Chính quyền Hồng Kông và sinh viên kết thúc đối thoại trong bế tắc
(Dân trí) - Cuộc đối thoại lần thứ nhất giữa đại diện sinh viên biểu tình và chính quyền Hồng Kông ngày 21/10 đã kết thúc mà không đạt được bước tiến đáng kể nào, khi sự khác biệt còn lớn. Dù vậy chính quyền tỏ ra mềm mỏng và sẵn sàng tiếp tục đối thoại.
Phát biểu sau cuộc đối thoại kéo dài 2 giờ với 5 đại diện của các sinh viên biểu tình, bà Carrie Lam, Chánh Văn phòng Đặc khu Hành chính Hồng Kông bày tỏ hy vọng đây “sẽ là vòng đầu tiên trong nhiều vòng đối thoại”.
Dù vậy bà Lam, người cho rằng cuộc đối thoại “mang tính xây dựng”, cho biết chính quyền vẫn bảo lưu quan điểm đi theo yêu cầu của Bắc Kinh đó là, các ứng viên tham gia cuộc bầu cử chọn nhà lãnh đạo mới cho thành phố này phải được tuyển chọn bởi một ủy ban thân Bắc Kinh.
“Nếu các sinh viên không thể chấp nhận quan điểm này, tôi e rằng chúng tôi sẽ tiếp tục có quan điểm khác nhau”, bà Lam nói.
Vài giờ trước cuộc phỏng vấn nhà lãnh đạo Lương Chấn Anh đã để ngỏ khả năng sẽ có những cải cách nhất định, bày tỏ thiện chí hạ nhiệt căng thẳng với người biểu tình sau hơn 3 tuần chứng kiến khu vực trung tâm thành phố bị tê liệt.
“Tôi hy vọng cuộc đối thoại này có thể khiến bầu không khí tương đối căng thẳng trong xã hội bình tĩnh trở lại”, bà Lam nói trong lời phát biểu khai mạc buổi đối thoại.
“Khi 5 triệu cử tri đủ tư cách bỏ phiếu trực tiếp bầu nhà lãnh đạo thông qua bầu cử mỗi người một lá phiếu, cho dù nhìn nhận theo cách nào, nó cũng dân chủ hơn việc nhà lãnh đạo được chọn ra bởi một ủy ban 1200 người”, vị phó của ông Lương Chấn Anh cho biết thêm.
Trong khi đó, đại diện của người biểu tình vẫn kiên quyết yêu cầu tiến hành bầu cử dân chủ đầy đủ. “Định hướng phát triển của chính phủ…không phải dân chủ, bình đẳng, cởi mở và đó không phải sự tiến bộ”, Alex Chow, tổng thư ký Liên đoàn sinh viên Hồng Kông, một trong những lãnh đạo của lực lượng biểu tình nói.
Mặc chiếc áo phông mang dòng chữ “Tự do ngay bây giờ”, Chow cùng 4 lãnh đạo khác của các sinh viên biểu tình đã tham dự buổi đối thoại và yêu cầu công chúng có quyền đề cử ứng viên, trong cuộc bầu cử năm 2017.
“Yêu cầu của người dân Hồng Kông đối với sự phát triển tương lai lập pháp của thành phố là rất đơn giản – đó là sự đề cử dân sự. Chúng tôi không muốn có những ứng viên được tuyển chọn trước”, Chow nói.
Nhưng bà Lam khẳng định thành phố phải hoạt động trong khuôn khổ được Bắc Kinh đưa ra. “Hồng Kông không phải một quốc gia độc lập, nó không thể tự quyết định hệ thống chính trị của mình”, bà Lam nói.
Theo dõi cuộc đối thoại được tường thuật trực tiếp, nhiều người biểu tình tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của việc này.
“Đây thậm chí không phải một cuộc đối thoại. Không có sự tương tác nào hết. Cho dù có thêm những cuộc gặp gỡ trong tương lai, tôi không nghĩ vấn đề có thể được giải quyết theo cách này. Chúng tôi sẽ phải tiếp tục chiếm đóng đường phố”, Kevin Ko, 32 tuổi, một nhân viên bảo hiểm khẳng định.
Thanh Tùng
Tổng hợp