Chính biến Syria có làm thay đổi cục diện Trung Đông?
(Dân trí) - Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad không chỉ vẽ lại bản đồ Syria; nó còn định nghĩa lại động lực quyền lực của Trung Đông.
Cuộc chính biến tại Syria đánh dấu sự chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng, khốc liệt kéo dài gần 14 năm giữa chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và các nhóm đối lập, đồng thời mở ra một chương mới trong lịch sử Syria, sẽ có tác động lan rộng lớn các động lực chính trị trong khu vực Trung Đông.
Đất nước Syria vừa trải qua cuộc chính biến lớn khi lực lượng đối lập Hồi giáo do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu lật đổ một cách nhanh chóng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, đánh dấu sự chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng và khốc liệt kéo dài gần 14 năm, đồng thời chấm dứt hơn 60 năm cầm quyền của đảng Baath và sự kết thúc 54 năm cầm quyền của gia đình Assad.
Lần đầu tiên kể từ những năm 1970, Syria đang trải qua một sự sắp xếp lại sâu sắc. Sự thất bại của chính quyền Tổng thống Assad không chỉ đánh dấu sự sụp đổ của một chế độ mà còn là sự tan rã của một trục khu vực được Iran dày công xây dựng và được Nga hỗ trợ.
Hiện nay, lực lượng đối lập tại Syria đang nỗ lực bảo vệ thủ đô và ngăn chặn nguy cơ hỗn loạn trong khi xúc tiến các bước cần thiết cho một quá trình chuyển giao quyền lực dự kiến kéo dài 3 tháng. Syria giờ đây đứng trước ngưỡng cửa của thời khắc mang tính lịch sử mà những tác động của nó chắc chắn sẽ vượt ra xa khỏi biên giới nước này.
Tác động vượt ra ngoài biên giới
Mặc dù nhiều người trên khắp đất nước Syria hoan nghênh sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng cảm giác bất ổn mạnh mẽ về tương lai của đất nước vẫn rất rõ ràng. Trong khi các lãnh đạo của nhóm HTS đang nhanh chóng hành động để củng cố quyền lực và xây dựng chính quyền mới thì các tác nhân bên ngoài cũng tích cực vận động nhằm tác động đến kết quả và xây dựng mối quan hệ với chính phủ mới đang trong giai đoạn phôi thai hoặc thực hiện các bước để làm suy yếu khả năng gây ra mối đe dọa an ninh của chính phủ mới. Syria giờ đây đang trở thành điểm nóng của cuộc đua tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran và Israel. Sự sụp đổ của chế độ Assad không chỉ vẽ lại bản đồ Syria; nó còn định nghĩa lại động lực quyền lực của Trung Đông.
Một là, đối với Iran: Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad góp phần làm Tehran phải đối mặt với tương lai đầy thách thức khi vai trò trong khu vực bị suy yếu và dễ bị tổn thương bởi các "cơn địa chấn" chính trị trong khu vực. Đối với Tehran, Syria là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới các liên minh và lực lượng ủy nhiệm được thiết kế để chống lại ảnh hưởng của phương Tây và tăng cường vai trò của Iran ở Trung Đông. Cuộc chính biến tại Syria đã làm rạn nứt trục ảnh hưởng của Iran và báo hiệu nền tảng không vững chắc của dự án tư tưởng và chiến lược do Đại giáo chủ Ruhollah Khomeini khởi xướng.
Các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng các đảng phái chính trị mới ở Syria sẽ xa lánh Iran để cải thiện quan hệ với phương Tây, các quốc gia Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là Iran có thể mất quyền tiếp cận được đảm bảo vào Địa Trung Hải, nhưng họ vẫn có thể tập hợp lại với các lực lượng ủy nhiệm của mình ở Iraq và Yemen.
Hai là, đối với Nga: Việc hậu thuẫn cho chính quyền của Tổng thống Assad đã giúp Nga đảm bảo cho các căn cứ không quân và hải quân chiến lược ở Tartus và Khmeimim, củng cố sự hiện diện của nước này ở Đông Địa Trung Hải. Từ Syria, Nga đã triển khai sức mạnh vào Libya, Sahel và xa hơn nữa, củng cố chiến lược Trung Đông và châu Phi rộng lớn hơn của mình. Tuy nhiên, sự tan rã của chế độ Assad đang đe dọa những lợi ích này. Nếu thời gian tới Moscow buộc phải rút lui hoặc giảm đáng kể sự hiện diện, ảnh hưởng và sức mạnh của họ trong khu vực sẽ bị tác động đáng kể.
Ba là, đối với Thổ Nhĩ Kỳ: Ankara đang nổi lên như một thế lực hàng đầu trong việc định hình tương lai của khu vực khi "chơi ván bài" mạnh nhất của mình ở Syria. Với thành công trong việc hỗ trợ nhóm đối lập lật đổ chính quyền Tổng thống Assad, Ankara đã nhanh chóng định vị mình như một tác nhân then chốt trong việc định hình tương lai Syria. Có thể thấy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã điều chỉnh chiến lược một cách khéo léo, cải thiện quan hệ với các nước NATO và tận dụng những khoảng trống quyền lực để mở rộng ảnh hưởng. Ankara đã vượt qua cả Nga và Iran, củng cố ảnh hưởng của mình trong việc định hình bối cảnh hậu Assad, qua đó cho thấy vai trò ngày càng nổi lên của Thổ Nhĩ Kỳ như một thế lực mang tính quyết định trong cuộc chơi địa chính trị ở Trung Đông, thậm chí đóng vai trò lớn hơn trong bối cảnh địa chính trị xa hơn.
Bốn là, đối với Israel: Israel đã lợi dụng tình hình để giải giáp và làm suy yếu năng lực của Syria, đặc biệt là lực lượng không quân và hệ thống phòng không. Trong ba ngày đầu tiên kể từ khi ông Assad bị lật đổ, quân đội Israel đã tiến hành hơn 350 cuộc không kích ở hầu hết các tỉnh trên cả nước, nhắm vào nhiều cơ sở quân sự của Syria. Quân đội Israel nhanh chóng chiếm đoạt quyền kiểm soát nhiều vùng đất hơn ở Cao nguyên Golan bị chiếm đóng, tuyên bố rằng nhu cầu an ninh của Israel đòi hỏi phải mở rộng vùng đệm.
Đằng sau hậu trường, mặc dù việc lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad đã làm thay đổi, nhưng không kết thúc một loạt các cuộc đối thoại giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel về một loạt các thỏa thuận không chính thức đã có tác dụng điều chỉnh các lợi ích cạnh tranh.
Năm là, đối với các quốc gia Ả Rập: Các nước Ả Rập Đang tìm cách giữ vai trò lãnh đạo trong giai đoạn chuyển tiếp ở Syria và không mong muốn cuộc chính biến này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích và an ninh của họ. Với "Tầm nhìn 2030", các quốc gia Ả Rập đang hướng tới một Trung Đông an toàn, hòa bình và thịnh vượng. Hiện các quốc gia vùng Vịnh được coi là có năng lực để tái thiết Syria, với khả năng tài chính và chiến lược để ngăn chặn các xu hướng cực đoan. Rất có khả năng các bên trong khu vực sẽ tiến hành với mức độ thận trọng cao đối với Syria hậu Assad. Các chính phủ Ả Rập rất có thể sẽ dành thời gian để quan sát hành vi của HTS trước khi đưa ra quyết định táo bạo về cách thức tiếp cận chính quyền mới của đất nước.
Hơn nữa, một mối quan tâm đối với các quan chức ở nhiều nơi trên thế giới Ả Rập, đặc biệt là ở Abu Dhabi, Cairo và Riyadh, là các nhóm Hồi giáo và thánh chiến trên khắp Trung Đông có thể "được truyền động lực" từ cuộc chính biến ở Syria, qua đó làm đảo lộn trật tự chính trị, đe dọa tới an ninh khu vực.
Vai trò của các quốc gia Arab, đặc biệt là đối với quá trình tái thiết và hòa giải sẽ là yếu tố quyết định trong việc định hình tương lai của Syria.
Tương lai đầy bất định?
Cuộc chính biến tại Syria là cơn địa chấn chính trị với cường độ lớn nhất ở trung tâm Trung Đông, qua đó, cho thấy tầm quan trọng của Syria đối với các vận động địa chính trị trong khu vực. Lực lượng nắm quyền hiện nay ở Syria dự định tiến hành soạn thảo hiến pháp mới trong vòng 6 tháng và sau đó tổ chức một cuộc tổng tuyển cử. Hiến pháp mới sẽ quyết định Syria theo thể chế nghị viện, thể chế tổng thống hay kết hợp cả hai thể chế trên, từ đó bầu cử được tiến hành để người dân lựa chọn người lãnh đạo. Syria giờ đây đứng trước một ngã rẽ quan trọng với nhiều thách thức phải đối mặt. Quốc gia này có thể trở thành chiến địa của cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc, hoặc có thể là điểm khởi đầu cho một kỷ nguyên ổn định mới tại Trung Đông.
Một là, quá trình chuyển giao quyền lực còn nhiều thách thức. Ông Mohamed al-Bashir - Thủ tướng chuyển tiếp mới được bổ nhiệm của HTS đã tuyên bố rằng các ưu tiên là khôi phục an ninh và ổn định, tạo điều kiện cho người tị nạn hồi hương và giải quyết tình trạng đói nghèo và các dịch vụ thiết yếu để tái thiết đất nước. Thủ lĩnh của HTS Ahmad al Sharaa đã nhanh chóng truyền tải thông điệp về sự đoàn kết cho Syria cũng như không gây ra mối đe dọa nào đối với các nhóm thiểu số trong Syria hoặc phương Tây nhưng người ta vẫn lo ngại về việc liệu HTS có thực hiện được thông điệp đoàn kết của mình đủ mạnh hay không để ổn định đất nước.
Hơn nữa, Syria lại là một quốc gia đa dạng, mong manh và nghèo đói, kiệt quệ vì hơn một thập kỷ nội chiến khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời trong nước và ra nước ngoài và cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng trên diện rộng. Trong bối cảnh căng thẳng nội bộ dai dẳng giữa những nhóm dân cư không đồng nhất này, việc thành lập một chính quyền quốc gia thống nhất, độc lập thực sự là một thách thức.
Hai là, với sự chia rẽ sâu sắc về giáo phái, sắc tộc và khu vực của Syria, các quốc gia Ả Rập sẽ rất muốn ngăn chặn tình trạng mất quyền lực, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan hoặc các tác động lan sang các nước láng giềng. Điều quan trọng sắp tới là quá trình chuyển đổi chính trị của Syria phải được quản lý hiệu quả để có thể thành lập được một chính phủ hợp pháp, toàn diện và giảm nguy cơ về khả năng xảy ra xung đột mới.
Nhiều nhà phân tích chính trị đã từng ví von "Syria là lò nung của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối địch", từ các chiến binh thánh chiến đến những người Hồi giáo ôn hòa, những người theo chủ nghĩa thế tục và những người theo tư tưởng dân chủ, trong đó có nhóm thiểu số Cơ đốc giáo và Alawite. Do đó, nếu không làm tốt được việc tái thiết và xây dựng một chính phủ hợp pháp, toàn diện và hòa hợp, nội chiến Syria vẫn có thể tiếp diễn nếu những bên chiến thắng tìm cách trả thù, lực lượng đối lập chia rẽ và các thế lực nước ngoài cố gắng can thiệp.
Ba là, một vấn đề cũng không kém phần quan trọng đó là, quyền kiểm soát mà các nhóm khác nhau thực hiện đối với lãnh thổ ở Syria đã bỏ qua thực tế rằng nhiều nhóm trong số này dựa vào các thỏa thuận chắp vá với các nhà lãnh đạo và nhóm địa phương. Câu hỏi quan trọng hiện nay là số phận của các tài sản và cấu trúc của nhà nước Syria. Có vẻ như HTS muốn kế thừa các thể chế còn nguyên vẹn, nhưng các nhóm khác có thể tìm cách phá bỏ hoặc thay đổi các thỏa thuận đó. Vấn đề cấp bách nhất là mối quan hệ giữa các thỏa thuận tạm thời mới với người Kurd ở Syria, vì cách giải quyết vấn đề này sẽ quyết định mức độ ổn định nhanh chóng của Syria.
Bốn là, sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad đã gây ra một cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tái thiết, tạo dựng hòa bình và ổn định mà người dân Syria khao khát cũng như tác động đến cục diện khu vực. Chính các tác nhân nội bộ đã cho phép các nước láng giềng can thiệp vào việc đối ngoại của Syria và làm trầm trọng thêm các vấn đề. Syria từ lâu đã là chiến trường cho các cuộc giao tranh ủy nhiệm.
Ngay sau cuộc chính biến, các tác nhân bên ngoài đều tính toán và triển khai hành động nhằm theo đuổi mục tiêu chiến lược của mình. Mỹ tiến hành ít nhất 75 cuộc không kích ở Syria để ngăn chặn các lực lượng IS chiếm giữ vũ khí và quyền lực lãnh thổ trong giai đoạn chuyển tiếp dễ bị tổn thương này của nước này; Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc không kích do lo ngại về ảnh hưởng của người Kurd dọc theo biên giới của mình, còn Israel phát động tấn công phá hủy các tài sản quân sự của Syria ở nhiều địa điểm. Trong khi đó, Nga và Iran - hai đồng minh của chính quyền Assad đã vội vã rút quân hoặc tái bố trí lực lượng. Tehran đã sơ tán 4.000 nhân sự khỏi Syria, còn Nga quyết định rút quân khỏi các căn cứ quanh Syria và đưa lực lượng này tới căn cứ không quân Hmeimim ở bờ biển Địa Trung Hải. Hiện chưa rõ việc bố trí lại lực lượng này có phải là dấu hiệu cho một cuộc rút quân toàn diện hay không.
Năm là, trong thời gian tới, Syria có thể chứng kiến sự trở về quy mô lớn của người tị nạn Syria từ các nơi khác nhau trên thế giới, tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra tình trạng di dời mới cả bên trong và bên ngoài Syria. Gần mười 4 năm bạo lực kéo dài đã buộc 14 triệu người Syria phải rời bỏ nhà cửa và một nửa trong số này vẫn ở lại Syria, nơi họ phải chịu đựng những điều kiện nhân đạo khủng khiếp. Hơn 90% sống dưới mức nghèo khổ. 5,5 triệu người Syria sống ở Ai Cập, Jordan, Li Băng, Thổ Nhĩ Kỳ và những nơi khác đã phải chịu đựng nỗi đau về sự mất mát, ly tán, thiệt thòi và cơ hội kinh tế hạn chế.
Được trở về nhà là khát vọng cháy bỏng của những người tị nạn Syria nhưng thách thức với họ ở phía trước là không nhỏ khi một mặt là áp lực từ việc chính phủ chuyển tiếp mới kêu gọi người tị nạn trở về, mặt khác, áp lực ngày càng tăng đòi hồi hương đến từ các quốc gia đang tiếp nhận người tị nạn Syria. Tại châu Âu, một số quốc gia đã đình chỉ các yêu cầu tị nạn của người Syria sau khi chế độ Assad sụp đổ, bao gồm Áo, Bỉ, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Thụy Điển và Anh. Do đó, hậu quả của việc cưỡng bức hồi hương sớm, vội vã và trên diện rộng của người tị nạn Syria sẽ rất nghiêm trọng và có khả năng phản tác dụng, làm gia tăng áp lực lên các dịch vụ công, hạn chế khả năng tái hòa nhập bền vững, làm trầm trọng thêm căng thẳng xã hội và làm suy yếu cơ hội chuyển đổi thành công và hòa bình. Và thậm chí, việc này có thể dẫn đến các phong trào tị nạn mới ra khỏi Syria, làm mất ổn định thêm đất nước và khu vực.
Syria, vùng đất của các nền văn minh cổ đại, đã phải đối mặt với những thách thức to lớn trong thập niên qua. Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad đánh dấu bước chuyển mang tính lịch sử cho vùng đất này nhưng đây sẽ là một quá trình phức tạp và căng thẳng, nhất là nhằm hướng tới mục tiêu chuyển đổi sang một hệ thống ổn định tôn trọng sự đa dạng trong xã hội Syria và đảm bảo sự ổn định cho người dân Syria.
Bình minh của một kỷ nguyên mới cho Syria chắc chắn sẽ tác động đến tính hình địa chính trị Trung Đông nói chung. Những tác động lan tỏa sẽ được cảm nhận trên khắp Trung Đông theo vô số cách, phần lớn trong số đó sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa để nhận ra đầy đủ.