1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chinh phục “nhiệm vụ bất khả thi” trong chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan

(Dân trí) - Bắt nguồn từ chuyến phiêu lưu của đội bóng tại hang Tham Luang ở phía bắc Thái Lan, những gì diễn ra sau đó là câu chuyện kéo dài gần 3 tuần, kể về những giây phút sinh tử, sự chung tay của cộng đồng quốc tế và cả chiến thắng của hàng trăm con người khi vượt qua những điều tưởng chừng không thể.

Thái Lan huy động lực lượng đưa đội bóng mắc kẹt ra khỏi hang

Chuyến đi định mệnh

Xe đạp, balo và giày tập của đội bóng được tìm thấy bỏ lại ở khu vực gần cửa hang Tham Luang hôm 23/6. (Ảnh: AFP)
Xe đạp, balo và giày tập của đội bóng được tìm thấy bỏ lại ở khu vực gần cửa hang Tham Luang hôm 23/6. (Ảnh: AFP)

Sau một buổi tập bóng hôm 23/6, 12 thành viên trong đội bóng Lợn Rừng, tuổi từ 11-16, và huấn luyện viên 25 tuổi đã vào hang Tham Luang. Chuyến đi diễn ra khi chỉ còn một tuần nữa khu vực này bắt đầu bước vào mùa mưa.

Mọi chuyện có lẽ đã khác đi nếu một trận mưa lớn không bất ngờ ập tới và khiến hang Tham Luang nhanh chóng ngập trong nước. Tình thế này buộc đội bóng phải đi sâu hơn vào trong hang để tránh bị đuối nươc

Ông Narongsak Osottanakorn, cựu tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai, bắt đầu tổ chức một cuộc tìm kiếm với hy vọng có thể phát hiện vị trí của những người mắc kẹt. Tuy nhiên cuộc tìm kiếm này sau đó không mang lại kết quả khả quan nào.

Cận cảnh cuộc giải cứu gian nan bên trong hang Tham Luang

Ông Narongsak và các quan chức Thái Lan đã mở rộng chiến dịch tìm kiếm đội bóng. Họ đã tập hợp hàng chục đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan, hàng trăm binh sĩ, tình nguyện viên và nhân viên từ 20 cơ quan của chính phủ. Những người chỉ huy chiến dịch đã triển khai mọi hướng tiếp cận với hy vọng có thể đưa 13 người mắc kẹt ra ngoài.

Một số cách tiếp cận đã thất bại, bao gồm việc tìm kiếm một lối thoát khác ngoài cửa hang cũng như phương án khoan lỗ từ trên đỉnh núi và kéo các cầu thủ ra ngoài. Tuy nhiên, có hai phương án đã được triển khai thành công và phát huy hiệu quả: bao gồm việc sử dụng các máy bơm cỡ lớn để bơm nước từ trong hang ra ngoài và dựng đập để ngăn nước chảy từ ngoài vào hang.

Tìm thấy đội bóng

Hình ảnh đầu tiên về đội bóng Thái Lan được thợ lặn Anh tìm thấy trong hang Tham Luang (Ảnh: Nation)
Hình ảnh đầu tiên về đội bóng Thái Lan được thợ lặn Anh tìm thấy trong hang Tham Luang (Ảnh: Nation)

Để giúp sức cho các thành viên của đội đặc nhiệm Hải quân Thái Lan, những người chưa có nhiều kinh nghiệm về lặn trong hang, các chỉ huy của chiến dịch tìm kiếm đã nhờ tới các chuyên gia lặn hang động từ nước ngoài.

Rốt cuộc, mọi nỗ lực cũng mang lại kết quả khi hai thợ lặn người Anh tìm thấy đội bóng còn sống trong hang vào ngày 2/7. Một phép màu đã xảy ra khi thợ lặn John Volanthen tình cờ phát hiện ra đoạn dây thừng dẫn ông vào hang bị hết, buộc ông phải nổi lên mặt nước. Đúng vào khoảnh khắc đó, Volanthen đã thấy 13 cặp mắt đang nhìn chằm chằm vào ông. Nếu đoạn dây của Volenthen ngắn hơn vài mét, có lẽ ông đã không thể nhìn thấy đội bóng ở trong hang và mọi chuyện đã rẽ sang một hướng khác.

Cuộc trò chuyện video đầu tiên của đội bóng nhí Thái Lan với bên ngoài

Không chỉ hỏi ông về đồ ăn, các cậu bé cũng muốn biết khi nào Volanthen và các thợ lặn có thể đưa chúng ra ngoài. Sau đó, 4 thợ lặn Thái đã ở lại trong hang với đội bóng, chăm sóc sức khỏe cho cả đội và tiếp tế khẩu phần ăn giàu protein cho các em. Và phải tới 6 ngày sau cuộc gặp định mệnh, chiến dịch giải cứu đưa đội bóng ra khỏi hang mới chính thức bắt đầu.

Giới chức Thái Lan nhận định việc đưa 12 cầu thủ và một huấn luyện viên qua những lối đi khúc khuỷu ngập nước trong hang Tham Luang thậm chí còn khó hơn so với việc tìm ra họ. Và nếu có triển khai phương án đó đi chăng nữa, các cậu bé cũng không biết bơi, chứ chưa nói đến việc biết sử dụng thiết bị lặn để rời khỏi hang.

Chiến dịch giải cứu

Đặc nhiệm hải quân Thái Lan tiến vào hang Tham Luang trong chiến dịch giải cứu đội bóng. (Ảnh: NYT)
Đặc nhiệm hải quân Thái Lan tiến vào hang Tham Luang trong chiến dịch giải cứu đội bóng. (Ảnh: NYT)

Rốt cuộc, các nhà chức trách Thái Lan cũng nhất trí với phương án sử dụng một nhóm nhỏ các thợ lặn để đưa các cầu thủ ra ngoài. Hai thợ lặn sẽ bơi kèm một cậu bé và cơ thể của họ sẽ được kết nối với nhau trong quá trình bơi khỏi hang. Các cậu bé cũng được đeo mặt nạ dưỡng khí trùm kín mặt để giúp các em thở dễ đàng hơn dưới nước.

Chiến dịch giải cứu thành công cũng phụ thuộc vào việc đặt các bình dưỡng khí dọc theo lối đi trong hang. Và cũng chính điều này đã cướp đi sinh mạng của thợ lặn 38 tuổi Saman Kunan khi cựu đặc nhiệm Thái Lan này gặp tai nạn trong lúc đặt bình khí tại hang Tham Luang.

Chinh phục “nhiệm vụ bất khả thi” trong chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan - 4

do-hoa-3-15311794651741772567620

Hai đồ họa mô tả quá trình các thợ lặn hộ tống các cầu thủ nhí đi qua nút thắt "tử thần" khoảng 38 cm. (Ảnh: Dailymail)

Vào ngày 8/7, 18 thợ lặn, trong đó có 13 thợ lặn nước ngoài và 5 đặc nhiệm Thái Lan, đã tiến vào hang và giải cứu thành công 4 cầu thủ đầu tiên. Đợt giải cứu thứ hai diễn ra một ngày sau đó, cũng với đội thợ lặn như đợt đầu tiên và đưa tiếp 4 cầu thủ nữa ra ngoài. So với đợt giải cứu đầu tiên, đợt thứ hai diễn ra trong thời gian ngắn hơn do các thợ lặn đã rút được kinh nghiệm.

Đợt giải cứu cuối cùng có sự tham gia của ít nhất 12 thợ lặn. Toàn bộ những người còn lại trong hang, gồm 4 cầu thủ và một huấn luyện viên được hộ tống ra ngoài hang an toàn. Đợt giải cứu này chỉ mất chưa đầy 9 giờ, bắt đầu tính từ thời điểm các thợ lặn vào hang cho đến khi họ trở ra với 5 người bị mắc kẹt. Tất cả đều được đưa tới bệnh viện để thăm khám sức khỏe ngay lập tức.

Khó khăn chồng chất

Các thợ lặn bám dây thừng di chuyển qua các lối đi ngập nước trong hang (Ảnh: Getty)
Các thợ lặn bám dây thừng di chuyển qua các lối đi ngập nước trong hang (Ảnh: Getty)

Đội cứu hộ đã phải chạy đua với thời gian vì lo ngại những trận mưa lớn sẽ quay trở lại khiến nước trong hang dâng lên cao hơn. Hơn nữa, lượng oxy trong hang có xu hướng giảm dần cũng là thách thức khiến các thợ lặn muốn đẩy nhanh tốc độ đưa đội bóng ra khỏi hang. Trong khi đó, ở bên ngoài hang các máy bơm vẫn hoạt động hết công suất để đưa nước ra khỏi hang nhiều nhất có thể. Các chuyên gia và tình nguyện viên vẫn miệt mài tìm kiếm các khe hở trên núi với hy vọng có thể khoan lỗ thông vào trong hang.

Thái Lan chạy đua thời gian giải cứu đội bóng bị mắc kẹt trong hang

Một thành viên của đội đặc nhiệm SEAL cho biết nếu nhìn vào những đồ họa được vẽ ra trên báo chí, chiến dịch giải cứu tưởng chừng rất dễ dàng. Tuy nhiên trên thực tế đó lại là một cuộc chiến sinh tồn đầy khó khăn. Các thợ lặn phải làm việc ít nhất 12 giờ mỗi ngày và quay trở về nơi nghỉ ngơi ngoài hang Tham Luang trong tình trạng kiệt sức.

Đoạn đường từ cửa hang tới nơi đội bóng bị mắc kẹt dài hơn 4km và gần như không có ánh sáng tự nhiên. Các thợ lặn vừa phải mang trên mình những thiết bị lặn, vừa phải hộ tống các em nhỏ không biết bơi lách qua những ngóc ngách ngập nước đục trong hang. Đây được xem là thách thức đối với cả những thợ lặn chuyên nghiệp nhất. Đó là chưa kể tới tâm lý căng thẳng và nỗi sợ hãi có thể xảy ra với các cầu thủ nhí khi lặn trong hang.

Hoàn thành “nhiệm vụ bất khả thi”

Các cầu thủ và huấn luyện viên được đưa tới bệnh viện sau khi rời hang (Ảnh: Nick Edwards)
Các cầu thủ và huấn luyện viên được đưa tới bệnh viện sau khi rời hang (Ảnh: Nick Edwards)

“Chúng tôi không chắc đây có phải là phép màu kỳ diệu hay không. Tất cả 13 chú Lợn hoang đều đã được giải cứu”, đặc nhiệm SEAL Thái Lan thông báo trên Facebook khi chiến dịch giải cứu kết thúc.

Người thân trong gia đình và bạn bè của các thành viên trong đội bóng đều hân hoan trước thông tin họ đã ra khỏi hang an toàn. Hàng trăm triệu người trên khắp thế giới cũng chia vui với họ.

“18 ngày mà tưởng chừng như nhiều năm trôi qua vậy”, Prayuth Jetiyanukarn, sư trụ trì một ngôi chùa ở thị trấn Mae Sai, nói trong sự xúc động.

Chinh phục “nhiệm vụ bất khả thi” trong chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan

Chiến dịch giải cứu đội bóng Lợn Rừng đã trở thành câu chuyện lan tỏa toàn cầu. Tính nhân văn và ý nghĩa cao đẹp của chiến dịch giải cứu là bức tranh tương phản với các cuộc chiến, những vụ thảm sát, những cuộc xung đột sắc tộc và các đang xảy ra tại một loạt quốc gia như Syria, Nam Sudan hay Yemen. Đối với nhiều người, chiến dịch giải cứu kỳ diệu tại Thái Lan là sự đối nghịch với hình ảnh những đứa trẻ nhập cư bị chia tách khỏi vòng tay của cha mẹ ở biên giới.

“Chúng tôi đã làm được điều mà không ai kỳ vọng là chúng tôi có thể hoàn thành. Đó là một nhiệm vụ bất khả thi”, ông Narongsak nhận định.

Thành Đạt

Theo New York Times