1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính thức xét xử nghi phạm sát hại bé Nhật Linh

Chị Nguyễn Thị Nguyên (mẹ bé Nhật Linh) chính thức thông tin, Tòa án tỉnh Chiba, Nhật Bản đã ấn định thời điểm bắt đầu phiên xét xử đối với đối tượng bị cáo buộc sát hại bé Nhật Linh, gây phẫn nộ dư luận thời gian qua.


Ngày 4.6 sẽ xét xử sơ thẩm vụ án bé Nhật Linh bị sát hại ở Nhật.

Ngày 4.6 sẽ xét xử sơ thẩm vụ án bé Nhật Linh bị sát hại ở Nhật.

Theo đó, phiên xét xử sẽ bắt đầu vào ngày 4.6. Nghi phạm Yasumasa Shibuya (46 tuổi) bị cáo buộc tội giết người và các tội danh khác, trong đó có tội vứt bỏ thi thể nạn nhân. Đồng thời hình phạt cho nghi phạm nếu bị kết án sẽ được tuyên vào ngày 18.6.

Phiên xét xử vụ án bé Nhật Linh bị sát hại nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của dư luận Việt Nam, mà cả Nhật Bản. Được biết phiên toà sẽ được xét xử công khai nên mọi người ở Nhật đều có thể tham dự.

Trước đó, bé Nhật Linh (9 tuổi) đã mất tích vào ngày 24.3.2017 khi đang trên đường đến trường ở Matsudo, tỉnh Chiba (Nhật Bản). Hai ngày sau, cảnh sát tìm thấy thi thể bé ở cạnh một mương thoát nước ở thị trấn Abiko gần đó.

Gia đình Nhật Linh đã được cả người dân Việt Nam và Nhật Bản giúp đỡ, hỗ trợ khá nhiều trong việc đưa nghi phạm ra trước pháp luật. Có điều nghi phạm Yasumasa duy trì quyền im lặng nên vụ án vẫn chưa thể giải quyết được triệt để.

Anh Lê Anh Hào và chị Nguyễn Thị Nguyên (bố mẹ của Nhật Linh), trong gần 1 năm qua đã đi kêu gọi mọi người ký tên nhằm kiến nghị tới tòa án Nhật Bản với mong muốn áp khung hình phạt cao nhất cho Yasumasa Shibuya.

Theo Nikkei Asian Review, đến nay, gia đình bé Nhật Linh đã thu thập được hơn 1 triệu chữ ký từ Việt Nam và Nhật Bản ủng hộ gia đình bé Nhật Linh để đòi lại công lý cho con gái đã khuất.

Mặc dù việc thu thập chữ ký không có giá trị pháp lý trong việc xét xử hay đẩy nhanh tiến trình xét xử, nhưng việc này có ý nghĩa giúp bồi thẩm đoàn hiểu được về sự phẫn nộ của cộng đồng, có thể coi như một 'tình tiết tăng nặng' để tòa án đưa ra khung hình phạt nghiêm khắc và công bằng nhất. Xã hội Nhật Bản cũng coi việc thu thập chữ ký là chính đáng và hợp pháp.

Theo Bích Hà

Lao Động