1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chính trường Hàn Quốc chưa “lặng sóng”

Phản ứng trước việc Quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn bác đề nghị của nhóm điều tra đặc biệt về việc khám xét Nhà Xanh (Phủ Tổng thống), đại diện Đảng Dân chủ Chu Mi-ae hôm 6-2 đã lên tiếng chỉ trích đây là hành động đi ngược nguyên tắc và luật pháp để bảo vệ Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye.

Bà Mi-ae tuyên bố, nếu ông Kyo-ahn không thay đổi lập trường, ông sẽ phải chịu mọi trách nhiệm chính trị về việc dấu vết chứng cứ bị xóa và việc ủng hộ những kẻ tình nghi.

Trước đó cùng ngày, Quyền Tổng thống Kyo-ahn đã bác đề nghị của nhóm điều tra đặc biệt về việc hợp tác với kế hoạch của nhóm khám xét Nhà Xanh nhằm thu thập bằng chứng về vụ bê bối liên quan đến bà Park Geun-hye và người bạn thân Choi Soon-Sil của bà.

Một trợ lý của ông Hwang nêu rõ rằng, việc khám xét Nhà Xanh không phải là quyết định mà quyền tổng thống có thể đưa ra: “Chúng tôi vẫn không thay đổi lập trường rằng quyết định liên quan đến việc khám xét phải do Phủ Tổng thống chứ không phải do quyền tổng thống đưa ra”.

Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn.
Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn.

Quan chức này cho rằng, đánh giá pháp lý về việc cuộc khám xét này có thể được thực hiện hay không là phải do những người đứng đầu cơ sở trên, tức là chánh văn phòng của tổng thống và cơ quan an ninh của tổng thống đưa ra.

Trước đó, hôm 3-2, Nhà Xanh cũng đã ngăn cản các công tố viên lục soát văn phòng của Tổng thống Park và viện dẫn các lý do an ninh. Người phát ngôn Phủ tổng thống Hàn Quốc Kim Dong-jo cho biết, thay vào việc cho phép các công tố viên độc lập thực hiện hành động trên, Nhà Xanh sẽ cung cấp cho họ các tài liệu.

Ông Kim nói: “Do Nhà Xanh là nơi phải được đảm bảo an toàn cẩn mật liên quan tới vấn đề quân sự và các vấn đề khác nên chúng tôi không thay đổi lập trường, theo đó không có cuộc đột kích nào được phép tiến hành trong khuôn khổ những dinh cơ này”.

Về phía nhóm điều tra đặc biệt, họ hiện đang tìm cách để có thể thẩm vấn trực tiếp bà Park Geun-hye trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến 10-2 tới. Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, một vị tổng thống đương nhiệm bị các công tố viên thẩm vấn trực tiếp.

Một quan chức của nhóm điều tra đặc biệt cũng tuyên bố họ sẽ có sự chuẩn bị kỹ càng vì đây là cơ hội duy nhất để thẩm vấn trực tiếp bà Park. Cuộc thẩm vấn sẽ tập trung vào vai trò của bà Park trong việc Tập đoàn Samsung phải đóng góp tài chính cho các quỹ văn hóa do bà Choi Soon-Sil quản lý.

Ngoài ra, các công tố viên cũng sẽ đề nghị Tổng thống Park Geun-hye làm rõ những hoạt động của bà trong vòng 7 giờ sau khi xảy ra vụ chìm phà Sewol hồi tháng 4-2014, làm 304 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là học sinh.

Trong khi đó, hôm 5-2, một đại biện pháp lý của Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội, ông Lee Joong-hwan, cho biết, bà Park Geun-hye đã lần đầu tiên gửi kháng nghị lên Tòa án Hiến pháp nước này với nội dung phủ nhận hoàn toàn các lý do buộc tội. Trong bản kháng nghị, bà Park bác bỏ cáo buộc để bà Choi Soon-sil thao túng việc bổ nhiệm các quan chức chính phủ.

Bà cũng phủ nhận cáo buộc sa thải một số quan chức cấp cao trong Bộ Văn hóa vì có quan điểm đối đầu với chính phủ, đồng thời cho rằng, việc sa thải được tiến hành theo đúng thủ tục pháp lý.

Ngoài ra, Tổng thống Park không thừa nhận đã tiết lộ các tài liệu mật của chính phủ cho người bạn thân Choi Soon-sil, khẳng định không liên quan đến việc thành lập hai quỹ phi lợi nhuận là Mir và K-Sports do bà Choi Soon-sil điều hành.

Trước đó, trong phiên điều trần thứ 10 của Tòa án Hiến pháp hôm 1-2, ông Joong-hwan đã đề nghị tòa triệu tập thêm 15 nhân chứng, trong đó có bà Choi Soon-Sil để phục vụ việc xem xét vụ bà Park bị luận tội, cho rằng, việc này sẽ đảm bảo việc tranh tụng công bằng, đồng thời cam kết sẽ làm hết sức để việc thẩm vấn có thể diễn ra ngắn gọn mà không cản trở tiến trình xét xử. Tuy nhiên, đề nghị này bị phê phán mạnh mẽ là hành động nhằm kìm hãm tiến trình xét xử.

Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 6-2, Tập đoàn Samsung Electronics Co. đã công bố quyết định rút khỏi tổ chức doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc là Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc (FKI), trong bối cảnh Samsung đang bị chỉ trích về vai trò của họ trong bê bối tham nhũng dẫn đến việc luận tội Tổng thống Park.

Việc Samsung rút khỏi FKI diễn ra đúng như nhiều người từng dự đoán sau khi Phó Chủ tịch tập đoàn Lee Jae-yong tuyên bố trong một phiên điều trần tại Quốc hội Hàn Quốc hồi tháng 12-2016 rằng họ sẽ rút khỏi FKI.

Theo Khổng Hà (tổng hợp)

Công an nhân dân