1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến thuật dựng "lưới lửa" giúp Nga đánh chặn UAV tập kích lãnh thổ

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga được cho là đã dựng các tháp phòng không tương tự hệ thống của Đức trước đây để đối phó với các cuộc tấn công bằng UAV.

Chiến thuật dựng lưới lửa giúp Nga đánh chặn UAV tập kích lãnh thổ - 1

Các hệ thống phòng không được đặt trên tháp cao ở Nga (Ảnh: Defence-blog).

Nhằm đối phó với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine vào Moscow và các mục tiêu khác bên trong lãnh thổ Nga, lực lượng phòng không Nga đang triển khai lại hệ thống có từ thời Thế chiến thứ hai: các tháp phòng không.

Nga đang xây dựng các hệ thống mà một số nhà quan sát ví như "tháp phòng không" được Đức sử dụng trong chiến tranh trước đây. Những tháp phòng không này từng là những cấu trúc bê tông khổng lồ cao tới 70m, tương đương với tòa nhà 21 tầng, và được trang bị pháo phòng không để bảo vệ các thành phố của Đức khỏi máy bay ném bom của quân Đồng minh.

Chiến thuật dựng lưới lửa giúp Nga đánh chặn UAV tập kích lãnh thổ - 2

Một tháp phòng không ở Hamburg vào ngày 3/5/1945 (Ảnh: AP).

Các tháp được Nga xây dựng bên ngoài thủ đô Moscow không lớn bằng các tháp của Đức trước đây. Chúng dường như là những công trình trên cao với hệ thống phòng không di động Pantsir được đặt phía trên.

Đánh giá qua các bức ảnh cho thấy, một số tháp dường như cao chỉ cao tương đương tòa nhà 5-7 tầng. Không có đoạn dốc nào nhìn thấy được quanh tháp, do vậy hệ thống Pantsir có lẽ đã được đưa vào vị trí bằng cần cẩu hoặc trực thăng hạng nặng.

Các tháp khác của Nga dường như thấp hơn, giống như những đoạn dốc trên cao khoảng 6m.

Hệ thống phòng không Pantsir đã được triển khai trên nóc các tòa nhà chính phủ ở Moscow, nhưng các công trình mới dường như được xây dựng nhằm mục đích sử dụng cho các khẩu đội phòng không.

Chiến thuật dựng lưới lửa giúp Nga đánh chặn UAV tập kích lãnh thổ - 3

Hệ thống phòng không Pantsir S-1 đặt trên nóc tòa nhà Bộ Quốc phòng Nga ở Moscow (Ảnh: Getty).

Động thái này diễn ra sau nhiều cuộc tấn công bằng UAV vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc này.

Theo BBC, ước tính đã có hơn 190 cuộc tấn công bằng UAV vào các khu vực trong lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea. Mặc dù các mục tiêu bị tập kích chủ yếu ở phía tây Nga gần biên giới Ukraine, nhưng một số cuộc tấn công đã lan rộng đến tận thành phố St. Petersburg và hơn 10 cuộc tấn công vào Moscow.

Đầu tháng 5, hai UAV được cho là của Ukraine đã tiếp cận ngay phía trên Điện Kremlin, một trong những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ đạo tăng cường hệ thống phòng không cho Moscow nói riêng và các khu vực khác của Nga nói chung.

Các tháp phòng không không phải là vũ khí đầu tiên có tuổi đời hàng chục năm được sử dụng khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Cả Nga và Ukraine đều dựa vào các loại vũ khí trang bị tốt, đặc biệt là pháo binh, nhưng cũng triển khai những khẩu pháo phòng không có tuổi đời hàng chục năm để đối phó tên lửa và UAV của đối phương.

Một câu hỏi đặt ra là hệ thống phòng không mới của Nga có khả năng bảo vệ đến mức nào. Việc đặt các hệ thống phòng không ở trên cao hơn sẽ mở rộng phạm vi phát hiện và tầm bắn của Pantsir, hệ thống gồm ba phương tiện bao gồm radar, tên lửa đất đối không tầm trung và súng phòng không kép 30mm.

Do Nga là một đất nước rộng lớn, nên các hệ thống phòng không này chỉ có thể cung cấp khả năng phòng thủ cho một số địa điểm nhất định như căn cứ không quân và các thành phố lớn.

Theo truyền thông Nga, trong nhiều năm qua, nhằm bảo vệ thủ đô Moscow, Nga triển khai hàng loạt hệ thống phòng vệ như S-500, S-400, S-300, Pantsir-S, S-350. Các tổ hợp này sẽ hoạt động bọc lót cho nhau, chuyên nhận nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu từ tầm gần cho tới tầm xa. Hệ thống phòng thủ đa tầng giúp cho Nga nhận được thông tin cảnh báo sớm về mối đe dọa nhằm vào Moscow và có phương án đánh chặn cụ thể.

Tuy nhiên, sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng, trong đó sự nguy hiểm của máy bay không người lái đã gây ra một mối đe dọa mới.

Theo Business Insider