1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến tranh thương mại - “phát súng mở màn” cho cuộc đối đầu Mỹ - Trung

(Dân trí) - Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được dự đoán sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới và cuộc chiến thương mại hiện nay mới chỉ là “phát súng mở màn”.

Chiến tranh thương mại - “phát súng mở màn” cho cuộc đối đầu Mỹ - Trung - 1

Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He (giữa) chụp ảnh cùng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại vòng đàm phán thương mại thứ 10 ở Bắc Kinh hồi tháng 4. (Ảnh: Xinhua)

Điều đáng lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay đó là: Cuộc chiến này mới chỉ là sự khởi đầu.

Tổng thống Donald Trump quan tâm tới vấn đề cân bằng thương mại và thuế quan với Trung Quốc. Ông khao khát trở về thập niên 1950 khi nền công nghiệp Mỹ chiếm thế thượng phong.

Tuy vậy, đối với cộng đồng ngày càng đông đảo những tiếng nói “diều hâu” phản đối Trung Quốc tại Washington, việc thiết lập lại các điều khoản thương mại chỉ là phát súng mở màn cho cuộc xung đột lớn hơn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trong lúc các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc nỗ lực ngồi lại với nhau, dù vẫn không thể đạt được một thỏa thuận thương mại, vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến đi tới London, Anh. Thông điệp ông Pompeo muốn gửi tới Thủ tướng Anh Theresa May: Nếu tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc được phép tham gia xây dựng bất kỳ mạng lưới viễn thông 5G thế hệ mới nào tại Anh, chính quyền Anh có thể nói lời tạm biệt với mối quan hệ đồng minh đặc biệt với Mỹ.

Cách đó hàng nghìn km, các tàu chiến Mỹ vẫn đi lại qua Biển Đông. Lần đầu tập trận cùng các đội tàu của Nhật Bản, Philippines và Ấn Độ trên Biển Đông, Hải quân Mỹ cũng gửi đi một thông điệp tới Trung Quốc: Nếu Bắc Kinh tiếp tục biến các bãi đá tranh chấp tại vùng biển này thành các tiền đồn quân sự để thực thi yêu sách chủ quyền phi lý, Washington sẽ đáp trả bằng việc tiến hành thêm các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải.

Quay trở lại thủ đô Washington, những nghị sĩ Cộng hòa có tầm ảnh hưởng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với một nhóm vận động hành lang chống Trung Quốc mới. Nhóm này có tên gọi Ủy ban Đối phó Mối nguy hiểm hiện tại: Trung Quốc. Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz cùng đồng nghiệp Marco Rubio từ bang Florida và cựu Chủ tịch hạ viện Newt Gingrich là 3 trong số những nghị sĩ đưa ra cảnh báo rằng Trung Quốc đã khởi động một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Tổng thống Trump nói rằng ông hy vọng có thể dàn xếp vấn đề thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tháng tới. Trong khi đó, những tiếng nói “diều hâu” phản đối Trung Quốc tại Mỹ vẫn muốn tiếp tục áp thuế và về cơ bản, họ muốn tách biệt nền kinh tế của hai nước.

Tổng thống Trump vẫn tiếp tục đi theo con đường cứng rắn với Trung Quốc khi kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào các lĩnh vực nhạy cảm trong nền kinh tế Mỹ, đồng thời đặt ra các rào cản mới đối với sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học tại Mỹ.

Với những người than phiền rằng việc Mỹ áp thuế cao đã ảnh hưởng tới các công ty Mỹ đang triển khai nhà máy tại Trung Quốc, ông Trump đã có câu trả lời cho họ. Đó là đưa dây chuyền sản xuất về Mỹ. Việc tách rời chuỗi cung ứng của Mỹ và Trung Quốc cũng giúp khôi phục lại độc lập dân tộc, theo Financial Times.

Đối thủ tiềm tàng

Chiến tranh thương mại - “phát súng mở màn” cho cuộc đối đầu Mỹ - Trung - 2

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina năm 2018. (Ảnh: Reuters)

Mãi cho tới gần đây, Trung Quốc mới bị coi là đối thủ kinh tế của Mỹ với lối chơi không công bằng. Trung Quốc bị cáo buộc gian lận hệ thống kinh tế bằng cách thao túng thương mại và quy tắc đầu tư, buộc các đối tác phương Tây phải chuyển giao công nghệ nếu muốn hợp tác và đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Tại Mỹ, làn sóng giận dữ về các hành vi thương mại của Trung Quốc đã lôi kéo sự tham gia của nhiều nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa. Châu Âu cũng bày tỏ sự bất bình về các điều kiện đầu tư cản trở của Trung Quốc cũng như các quy tắc thương mại không cân xứng.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang lan sang một cuộc chiến khác đáng báo động hơn. Đó là khi kinh tế gắn với địa chính trị.

Trong gần như mọi ngóc ngách tại Nhà Trắng và Quốc hội, người ta có thể nghe thấy rằng, Trung Quốc bây giờ không chỉ là đối thủ kinh tế nguy hiểm mà còn là mối đe dọa ngày càng lớn đối với Mỹ. Trung Quốc có thể không nuôi tham vọng về hệ tư tưởng như Liên Xô trước đây, nhưng Bắc Kinh thực sự đe dọa vị trí độc tôn của Mỹ. Như vậy, Mỹ cần nhiều hơn một “sàn đấu” để đối phó với thách thức từ Trung Quốc.

Sự thay đổi trong toan tính của Mỹ đã được thể hiện trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump và Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Lầu Năm Góc.

“Trung Quốc đang sử dụng sự lôi kéo về kinh tế, các hình phạt, các chiến dịch gây ảnh hưởng và cả những lời đe dọa ngầm về quân sự để thuyết phục các nước khác đi theo chương trình an ninh và chính trị của mình”, Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ cảnh báo.

Về vấn đề Biển Đông, chiến lược của Mỹ nhận định: “Trung Quốc đã đẩy nhanh chiến dịch hiện đại hóa quân sự nhằm hạn chế sự tiếp cận của Mỹ với khu vực này và giúp Trung Quốc rảnh tay hơn”.

“Trong nhiều thập niên, chính sách của Mỹ bắt nguồn từ niềm tin rằng sự ủng hộ dành cho việc Trung Quốc trỗi dậy và tham gia vào trật tự quốc tế thời hậu chiến sẽ giúp tự do hóa đất nước này. Nhưng ngược lại với hy vọng của chúng ta, Trung Quốc đang mở rộng quyền lực bằng cách đánh đổi chủ quyền của nước khác. Trung Quốc đang xây dựng lực lượng quân sự tinh nhuệ và được đầu tư tốt nhất thế giới, sau lực lượng của chúng ta. Mục tiêu của Trung Quốc là, bá chủ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong tương lai gần và đẩy lùi Mỹ để giành được vị trí số một toàn cầu trong tương lai”, chiến lược quốc phòng của Mỹ nhận định.

Không vấn đề nào khiến Mỹ “đau đầu” hơn vấn đề công nghệ. Ngoài đòn giáng tạm thời khi để thua Liên Xô trong cuộc đua không gian vũ trụ trong thập niên 1950, Mỹ luôn tự tin dẫn đầu về công nghệ so với các đối thủ. Tuy nhiên thực tế này không còn nữa. Các nghị sĩ, chuyên gia gần đây đã lo ngại rằng Trung Quốc giành được lợi thế trong việc phát triển công nghệ số 5G và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào tham vọng quân sự của nước này.

Mỹ không thể phủ nhận mối đe dọa từ Trung Quốc, song việc Washington coi Bắc Kinh như một đối thủ có thể dẫn tới cuộc đối đầu giữa hai nước. Trung Quốc không “ngây thơ”, bằng chứng là các cáo buộc tấn công mạng của nước này nhằm vào các lực lượng quân sự và cơ sở hạ tầng thiết yếu của phương Tây. Những gì Mỹ và Trung Quốc cần làm hơn hết là tìm ra tiếng nói chung để tránh căng thẳng leo thang. Nếu không, cả hai sẽ cùng đi tới một cuộc chiến “nóng” hơn trong tương lai.

Thành Đạt

Tổng hợp