Chính sách quốc gia và quan hệ quốc tế trong đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Các chuyên gia Việt Nam và Đức đã phối hợp nghiên cứu những tác động của đại dịch đến quan hệ quốc tế và cách thức ứng phó của các nước ASEAN và khu vực xung quanh, từ đó rút ra những bài học quý báu.
Chiều ngày 16/11, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV ĐHQGHN) phối hợp với Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung đã tổ chức tọa đàm giới thiệu cuốn sách "Chính sách quốc gia và quan hệ quốc tế trong đại dịch Covid-19 ở Đông Nam Á và khu vực xung quanh" của các tác giả Việt Nam và Đức. Tọa đàm nhằm thông tin đến cộng đồng khoa học, các nhà thực thi chính sách và công chúng trong và ngoài nước về các kết quả chính được trình bày trong cuốn sách về những hệ quả của đại dịch Covid-19 đến quan hệ quốc tế, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
Tham dự buổi tọa đàm còn có các khách mời trong nước và quốc tế: Ông David Payne - Chuyên gia Quản lý Dự án Quốc tế, UNDP tại Việt Nam; TS. Võ Xuân Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; PGS.TS. Kumaresan Raja - Đại học Pondicherry (Ấn Độ); PGS.TS. Patrick Ziegenhain - Đại học Tổng thống (Indonesia); PGS.TS. Trần Xuân Bách - Đại học Y Hà Nội.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Detlef Briesen, Trường Đại học Justus-Liebig Universität, Gießen (Đức) - đồng chủ biên của cuốn sách - đã giới thiệu nội dung và những kết quả nổi bật của các nghiên cứu được tập hợp trong ấn phẩm.
Cuốn sách đi sâu phân tích những diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các nước Đông Nam Á và phản ứng chính sách của một số nước trong khu vực; xem xét các nỗ lực hợp tác trong nội khối ASEAN nhằm đối phó với dịch bệnh; cung cấp bức tranh về quá trình chống dịch của các nước ngoài khu vực Đông Nam Á, từ đó gợi mở một số kinh nghiệm cho các quốc gia Đông Nam Á.
Theo ông Detlef, mục tiêu hướng đến là chỉ ra các phương thức chống dịch mà các quốc gia đã sử dụng, các ưu điểm và hạn chế để các nước có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau. Ông thấy rằng mỗi quốc gia đều có cách tiếp cận đại dịch khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn lực, sự phân hóa xã hội… Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam có mô hình chính sách chống dịch bao trùm, để cân bằng giữa mục tiêu và nguồn lực vốn có.
Trên phương diện nhìn nhận chung toàn khối ASEAN, ông Detlef cho rằng các chính phủ vẫn tích cực hợp tác với nhau theo nhiều hình thức ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Trên cơ sở đó, các diễn giả và khách mời tham gia tọa đàm đã thảo luận sâu hơn về các vấn đề liên quan thông qua phiên thảo luận bàn tròn về các câu hỏi được gửi tới.
Về vai trò của các tổ chức quốc tế trong quá trình phối hợp đối phó với dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau dịch, ông David Payne, chuyên gia quản lý dự án quốc tế UNDP, đã đưa ra một số ví dụ. Với vai trò là một phần trong hệ thống của Liên Hợp Quốc, UNDP đã kết hợp với các tổ chức quốc tế khác như WHO, ASEAN và Unicef để hỗ trợ cho các tình huống khẩn cấp về mặt y tế, mua sắm các trang thiết bị; cung cấp hệ thống hiện đại để tăng cường khả năng phản ứng của hệ thống y tế; xây dựng hệ thống truy vết điện tử, triển khai vaccine đúng nơi đúng chỗ...
Tại Việt Nam, UNDP đã hỗ trợ triển khai dự án thí điểm, nhân rộng hệ thống kỹ thuật số để tăng cường việc thanh toán điện tử; đầu tư cả các vùng sâu vùng xa để giảm thiểu sự chênh lệch về điều kiện chống dịch; hỗ trợ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ tương đương để cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội... Việc giúp đỡ triển khai nguồn lực hỗ trợ của các quốc gia không chỉ đơn thuần để hồi phục kinh tế sau đại dịch mà còn tạo ra sức bật của kinh tế trong thời gian dài hạn.
Về hợp tác của khối ASEAN trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, TS Võ Xuân Vinh, Phó viện trưởng Viện Đông Nam Á, cho rằng khối ASEAN đã có những hình thức hợp tác nhất định thông qua các diễn đàn đối thoại và đã có nhiều nỗ lực xử lý Covid-19 một cách tập thể, thông qua việc đưa ra các nghị trình về phòng chống Covid-19 và chiến lược ứng phó đại dịch đa phương, Có thể nói, ASEAN đóng vai trò như một kênh hỗ trợ, cung cấp thông tin, là trung tâm điều phối nguồn lực.
Nhằm tăng cường cơ hội và hạn chế thách thức cho ASEAN sau đại dịch, các diễn giả đều nhất trí rằng ASEAN cần tiếp tục nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương, tăng cường sự hợp tác và nhất thể hóa để ứng phó với đại dịch. Theo các diễn giả, nếu xảy ra đại dịch tương tự Covid-19 trong tương lai, năng lực của các quốc gia phụ thuộc vào việc họ có bắt tay với nhau hay không.
Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi, cởi mở. Kết thúc buổi tọa đàm, PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó hiệu trưởng KHXH&NV, gửi lời cảm ơn đến các diễn giả, các giáo sư cùng các tác giả đã có những chia sẻ nhiệt tình, thực tế và hữu ích. Ông cũng ghi nhận sự đóng góp của các học giả để cùng viết lên công trình nghiên cứu mang tầm quốc tế. Bản trực tuyến của cuốn sách dự kiến được ra mắt vào tháng 12 tới.