1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra khi xung đột Ukraine leo thang?

Thành Đạt

(Dân trí) - Các chuyên gia bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân sau loạt động thái leo thang căng thẳng gần đây giữa Nga, Ukraine và phương Tây.

Chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra khi xung đột Ukraine leo thang? - 1

Lính Nga khai hỏa pháo về phía lực lượng Ukraine (Ảnh: Sputnik).

Gần 3 năm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã "bật đèn xanh" cho Ukraine tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa do Washington cung cấp.

Quân đội Ukraine đã nhanh chóng tận dụng cơ hội. Vào ngày 19/11, Ukraine đã sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) tấn công vào vùng biên giới Nga.

Trước đó, Mỹ và các đồng minh NATO từng do dự trong việc cung cấp các loại vũ khí tinh vi như ATACMS cho Ukraine để thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, vì lo ngại Moscow sẽ tấn công đáp trả vào các địa điểm của NATO, hoặc thậm chí leo thang hạt nhân.

Đề cập đến lo ngại này, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/11 đã ký một phiên bản mới của học thuyết hạt nhân, về mặt lý thuyết có thể cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột.

Học thuyết hạt nhân mới cho phép Nga tấn công hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường - như tên lửa tầm xa mà Ukraine đang được phép sử dụng - nếu cuộc tấn công đó liên quan đến "sự tham gia hoặc hỗ trợ của một cường quốc hạt nhân". Điều này dường như ám chỉ Mỹ và các nước thành viên NATO khác trong việc hỗ trợ Ukraine.

Khả năng mới của Ukraine trong việc sử dụng tên lửa tầm xa hơn để tấn công lãnh thổ Nga, và việc Tổng thống Putin phê duyệt các quy tắc hạt nhân mới, một lần nữa đặt ra câu hỏi: Liệu cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể leo thang thành một cuộc xung đột hạt nhân không?

Trong suốt cuộc xung đột Ukraine, các chuyên gia không thực sự tin rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, sự leo thang nhanh chóng của cuộc xung đột trong những tuần gần đây, đặc biệt là học thuyết hạt nhân mới của Nga, khiến một số chuyên gia lo ngại khả năng xảy ra kịch bản này.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Putin và các quan chức cấp cao khác của Nga đã đưa ra tuyên bố rằng Nga có thể bị đẩy vào tình thế buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng, nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là thấp, nhưng không phải là không có.

Phiên bản trước đây của học thuyết hạt nhân Nga nêu rõ nước này sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân của mình trong 4 trường hợp: nhận được dữ liệu đáng tin cậy về một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo; tấn công hạt nhân hoặc các cuộc tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt khác nhằm vào Nga hoặc các đồng minh của Nga; tấn công vào cơ sở hạ tầng hạt nhân của Nga; hoặc các cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa "sự tồn tại" của nhà nước Nga. Theo học thuyết mới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các cuộc tấn công như Ukraine tiến hành hôm 19/11 có thể dẫn đến phản ứng hạt nhân.

Tuy nhiên, Samuel Charap, chuyên gia về chính sách Nga và Á - Âu và nhà khoa học chính trị cấp cao tại Tập đoàn RAND, nói rằng sự thay đổi của học thuyết hạt nhân không nên được coi là phản ứng của Nga đối với cuộc tấn công của Ukraine.

"Học thuyết mới đã được xây dựng trong một thời gian dài. Thời điểm phê chuẩn học thuyết có thể liên quan đến quyết định tấn công, nhưng bản chất của kế hoạch này đã được chuẩn bị trong một khoảng thời gian trước đó", chuyên gia Charap cho biết.

Chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra khi xung đột Ukraine leo thang? - 2

Hệ thống tên lửa ATACMS (Ảnh: Reuters).

Các chuyên gia cho rằng Tổng thống Putin và các quan chức khác không có sự chuẩn bị rõ rệt cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, khi xung đột tiếp diễn, các mối đe dọa nhằm vào Nga trở nên rõ ràng hơn và Moscow chứng minh năng lực hạt nhân. Hồi tháng 7, Nga và Belarus đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung để chứng minh năng lực hạt nhân chiến thuật của Nga.

Ban đầu, Mỹ và NATO đã phản ứng thận trọng trước những lời đe dọa của Nga, từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine hoặc áp đặt các hạn chế đối với việc sử dụng chúng. Nhưng trong 3 năm qua, khi Tổng thống Putin không đưa ra nhiều lời đe dọa về chiến tranh hạt nhân và xung đột với NATO, các nước phương Tây đã cho Ukraine tiếp cận các hệ thống vũ khí ngày càng hiện đại.

Bên cạnh nguy cơ chiến tranh hạt nhân, các đồng minh của Ukraine cũng phải cân bằng mối lo ngại rằng họ có thể bị lôi kéo trực tiếp hơn vào cuộc xung đột. Mặc dù Ukraine không phải là thành viên của liên minh quân sự NATO, nhưng Tổng thống Putin trước đây đã cảnh báo rằng việc cho phép sử dụng tên lửa tầm xa như những tên lửa được Ukraine sử dụng hôm 19/11, để tấn công lãnh thổ Nga sẽ được coi là một cuộc tấn công của NATO vào Nga.

Các quan chức Mỹ cho biết họ đã dự đoán được phản ứng từ Nga, nhưng những cảnh báo của các quan chức Nga chỉ được coi là lời lẽ kích động và sẽ không gây ra bất kỳ thay đổi nào trong hành động của Mỹ. Điều đó cho thấy Washington không tin rằng sẽ có nhiều nguy hiểm khi Nga sử dụng năng lực hạt nhân trong thời gian tới.

"Nga chưa bao giờ cảnh báo rõ ràng, ở cấp độ chính thức, rằng họ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả X, Y hoặc Z", chuyên gia Charap cho biết.

"Lằn ranh đỏ rõ ràng duy nhất mà họ từng vạch ra là về việc sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ hoặc phương Tây để tấn công vào Nga, nhưng lằn ranh này hiện đã bị vượt qua. Vì vậy, tôi có thể tưởng tượng mọi người sẽ dự đoán phản ứng của họ, và sẽ không chỉ bằng lời nói", chuyên gia Charap nói thêm.

Sau 1.000 ngày giao tranh, cuộc xung đột Ukraine dường như đang tiến gần đến bế tắc. Không có con đường rõ ràng nào dẫn đến chiến thắng quyết định cho cả hai bên. Mỗi bên đang triển khai các chiến thuật mới để cố gắng giành lợi thế: Ukraine với tên lửa tầm xa hơn; Nga với những tân binh được cho là từ Triều Tiên.

Và bây giờ, Nga và Mỹ dường như chỉ đơn giản là đáp trả lại sự leo thang của nhau: Nga được cho là đưa quân đội Triều Tiên vào chiến trường, Mỹ đáp trả bằng cách cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa hơn và Nga công bố học thuyết hạt nhân mới.

"Bạn đang ở trong một vòng xoáy ăn miếng trả miếng, trong đó hành động của bạn không bị thúc đẩy bởi mục tiêu của bạn, mà bằng cách phản công lại những gì bên kia đang làm. Điều đó chỉ đi theo một hướng, đó là tiếp tục gia tăng rủi ro. Vòng xoáy này sẽ tiếp tục cho đến khi một bên mất kiểm soát hoặc một bên quyết định dừng lại", chuyên gia Charap nhận định.

Theo Vox