1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cách Tổng thống Trump đối phó làn sóng chỉ trích của dư luận

(Dân trí) - Ngay cả khi bị chỉ trích vì những sai lầm, Tổng thống Donald Trump cũng không thừa nhận, thậm chí coi đó là những thành công của mình để có thể tiếp tục tiến về phía trước.

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Metro)
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Metro)

Ước tính khoảng 3.000 người đã thiệt mạng khi “siêu bão” Maria tàn phá Puerto Rico vào năm ngoái. Nhiều khu vực rộng lớn trên hòn đảo này phải sống trong cảnh mất điện suốt nhiều tháng. Theo một báo cáo của chính quyền liên bang, Cơ quan Đối phó Tình trạng Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) đã thiếu hàng nghìn nhân sự cũng như không đánh giá đủ số lượng thực phẩm và hàng cứu trợ cần thiết trong quá trình khắc phục hậu quả của bão.

Tuy nhiên trong suy nghĩ của Tổng thống Donald Trump, những gì chính quyền Mỹ đã làm để ứng phó với cơn bão Maria là “thành công”. Ông Trump gần đây cũng nhắc lại thành công này trong một bình luận trên Twitter khi siêu bão “quái vật” Florence được dự đoán sắp đổ bộ vào Carolina.

“Chúng tôi nhận được điểm A+ cho hoạt động cứu trợ bão lũ gần đây ở Texas và Florida (và chúng tôi từng làm một công việc tuyệt vời, song không được ghi nhận, ở Puerto Rico mặc dù đây là một hòn đảo khó tiếp cận với hệ thống điện lưới yếu kém còn thị trưởng San Juan (Puerto Rico) là người hoàn toàn thiếu năng lực”, Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 12/9.

Theo Washington Post, đây là chiến thuật thường dùng của Tổng thống Donald Trump khi ông tìm cách “nâng tầm” một thất bại hoặc một sai lầm và coi điều đó là một thành công lớn, đồng thời công kích những người chỉ trích ông. Trong khi những người không ưa Tổng thống Trump không tiếc lời chỉ trích thì những người ủng hộ nhà lãnh đạo Mỹ nhận định ông là nhà kinh doanh lão luyện, biết sử dụng những lời hoa mỹ và luôn biết cách phô diễn sức mạnh của mình.

“Đừng bao giờ lùi một tấc, hay thừa nhận bất kỳ sai lầm nào trước công chúng”, cựu trợ lý Sam Nunberg mô tả cách suy nghĩ của Tổng thống Trump.

Trong nội bộ chính quyền Mỹ, việc Tổng thống Donald Trump sa thải ông James B. Comey khỏi vị trí giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) vào tháng 5/2017 được nhiều người đánh giá là sai lầm đầu tiên kéo theo hàng loạt vấn đề khác của Nhà Trắng, bao gồm cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt gây không ít phiền toái cho nhà lãnh đạo Mỹ. Tổng thống Trump sau đó tiếp tục vấp phải sự chỉ trích khi sa thải hàng loạt trợ lý cấp cao như Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, Cố vấn Nhà Trắng Donald McGahn và Chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Stephen K. Bannon.

Tuy nhiên, thay vì thể hiện sự tiếc nuối, Tổng thống Trump đã ca ngợi việc sa thải ông Comey là một quyết định thông minh. “Tôi đã làm một việc tốt cho mọi người khi sa thải ông ta”, ông Trump viết trên Twitter vào mùa hè năm nay.

Tổng thống Trump phải đối mặt với làn sóng chỉ trích của dư luận, thậm chí từ chính những người ủng hộ ông, vì đã ngả về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp cấp cao đầu tiên tại Helsinki, Phần Lan hồi tháng 7. Tuy nhiên, đối với Tổng thống Trump, ông gọi đây là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất bên cạnh người đồng cấp Nga. “Một trong những cuộc gặp tuyệt vời nhất của tôi là với ông Vladmir Putin”, ông Trump tuyên bố hồi đầu tháng 9.

Tuần này, Tổng thống Trump tiếp tục nhắm mục tiêu tới cuốn sách mang tên “Nỗi sợ hãi: Trump tại Nhà Trắng” của tác giả Bob Woodward. Cuốn sách này đã thu hút sự chú ý của dư luận khi mô tả Nhà Trắng của ông Trump là thiếu năng lực và đứng trên bờ vực sụp đổ. Tổng thống Trump ngay lập tức chỉ trích cuốn sách này là “một trò lừa đảo”, đồng thời khẳng định Nhà Trắng dưới sự lãnh đạo của ông là “cỗ máy vận hành trơn tru”.

Chiến thuật đặc biệt

Tổng thống Trump trong chuyến thăm hỏi người dân Puerto Rico vào tháng 10/2017 sau siêu bão Maria (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump trong chuyến thăm hỏi người dân Puerto Rico vào tháng 10/2017 sau siêu bão Maria (Ảnh: Reuters)

Theo các trợ lý của Tổng thống Trump, việc ông có xu hướng bảo vệ các thất bại của mình xuất phát từ nhiều yếu tố. Ông Trump thường bị ám ảnh bởi những bản tin tiêu cực trên truyền thông, thậm chí trong khoảng thời gian rất lâu ngay cả khi câu chuyện đã lắng xuống. Ông chủ Nhà Trắng tin rằng có thể thay đổi được cách truyền thông đưa tin bất lợi về ông. Ông Trump cũng thường khoa trương bản thân, bất chấp ai là người đang đứng trước mặt ông hay chủ đề được nhắc tới là gì.

Đôi khi, Tổng thống Trump sẽ tìm cách “phủ đầu” dư luận nếu ông phán đoán rằng làn sóng chỉ trích sắp ập đến với ông, chẳng hạn như dòng tweet được ông đăng tải trước khi bão Florence đổ bộ vào Florida. Ông Trump đã nói với các trợ lý cấp cao của mình rằng những người ủng hộ sẽ tin vào những gì ông nói.

Tuy vậy, theo Washington Post, chiến thuật của Tổng thống Trump đôi khi cũng khiến các trợ lý xung quanh ông rơi vào tình huống khó xử. Khi bình luận về nỗ lực khắc phục hâu quả của chính quyền Trump sau siêu bão ở Puerto Rico năm ngoái, ông Trump đã nhanh chóng chuyển hướng dư luận. Thay vì thanh minh về cách xử lý được cho là chưa ổn thỏa trong một tình huống khó khăn như vậy, ông Trump tuyên bố những gì chính quyền của ông đã làm là không thể tốt hơn.

“Đó là một trong những công việc thành công nhất”, ông Trump tuyên bố trước các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 11/9.

Phát biểu của ông Trump ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích và nghi vấn từ dư luận. Họ thắc mắc rằng làm thế nào mà ông Trump có thể coi nỗ lực cứu trợ thảm họa là thành công trong khi có tới gần 3.000 người thiệt mạng ở Puerto Rico do cơn bão.

“Chúng ta đều biết là không có điểm A+ nào trong cách đánh giá về công tác cứu trợ thảm họa. Con số đó không tồn tại”, Marc Ferzan, người từng dẫn đầu chiến dịch khắc phục hậu quả sau bão Sandy ở New Jersey và hiện là nhà tư vấn, cho biết.

Giới quan sát và những người chỉ trích Tổng thống Trump cho rằng việc ông không bao giờ thừa nhận sai lầm, thay vào đó ông còn tiến thêm một bước và tuyên bố những sai lầm đó là quyết định khôn ngoan, từ lâu đã trở thành một phần trong cách ông vận hành mọi việc.

“Một trong những điểm mạnh rất lớn của Donald Trump là ông ấy sống trong thế giới riêng của mình. Thế giới đó luôn tồn tại những câu chuyện về việc ông ấy đã thành công như thế nào và ông ấy vĩ đại ra sao. Đây cũng là một trong những yếu tố cho phép ông ấy luôn tiến về phía trước sau khi mắc sai lầm”, Timothy O’Brien, một người viết tiểu sử lâu năm của Tổng thống Trump, nhận định.

Thành Đạt

Theo Washington Post