1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chính trị phủ bóng Thế vận hội Mùa Đông 2018?

Hàn Quốc đang tích cực thúc đẩy để Thế vận hội Mùa đông sẽ khởi động ở nước này vào ngày 9/2 tới trở thành một kỳ “Olympic hòa bình”. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng điều đó không ngăn cản Mỹ và Triều Tiên tranh thủ giành điểm chính trị trước đối thủ.


Thế vận hội Mùa Đông 2018 sẽ khai mạc tại Hàn Quốc vào ngày 9/2 tới

Thế vận hội Mùa Đông 2018 sẽ khai mạc tại Hàn Quốc vào ngày 9/2 tới

Dẫn thông tin từ Washington Post, CNN cho hay, trong một động thái chắc chắn sẽ khiến Bình Nhưỡng tức giận, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vừa thông báo sẽ đưa ông Fred Warmbier – cha của sinh viên người Mỹ đã qua đời tại Mỹ sau một thời gian bị tống giam tại Triều Tiên Otto Warmbier – tới tham dự lễ khai mạc Thế vận hội.

Bên cạnh đó, một cố vấn của ông Pence ngày 4/2 cũng liên tục khẳng định, trong thời gian dự Olympic tại Hàn Quốc, Phó Tổng thống Mỹ sẽ phản bác bất cứ quan điểm nào về việc bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên và thế giới bên ngoài.

Trong phát biểu hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã bác bỏ các nỗ lực ngoại giao gần đây, cho rằng mối đe dọa từ Bình Nhưỡng vẫn luôn hiện hữu. “Kinh nghiệm trong quá khứ dạy chúng ta rằng sự bằng lòng và nhượng bộ sẽ chỉ đưa đến sự hung hăng và khiêu khích. Tôi sẽ không lặp lại những sai lầm của các Chính phủ tiền nhiệm vốn đã đẩy chúng ta vào tình thế nguy hiểm này”, ông Trump nói.

Theo ông Rodger Baker – phó phụ trách phân tích chiến lược tại Stratfor, Mỹ xem cách tiếp cận gần đây của Triều Tiên không phải là sẵn sàng đối thoại mà chỉ là cách để trì hoãn và là chiến thuật để làm suy yếu quan hệ Mỹ - Hàn. Do đó, Mỹ đang muốn chứng minh rằng cách tiếp cận của nước này với Bình Nhưỡng không thay đổi. “Mỹ đang cố nhấn mạnh rằng chiến lược ngăn chặn của nước này sẽ không bị trì hoãn”, ông Baker nhận định và cho rằng tập trận chung Mỹ - Hàn vốn đã bị hoãn lại trong thời gian diễn ra Olympic dự kiến sẽ tái khởi động ngay khi kỳ Thế vận hội kết thúc.

Về phần mình, Triều Tiên thông báo sẽ cử Chủ tịch Quốc hội Kim Yong Nam dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên dự Olympic. Ông Kim, hiện đã 90 tuổi, là cựu bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên và hiện đang là một trong 3 nhân vật quyền lực nhất của Triều Tiên. Như vậy, ông này sẽ là một trong những quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên từng thăm Hàn Quốc. Trong một tuyên bố, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng sự hiện diện của ông Kim Yong Nam cho thấy Triều Tiên nghiêm túc trong việc tìm cách cải thiện quan hệ liên Triều cũng như sự thành công của kỳ Olympic. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cũng đã thông báo sẽ tiến hành một cuộc duyệt binh với sự tham gia của hàng trăm tên lửa và rocket nhằm gửi tới thế giới thông điệp rõ ràng rằng không nên đánh giá thấp sức mạnh quân sự của nước này. Cuộc duyệt binh sẽ diễn ra ngay đêm trước lễ khai mạc Olympic.

Bà Anwita Basu – một nhà phân tích tại Trung tâm tình báo kinh tế (EIU) – cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên được cải thiện là điều khiến Mỹ không thoải mải. “Kỳ Olympic hiện đang được xem là nền tảng cho cuộc đấu ngoại giao của Mỹ và Triều Tiên. Căng thẳng do đó chắc chắn sẽ leo thang”, bà Basu nhận xét. Bên cạnh đó, các động thái của các bên cũng đang đẩy Hàn Quốc vào tình thế “khó xử”. Bởi, sự tham gia của Triều Tiên đã trở thành đề tài được chú ý nhất tại kỳ Thế vận hội vốn được xem là đã bị chính trị hóa này, dấy lên những phàn nàn tại Hàn Quốc rằng nước này đang bị lãng quên ở thời điểm lẽ ra phải là khoảnh khắc quốc tế của họ.

Trong một diễn biến khác, ngày 5/2, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Tokyo đã trao công hàm cho phía Hàn Quốc, phản đối việc nước này sử dụng lá cờ có in hình ảnh quần đảo tranh chấp trên Biển Nhật Bản trong trận giao hữu giữa đội khúc côn cầu nữ liên Triều với đội Thụy Điển diễn ra trước đó 1 ngày.

Theo Minh Ngọc

Pháp luật Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm