1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Chính quyền ông Biden” phải làm gì để không “rơi vào bẫy” của Trung Quốc?

Theo nhà quan sát Josh Rogin nhận định trên Washington Post, lời đề nghị của chính phủ Trung Quốc nhằm cải thiện quan hệ Mỹ - Trung sẽ đi cùng một cái giá không hề hợp lý.

Cái giá phải trả

Bắc Kinh đang cố thuyết phục “chính quyền ông Biden” rằng mối quan hệ Mỹ - Trung có thể êm đềm và tích cực nhưng chỉ khi Washington chấm dứt những chính sách của chính quyền Tổng thống Trump, phớt lờ các hành vi của Trung Quốc và giả vờ rằng mọi thứ đều ổn. Kế hoạch này phụ thuộc vào việc thuyết phục ông Biden rằng việc duy trì sự hòa hoãn trong quan hệ Mỹ - Trung quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác - một giả thuyết được các nhà quan sát Mỹ cho là nguy hiểm và chứa đầy lỗ hổng.

“Chính quyền ông Biden” phải làm gì để không “rơi vào bẫy” của Trung Quốc? - 1

Ông Joe Biden. Ảnh: Washington Post

Trong thời gian cuối của nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Trump đã tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm đối phó với Trung Quốc về một loạt vấn đề từ kinh tế, do thám cho tới nhân quyền. Cùng lúc đó, lời kêu gọi chính quyền ông Biden đảo ngược chính sách của ông Trump không chỉ xuất phát từ Trung Quốc mà còn đến từ các quan chức Mỹ ủng hộ mối quan hệ hòa hoãn giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới như cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, người đã cảnh báo tuần này rằng 2 nước đang lao vào một cuộc xung đột gần giống với Thế chiến I.

Tuy nhiên, theo nhà quan sát Josh Rogin nhận định trên Washington Post, lời đề nghị của chính phủ Trung Quốc nhằm cải thiện quan hệ 2 bên đi cùng một cái giá không hề hợp lý. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 7 đã đề nghị rằng Washington và Bắc Kinh nên tập trung vào danh sách các vấn đề song phương và gạt "những vấn đề khó nhằn" khỏi bàn đàm phán, đồng thời "đặt sang bên những khác biệt để giảm thiếu tối đa tác động của chúng và hạn chế sự tổn hại đến quan hệ Mỹ - Trung nói chung".

Trong khi đó, Trung Quốc đang chứng minh cho Australia thấy điều gì sẽ xảy ra nếu những yêu cầu trên bị bác bỏ. Một quan chức Trung Quốc đã đưa cho Sydney Morning Herald một danh sách các điều kiện nhằm đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cứng rắn với ngành công nghiệp xuất khẩu khoáng sản và nông nghiệp của Australia. Theo danh sách này, Australia sẽ phải ngừng lên tiếng về các vấn đề như Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc) và vấn đề Tân Cương, mở cửa cho các công ty công nghệ Trung Quốc và dừng kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Nếu Australia thực hiện mọi yêu cầu của Trung Quốc, điều ấy sẽ "có lợi cho bầu không khí giữa 2 nước", quan chức Trung Quốc trên nhận định, đồng thời đe dọa: "Nếu các bạn biến Trung Quốc thành kẻ thù, Trung Quốc sẽ thành kẻ thù".

Các động thái của Trung Quốc với Australia là dấu hiệu cho “chính quyền ông Biden” thấy rằng cái giá cho mối quan hệ êm đềm là sự phục tùng. Tuy nhiên, mục tiêu của bất kỳ chính quyền Mỹ nào vẫn luôn bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích cũng như các giá trị của Mỹ chứ không phải hy sinh chúng vì những mối quan hệ không thực chất.

Hợp tác hay cạnh tranh với Trung Quốc?

Hiện có những lo ngại ở châu Á về việc liệu “chính quyền của ông Biden” có hiểu được động lực trên hay không. Hồi tháng 8, một nhà ngoại giao hàng đầu đã nghỉ hưu của Singapore là Bilahari Kausikan viết rằng, bà Susan Rice, người được cho có thể là một ứng viên cho vị trí Ngoại trưởng, "không có tinh thần cạnh tranh" và là một trong "những người nghĩ rằng Mỹ nên hạ tông giọng để nhận được sự hợp tác của Trung Quốc về biến đổi khí hậu".

Năm 2013, khi bà Susan Rice là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, bà Rice đã có một bài phát biểu cam kết sẽ "thao tác hóa một mô hình mới về quan hệ giữa các nước lớn", thực hiện tầm nhìn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về một mối quan hệ dựa trên sự hợp tác và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Năm 2016, bà Rice đã yêu cầu các quan chức Lầu Năm Góc ngừng sử dụng từ "cạnh tranh" khi nói về Trung Quốc và tìm kiếm một từ khác ít gây căng thẳng hơn.

Cả Tổng thống Obama và bà Rice đều muốn hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu và cái giá phải trả cho việc này là họ phải đối xử nhẹ nhàng và đầy thận trọng với Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Kurt Campbell, một quan chức hàng đầu phụ trách khu vực châu Á trong Bộ Ngoại giao dưới thời chính quyền Tổng thống Obama đã chỉ ra trong một bài phát biểu hồi tháng trước rằng, việc Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu "không phải là vì Mỹ hay thế giới" mà nhằm theo đuổi các lợi ích của chính họ và Washington nên hiểu rõ việc này.

Có nhiều cách ông Biden có thể cải thiện chính sách với Trung Quốc của Tổng thống Trump. Ông Biden có thể khiến chiến lược của Mỹ trở nên đa phương, có tổ chức và nhất quán hơn. Chính quyền của ông Biden cũng nên tận dụng những đánh giá trước đó của chính quyền Tổng thống Trump về mối quan hệ với Trung Quốc.

Điều đã thay đổi dưới thời chính quyền Tổng thống Trump là sự ổn định trong quan hệ Mỹ - Trung đã không còn được coi là một mục tiêu nữa, Eric Sayers, học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định.

"Điều đó không có nghĩa là chúng ta tìm kiếm sự bất ổn nhưng chúng ta nên thừa nhận rằng sự bất ổn là một phần trong mối quan hệ này".

Nhà quan sát Josh Rogin của Washington Post đánh giá, đội ngũ của ông Biden sẽ mắc sai lầm nếu tin vào những kế hoạch hứa hẹn của Trung Quốc. Nếu ông Biden định sửa chữa mối quan hệ với các đồng minh, ông sẽ nhận ra rằng các đồng minh giống như Australia muốn nhận được sự ủng hộ trong việc chống lại các hành vi bắt nạt của Trung Quốc. Họ không muốn Washington đồng ý với những gì Bắc Kinh muốn.

Các nhóm lợi ích ở Mỹ hiện đã sẵn sàng gây sức ép để ông Biden đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhà quan sát này, làm vậy là đi ngược lại với mong muốn của đa số người dân Mỹ ở cả hai đảng và phá vỡ lời hứa tranh cử của ông Biden nếu ông đứng về phía Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nhà phân tích của Washington Post đánh giá, đội ngũ của ông Biden nên khẳng định ngay từ đầu rằng họ sẽ không chấp nhận các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở trong và ngoài nước để đổi lấy sự êm đềm trong mối quan hệ này. Quay trở lại kiểu quan hệ trước đây sẽ khiến những vấn đề nghiêm trọng trở nên tồi tệ hơn và làm dấy lên những rủi ro dài hạn về một cuộc xung đột nguy hiểm mà cả 2 nước đều muốn tránh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm