

Hôm 11/12, giới công tố Hàn Quốc tiếp tục truy tố thêm một cựu cố vấn của bà Park và một cựu Thứ trưởng Văn hóa trong quá trình điều tra vụ bê bối tham nhũng khiến cho Quốc hội nước này bỏ phiếu thông qua quá trình luận tội Tổng thống Park Geun-hye hồi tuần trước.

Giới công tố hôm Chủ nhật cũng một lần nữa cho rằng bà Park là một đồng phạm trong vụ bê bối liên quan tới bà Choi Soon-sil cùng 2 cựu cố vấn, dù bà vẫn được miễn trừ trách nhiệm hình sư nhờ vẫn giữ được vị trí tại văn phòng Tổng thống. Trước đó, hôm 20/11, giới công tố Hàn Quốc cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm thứ Sáu tuần trước tại Quốc hội nhằm loại bỏ bà Park khỏi văn phòng Tổng thống tuy nhiên vẫn cần sự thông qua của Tòa án Hiến pháp, và dự kiến quy trình này sẽ mất 180 ngày để Tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng.

Và chính cuộc bỏ phiếu này cũng mở ra một câu chuyện hết sức kỳ lạ, khiến nhiều người bất ngờ. Dự thảo luận tội bà Park đã tước bỏ mọi quyền lực của bà Park, nhưng bà vẫn giữ vị trí Tổng thống của mình và vị trí này chỉ mất đi khi Toà án Hiến pháp quyết định phê chuẩn dự thảo trên. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn tạm nắm quyền lực Tổng thống.

Trước đây, như một phần của cơn bão chính trị ở Hàn Quốc, Tổng thống Park đã từng cố gắng thay thế ông Hwang hồi tháng trước nhưng rồi lại phải phục chức lại cho ông này sau khi đề xuất của bà bị Quốc hội bác bỏ, một sự việc khiến cho ông Hwang khó có thể yêu quý bà Park được nữa.

Vậy nên trong thời điểm hiện tại, Tổng thống Park tuy vẫn giữ được vị trí trong văn phòng của mình nhưng lại hoàn toàn không có khả năng đưa ra quyết định nữa, trong khi Hàn Quốc đang được vận hành bởi một chính phủ tạm thời. Trừ khi bà tự nguyện từ chức - dù chưa có tín hiệu gì cho thấy bà sẽ làm như vậy bởi có thể khiến bà bị mất quyền miễn trừ khởi tố - tình trạng này có thể kéo dài trong vòng 6 tháng nữa trong khi Tòa án Hiến pháp cân nhắc về dự thảo luận tội bà.

Tuy nhiên, một câu chuyện còn lạ lùng hơn nữa. Có 9 vị thẩm phán hiện tại thuộc Tòa án Hiến pháp và cần phải có 6 vị trong số này ủng hộ việc luận tội bà Park thì dự thảo mới được thông qua, và bà Park sẽ chính thức rời ghế Tổng thống. Thế nhưng nhiệm kỳ của 2 trong số 9 vị thẩm phán này sẽ sớm kết thúc - một vào tháng 1/2017, một vào tháng 3/2017. Và trong tình trạng hỗn loạn như hiện nay, những vị trí khuyết này sẽ không thể được bù lấp một cách nhanh chóng.

Như vậy, phán quyết về số phận của bà Park sẽ chỉ được quyết bởi Tòa án Hiến pháp gồm 7 thành viên, chứ không phải 9. Điều này có nghĩa, trong lúc người ta vẫn giữ nguyên tỷ lệ 6 phiếu thuận để thông qua việc luận tội dù thiếu đi 2 vị thẩm phán, nên dự thảo này sẽ không được thông qua nếu có nhiều hơn 1 vị thẩm phán bỏ phiếu chống. Nếu dự thảo được thông qua, bà Park sẽ bị luận tội vào khoảng tháng 5/2017.

Và dù phán quyết của Tòa án Hiến pháp có như thế nào đi chăng nữa thì ở thời điểm giữa năm sau, bà Park khó có thể được người dân trong nước xem như một vị Tổng thống nữa. Điều này có nghĩa rằng kể từ tháng 5/2017 cho tới khi nhiệm kỳ của bà Park chính thức kết thúc vào tháng 2/2018, Hàn Quốc sẽ được dẫn dắt bởi một chính phủ tạm thời, không có Tổng thống dân cử.

Và trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với nhiều thách thức - trong đó gồm những động thái khiêu khích từ CHDCND Triều Tiên - tình trạng này là một điều nguy hiểm.

Trong trường hợp Tòa án Hiến pháp thông qua dự thảo luận tội Tổng thống thì theo đúng Hiến pháp, Hàn Quốc sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử.

Hiện nay, trong bối cảnh các đảng phái chính trị đối lập ở nước này đang xáo trộn, có khả năng một ứng viên đến từ chính đảng cầm quyền Saenuri của bà Park được bầu làm Tổng thống để kế nhiệm bà, có nghĩa rằng các chính sách của bà Park vẫn được tiếp tục, và đương nhiên không còn sự can dự của người bạn thân Choi Soon-sil nữa.

Và đối với rất nhiều người dân Hàn Quốc, những người đã tổ chức biểu tình suốt nhiều tuần qua để yêu cầu bà Park từ chức ngay lập tức, thì điều này có lẽ là một nỗi thất vọng lớn.

Theo Linh Chi

Đại đoàn kết