1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chiến tranh mạng đang dần định hình

(Dân trí) – Quân đội các nước trên thế giới đang ra sức “chiêu mộ” các chuyên gia máy tính trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy “chiến tranh mạng” đang dần định hình và sẽ giữ vai trò trung tâm trong các cuộc xung đột của thế kỷ 21.

Chiến tranh mạng đang dần định hình  - 1

Quân đội Mỹ đang trở thành mục tiêu của chiến tranh mạng do quá lệ thuộc vào hệ thống máy tính

Trước tâm lý lo ngại gia tăng về nguy cơ "chiến tranh mạng", các chuyên gia công nghệ và ngay cả đội ngũ tin tặc lành nghề đang ngày càng trở nên đắt giá.

Vào tháng 12/2011, Lục quân Mỹ thông báo "đơn vị mạng" đầu tiên của họ đã đi vào hoạt động. Hải quân và Không quân Mỹ sau đó cũng lập tức tung ra các "hạm đội" và "phi đội" mạng riêng.

Đây là những bước đi cần thiết trong bối cảnh Lầu Năm Góc cho biết trung bình mỗi ngày hệ thống máy tính của cơ quan này bị tấn công tới hàng triệu lần, trong khi các vụ  thâm nhập trái phép vào hệ thống trang web của chính phủ và các công ty quốc phòng Mỹ diễn ra gần như “cơm bữa” suốt từ năm 2002. Gần đây nhất, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng đã bị nhóm tin tặc "Anonymous" (Ẩn danh) bất ngờ “hỏi thăm” khi cho đăng tải trên mạng YouTube đoạn ghi âm trao đổi trong cuộc họp trực tuyến mật giữa các quan chức FBI với cảnh sát Anh về các cuộc điều tra tội phạm mạng.

Không chịu thua kém Mỹ, các nước châu Âu, Mỹ Latinh, châu Á và Trung Đông cũng nhanh chóng nối gót trong việc chuẩn bị "đội ngũ chiến binh" cho các cuộc chiến tranh mạng tiềm ẩn trong tương lai. Rất nhiều trung tâm máy tính của quân đội đã được dựng lên, khác xa với thời điểm cách đây vài năm khi hầu hết quân đội các nước còn gần như không để ý tới Internet. Các trung tâm này đã góp phần đào tạo hàng trăm, thậm chí hàng nghìn quân nhân.

Trong số các nước đầu tư mạnh vào công nghệ chiến tranh mạng, Trung Quốc và Nga giữ vai trò tiên phong hơn cả với hy vọng có thể đối trọng với ưu thế của Mỹ về quân sự truyền thống. Các tài liệu rò rỉ từ trạng mạng WikiLeaks cũng cho thấy chính phủ Mỹ đang rất lo lắng vì Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược thuê các hackers hàng đầu để khởi động chiến dịch chiến tranh qua mạng với Mỹ.

Tất nhiên, giữa việc chiêu nạp, tuyển dụng các chuyên gia máy tính với việc tiến hành các cuộc chiến tranh mạng vẫn là một khoảng cách rất xa. Điều này không chỉ đúng với Nga và Trung Quốc, mà càng đúng đối với giới tướng lĩnh phương Tây, những người đã sa lầy vào các cuộc chiến trên bộ hàm lượng kỹ thuật thấp ở Iraq và Afganistan trong suốt một thập kỷ qua.

Theo nhận định chung của giới chuyên gia quân sự thế giới, viễn cảnh của một cuộc chiến trong tương lai sẽ là những người lính với những chiếc bàn phím trong hầm tối thay vì cầm những khẩu M-16 xung phong trên mặt trận. Đó là lý do vì sao quân đội các nước hiện nay có xu hướng dành sự quan tâm cho các chiến dịch an ninh mạng nhiều hơn là chiến dịch an ninh truyền thống. 

Vũ Anh

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm