Chiến sự Nagorno-Karabakh: Armenia phá lợi thế bất ngờ của Azerbaijan
Ưu thế bất ngờ và lực lượng vượt trội nhưng quân đội Azerbaijan không chiếm được nhiều lợi thế trước Armenia trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh.
Giao tranh bùng phát ở Nagorno-Karabakh, trong khi 2 nguyên thủ Armenia - Azerbaijan đều đi Mỹ
Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa không được công nhận Nagorno-Karabakh thông báo rằng, lực lượng vũ trang của Azerbaijan đêm 2-4 đã đột ngột phát động cuộc tấn công nhắm vào hàng loạt điểm của khu vực xung đột Nagorno-Karabakh.
Bộ Quốc phòng CH Nagorno-Karabakh cho biết, ngoài những trận đánh ở tiền tuyến, quân đội Azerbaijan còn tấn công bằng pháo hạng nặng vào những điểm dân cư yên bình và những nơi đóng quân của các đơn vị quân sự của nước Cộng hòa tự xưng này.
Vào thời điểm này, trên toàn bộ chiều dài của tuyến giáp giới đang diễn ra đụng độ dữ dội. Quân đội Azerbaijan đã huy động cả pháo binh, xe bọc thép và máy bay, chiến sự đã vượt tầm một cuộc xung đột thông thường, khiến Lực lượng vũ trang Armenia đã phải tham chiến.
Giao tranh xảy ra vào đúng thời điểm Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Armenia Sarkisian đều đang thăm Mỹ.
Chỉ vài giờ trước khi 2 bên nổ súng, ông Aliyev và ông Sarkisian đã cùng gặp ông Joe Biden. Vị phó Tổng thống Mỹ đã kêu gọi hai nhà lãnh đạo khu vực Nam Caucasus giải quyết tranh chấp bằng biện pháp đối thoại hòa bình.
Trước đó, ngày 30-3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã đưa ra lời kêu gọi “một giải pháp cuối cùng” cho cuộc xung đột thông qua đàm phán ở Washington cùng với ông Aliyev.
Sau khi giao tranh bùng nổ ác liệt, Thủ tướng Armenia Ovik Abrahmian đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về “tình trạng chiến tranh quy mô lớn chưa từng có được kẻ thù phát động”. Ông Abrahamian nhấn mạnh, nước này sẵn sàng thực hiện những biện pháp cần thiết để ổn định tình hình.
Tổng thống Armenia, ông Serzh Sarkisan tuyên bố đây là một sự leo thang xung đột nghiêm trọng của Azerbaijan và kêu gọi tổ chức một cuộc họp tại Hội đồng Bảo an, cùng với nhóm hòa giải ở Minsk (gồm cả Mỹ, Nga và Pháp), khẩn trương can thiệp vào tình hình nóng bỏng hiện nay.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Azerbaijan, Himat Hajiyev cũng lớn tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án và ngăn chặn hành động khiêu khích của Armenia.
Việc xung đột bùng phát nghiêm trọng tại khu vực tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại về viễn cảnh chiến tranh kéo dài ở Nam Caucasus và kêu gọi các bên kiềm chế các hành động leo thang quân sự, lập tức ngừng bắn và ngồi vào bàn đàm phán.
Phản ứng quốc tế về xung đột quân sự Azerbaijan-Armenia
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2-4 đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước thông tin xung đột bùng phát trên tuyến “biên giới” giáp ranh với Nagorno-Karabakh, đồng thời kêu gọi các bên tham gia cuộc xung đột hãy mau chóng ngừng bắn và thể hiện sự kiềm chế
Thư ký báo chí của của nguyên thủ Nga, ông Dmitry Peskov, dẫn lời nhà lãnh đạo Nga cho biết, thời gian gần đây, kênh liên lạc ba bên (Nga, Armenia, Azerbaijan) và kênh quốc tế (Nhóm Minsk của OSCE về Nagorno-Karabakh gồm các đại diện Nga, Pháp và Hoa Kỳ), đã thực hiện hàng loạt nỗ lực to lớn, mở ra hy vọng sẽ tiến tới đạt giải pháp cho cuộc xung đột.
Tuy nhiên, rất đáng tiếc là xung đột lại tiếp tục bùng phát mà không có dấu hiệu nào báo trước, đẩy nhân dân Nagorno-Karabakh vào lò lửa chiến tranh, với sự tham gia của 2 quốc gia tách ra từ Liên Xô cũ là Armenia và Azerbaijan - ông Peskov nhận định.
Trong khi đó, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã có cuộc điện đàm với những người đồng cấp Armenia và Azerbaijan về những diễn biến mới này, kêu gọi các bên chấm dứt bạo lực tại Nagornyi Karabakh.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (ODKB hoặc CSTO) Nicolai Bordyuzha tuyên bố, cuộc xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh "không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự và cần phải giải quyết bằng con đường đàm phán trong khuôn khổ cơ chế quốc tế".
Trong tuyên bố chung công bố cùng ngày, đồng Chủ tịch Nhóm Minsk thuộc OSCE (gồm Nga, Pháp và Mỹ) cũng đã thảo luận về việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn quy mô lớn tại đường giới tuyến ở khu vực tranh chấp tại vùng lãnh thổ Nagorny Karabakh và kêu gọi các bên ngừng bắn.
Dự kiến, đồng chủ tịch Nhóm Minsk sẽ thảo luận tình hình xung quanh vấn đề Nagorny Karabakh tại Vienna (Áo) trong tuần tới. Tại cuộc họp lần này sẽ có sự tham gia của Chủ tịch luân phiên OSCE, hiện nay là Ngoại trưởng Đức Steinmeier.
Vị Ngoại trưởng Đức cũng đã nhân danh OSCE kêu gọi các bên xung đột nhanh chóng ngừng các hành động tấn công lẫn nhau, bởi cuộc xung đột Nagorny Karabakh không thể giải quyết bằng hành động quân sự. Azerbaijaan và Armenia cần phải trở lại đàm phán trong khuôn khổ Nhóm Minsk.
Ngoài ra, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đã kêu gọi các bên liên quan tại Nagorny Karabakh tuân thủ lệnh ngừng bắn, chấm dứt các hành động vũ trang.
Azerbaijan bị đánh chặn, không phát huy được lợi thế bất ngờ
Theo các nguồn tin chính thức, mặc dù Azerbaijan tuyên bố là quân đội Armenia là bên gây hấn nhưng thực tế chiến sự cho thấy, chính Bacu là bên nổ súng tấn công trước và đã có sự chuẩn bị khi ngay lập tức đã huy động đầy đủ lực lượng tăng-thiết giáp và máy bay tham chiến.
Xét về yếu tố bất ngờ và binh lực giữa 2 nước thì Bacu đã nắm được toàn bộ ưu thế so với Yerevan, tuy nhiên, trải qua ngày đầu tham chiến, quân đội Azerbaijan không chiếm được nhiều lợi thế so với quân đội Armenia.
Trong một thông báo, Bộ Quốc phòng Azerbaijan nêu rõ, các lực lượng nước này đã giành quyền kiểm soát "hai điểm cao chiến lược và một ngôi làng" ở vùng Nagorno-Karabakh, mà chỉ thiệt hại 12 binh lính và một chiếc trực thăng Mi-24 và 1 xe tăng.
Phía Azerbaijan cũng thông báo đã phá hủy 6 xe tăng, 15 trận địa hỏa lực và trận địa phòng ngự, và tiêu diệt, làm bị thương hơn 100 binh lính Armenia, đồng thời cắt đứt tuyến bố phòng của quân đội Armenia.
Tuy nhiên, theo tin từ EADaily dẫn nguồn quan chức lãnh đạo lực lượng vũ trang nước Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng (NKR), Azerbaijan đã vấp phải sự đánh trả quyết liệt của quân dân nước này và phải gánh chịu những tổn thất nặng nề.
Đêm ngày 01 rạng ngày 02-04, quân đội Azerbaijan triển khai cuộc tấn công đánh vào các vị trí của lực lượng quân đội NKR trên các hướng đông nam và hướng đông bắc, vào 2 khu vực vào Mardakert và Fizuli, với hỏa lực mạnh của pháo binh, xe bọc thép và máy bay.
Ngoài các cuộc giao tranh trên tuyến chiến đấu, đã pháo kích và phóng tên lửa vào các làng biên giới và những căn cứ thường trực của các đơn vị quân đội NKR, khiến cư dân dọc đường giới tuyến phải đi di tản, chỉ còn các cựu binh ở lại, nhận vũ khí của quân đội và lập nhóm chiến đấu.
Quan chức quân sự Armenia khẳng định rằng, tên lửa của Azerbaijan đã bắn trúng một trường học ở ngôi làng Terter, khiến 3 trẻ em bị thương, một em chết thiệt mạng.
Lợi dụng yếu tố tấn công bất ngờ, trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công trên hướng Martakert, Azerbaijan đã đánh chiếm được hai vị trí của lực lượng vũ trang NKR ở hướng Fizuli và giành được 5 vị trí trên bình nguyên thuộc vùng Martakert.
Sau đó, các đơn vị bộ binh của quân đội NKR đã lập tức đánh trả và chuyển sang phòng thủ chủ động, sau đó triển khai phản công, giành lại được 3 vị trí, hiện giao tranh vẫn đang tiếp diễn ở hai vị trí còn lại.
Theo nguồn tin này, các đơn vị chiến đấu của Azerbaijan tổn thất 3 xe tăng, 3 xe bọc thép chở quân BTR, 2 trực thăng và 2 máy bay không người lái, cùng với khoảng 40 binh sĩ Azerbaijan thiệt mạng. Tổn thất từ phía Armenia cũng khá lớn nhưng chưa vượt qua 2 con số.
Trong khi đó, một nguồn tin độc lập từ một chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc gia và công nghệ thông tin người Karabakh là ông Hrachya Arzumanyan, cho biết, có khoảng năm mươi binh sĩ Azerbaijan, phần lớn là lính đặc nhiệm đã bị tiêu diệt.
Ông Hrachya Arzumanyan dẫn nguồn tin quân sự cho biết, binh lính Azerbaijan đã rơi vào các ổ phục kích, trực thăng chiến đấu được điều động tới để giải vây nhưng cũng bị bắn hạ. Lực lượng bộ binh Karabakh đã được triển khai và sẵn sàng phản công. Yếu tố bất ngờ của đối phương đã mất.
Theo Thiên Nam
Đất Việt