1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến sự vùng Idlib ở Syria: Một chiến, một đấu

Tình hình tại Syria lại nổi lên với chiến sự vùng Idlib. Thực chất cục diện hiện nay? Chiến sự liệu có đến hồi kết? .

Chiến sự vùng Idlib ở Syria: Một chiến, một đấu - 1

Sự bất đồng quan điểm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có vẻ như ngày càng thêm tăng chứ không giảm bớt. Minh họa của News Observatory.

Thực chất cục diện hiện nay

Nhìn vào những biểu hiện ra bên ngoài thì diễn biến tình hình chính trị và quân sự ở Syria và mọi chuyện liên quan đến Syria đang trở nên ngày càng thêm phức tạp và gay cấn. Quân đội chính phủ Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã có vài lần trực tiếp giao tranh với nhau ở vùng Idlib của Syria. Hai bên khẩu chiến nhau công khai cũng khá quyết liệt. Mọi ngôn từ và mức độ đe doạ và cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ đều gần như không gây được ấn tượng gì đối với phía Chính phủ Syria và Chính phủ Syria tỏ ra như thể càng quyết tâm dùng biện pháp quân sự để giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng Idlib.

Trong khi đó, đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về thực hiện ngừng bắn trên thực địa nơi đây chưa đạt được kết quả như hai bên mong đợi. Điều khiến thiên hạ chú ý đến ở đây là sự bất đồng quan điểm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có vẻ như ngày càng thêm tăng chứ không giảm bớt.

Syria hiện ở trước những diễn biến cuối cùng quyết định tương lai của đất nước này về chấm dứt chiến tranh và giải pháp chính trị cũng như về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tương lai ấy bây giờ phụ thuộc vào ba tác nhân.

Cao giọng nhưng vẫn kiềm chế

Tác nhân thứ nhất là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có tiếp tục đồng hành như thời kỳ trước ở Syria hay đã trở nên đồng sàng dị mộng. Hay nói theo cách khác, tác nhân này là cuộc đấu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ giành ảnh hưởng ở Syria. Syria hiện tại khác biệt cơ bản trên mọi phương diện so với Syria ở thời trước khi Nga can thiệp quân sự vào năm 2015. Thổ Nhĩ Kỳ được lợi nhưng rõ ràng không được lợi nhiều bằng Nga và Chính phủ Syria. Thế và lực của Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ ở Syria cũng không bằng thế và lực của Nga và Chính phủ Syria. Vì thế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mới phải vừa lớn giọng doạ nạt Chính phủ Syria vừa làm cao trong đàm phán với Nga.

Người này theo đuổi mục tiêu đè bẹp ý chí của người Kurd giành độc lập, kiểm soát và quản lý trên thực tế một vùng lãnh thổ của Syria làm hành lang an ninh ngăn ngừa người Syria tỵ nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ và để có con bài mặc cả với Nga và Chính phủ Syria trong giải pháp chính trị hoà bình cho Syria.

Nhưng đồng thời người này còn muốn thể hiện ở khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng thực tế dùng quân sự để thực hiện mục tiêu và lợi ích. Chỉ có điều là muốn làm gì với Chính phủ Syria thì ông Erdogan đều phải lưu ý đến Nga để tránh xảy ra đụng độ quân sự với Nga ở Syria.

Chỉ khi đấu được ngang bằng với Nga thì ông Erdogan mới có thể tiến thoái tuỳ ý được ở Syria. Chừng nào chưa đạt được thoả thuận với Nga mà vẫn muốn giao tranh quân sự với phía Chính phủ Syria thì chừng đó ông Erdogan vẫn còn phải tự kiềm chế về hành động quân sự ở Syria.

Tác nhân thứ hai là chiến sự giữa quân đội Chính phủ Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng Allepo và Idlib. Ông Erdogan đã đưa ra tối hậu thư cho phía Chính phủ Syria và tối hậu thư này đã bị phía Chính phủ Syria bác bỏ. Ông Erdogan đã nhiều lần đe doạ và những đe doạ này đều bị phía Chính phủ Syria bất chấp.

Ông Erdogan muốn giữ những vùng lãnh thổ của Syria hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát trong khi phía Chính phủ Syria coi hiện tại là cơ hội thuận lợi khó có thể có lại để khôi phục hoàn toàn chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ đất nước bởi có Nga hậu thuẫn và Mỹ đã cơ bản rút binh lính ra khỏi Syria. Thổ Nhĩ Kỳ và phía Chính phủ Syria bây giờ chiến với nhau trong tình trạng luôn phải để ý đến thái độ và phản ứng của Nga. Cũng vì thế mà hai bên sẽ còn giằng co nhau trên thực địa nhưng không chiến tranh thực sự với nhau.

Mỹ có lại can thiệp?

Tác nhân thứ ba là Mỹ có lại can thiệp trực tiếp bằng quân sự vào Syria hay không. Thật ra, Mỹ đã tự từ bỏ ván bài chính trị an ninh khu vực ở Syria, không phải hoàn toàn bởi chủ ý bỏ của chạy lấy người ở Syria mà do có sự điều chỉnh chiến lược ở khu vực này và nhằm phục vụ cho cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông Donald Trump ở Mỹ.

Mới đây, ông Trump dùng việc đòi Nga chấm dứt ủng hộ chính phủ của ông Assad ở Syria thực ra chỉ để dóng dả rằng, Mỹ tuy đã bỏ cuộc chơi cũ nhưng vẫn có ý và luôn sẵn sàng chơi cuộc chơi mới ở Syria.

Nga và Chính phủ Syria càng thắng thế ở Syria thì Mỹ càng phải cấp thiết mưu tính việc chơi cuộc chơi mới này. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực thực hiện mưu tính chiến lược ở Syria mà không khúc mắc với Mỹ. Nhưng nếu bị thất thế nghiêm trọng trước Nga và Chính phủ Syria ở Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hùa cùng Mỹ chơi cuộc chơi mới ở đây. Vì thế, Nga và phía chính phủ Syria giờ có chơi thành công nốt cuộc chơi lâu nay hay không phụ thuộc vào có thành công hay không trong việc vừa kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ vừa ngăn Mỹ trở lại để xử lý ổn thoả và dứt điểm vấn đề Allepo và Idlib.

Ở Syria, mọi kịch bản vẫn đều có thể xảy ra, nhưng hồi kết đã sắp đến.

Theo Dịch Dung

Thế giới & Việt Nam