1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến sự kéo dài đằng đẵng, thanh niên Ukraine lo lắng cho tương lai

Thanh Thành

(Dân trí) - Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022, nhiều thanh niên Ukraine đã đi đầu tham chiến, buộc phải sống "một cuộc sống khác" và không dám nghĩ về tương lai.

Chiến sự kéo dài đằng đẵng, thanh niên Ukraine lo lắng cho tương lai - 1

Học sinh tại Kiev, Ukraine vui nhảy vũ điệu truyền thống mừng Năm mới (Ảnh: Washington Post).

Kể từ khi xung đột bùng nổ, cũng có ít nhất một đêm, các sinh viên không nghĩ đến việc sẽ sử dụng tầng hầm của tòa nhà trường đại học làm hầm tránh bom mà là nơi để "cùng khiêu vũ tận hưởng tuổi trẻ".

"Đó là lúc giúp họ quên đi cuộc sống thường ngày", Valerii Valiiev, quản lý một nhà máy sản xuất cocktail ở Kiev nói khi đang thu vé tiền vào nơi khiêu vũ.  "Khiêu vũ… sẽ rất tuyệt".

Trong suốt hơn 10 tháng xung đột khốc liệt vừa qua, nhiều thanh niên Ukraine đã đi đầu tham chiến. Một số người trốn khỏi nhà, một số bị tách khỏi gia đình. Những người khác tình nguyện hoặc bị gọi ra tiền tuyến. Họ mất nhiều người thân, bạn bè hoặc hàng xóm. Tất cả đều đang vật lộn thực tế: xung đột đã buộc họ phải trưởng thành như thế nào chỉ sau một đêm, thay đổi hướng đi của cuộc đời, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên và làm chệch hướng ước mơ của họ.

Số tiền thu được từ buổi khiêu vũ của sinh viên vào tháng 9 đã được chuyển thẳng đến tiền tuyến nhằm hỗ trợ tiểu đoàn mà cha của học sinh Sviatoslav Syrotyuk, 18 tuổi, đang tham gia chiến đấu ở miền Đông.

Chính Syrotyuk cũng đã chiến đấu cùng cha nhưng tại một mặt trận khác: ở ngoại ô thủ đô Kiev. Kinh nghiệm chiến trường đã biến anh từ một sinh viên đại học năm thứ nhất chuyên ngành khảo cổ học thành một người lính quyết hy sinh vì đất nước.

Nằm trong một chiến hào sẵn sàng đối phó với cuộc tấn công của Nga vào tháng 2/2022, người thanh niên này không hề sợ hãi. Anh đã được huấn luyện sử dụng vũ khí từ khi còn là một cậu bé và đang dạy những tân binh khác cách bắn súng. 

Tuy nhiên, trong những tuần sau đó, anh đã tham gia một khóa học về chiến tranh. Anh nhìn thấy những viên đạn bay vút qua đầu mình. Anh giúp sơ tán dân thường khỏi một thị trấn tiền tuyến và bị chấn động khi một quả đạn chống tăng phát nổ ngay bên cạnh họ.

Sau khi các lực lượng Nga cuối cùng rút khỏi thủ đô Kiev vào tháng 4/2022, người cha mong Syrotyuk ở lại quê nhà theo đuổi việc học. "Cha hiểu rằng, thế hệ như chúng tôi là người sẽ xây dựng đất nước trong tương lai", Syrotyuk nói.

"Chúng tôi chỉ nghĩ đến sự sống còn"

Trước chiến tranh, Valeria Levtsova, 14 tuổi, mơ ước rời Izyum đến học tại một thành phố lớn hơn. Kể từ đó, cuộc sống của cô gần như thay đổi hoàn toàn.

Valiiev, một sinh viên luật và là bạn thân của Levtsova, cũng đã đối mặt với cuộc chiến theo một cách hoàn toàn khác. Khi chiến sự bắt đầu, mẹ của Valiiev buộc anh đến ngôi làng nhỏ nơi bà và em trai đang sống gần Bucha, để đảm bảo an toàn hơn. Nhưng Valiiev nói không và quyết định ra chiến trường để hỗ trợ quân đội chiến đấu tại vùng ngoại ô Kiev.

Valiiev sớm mất liên lạc với gia đình. Và trong hơn 1 tháng, khi Valiiev dốc hết sức lực vào công việc đóng gói và phân phát hàng trăm quả bom xăng, anh lo sợ mẹ và em trai mình đã thiệt mạng. Mãi cho đến khi phía Nga rút quân, anh mới nhận được một cuộc gọi thông báo cả hai đều an toàn.

"Lúc đầu tôi không tin. Tôi không thể diễn tả khoảnh khắc này. Thực sự rất xúc động", Valiiev tâm sự. Và lúc đó, Valiiev thừa nhận các ưu tiên và giá trị bản thân đã thay đổi.

"Trước đây, tôi thường suy nghĩ nhiều về một điều gì đó lớn hơn - một mức lương tốt, những thứ vật chất hơn. Bây giờ tôi nghĩ nó không quan trọng nữa, mà điều quan trọng là còn sống và sống một cuộc sống bình thường", anh cho biết.

Chiến tranh đã khiến cuộc sống của Valiiev thực sự thay đổi 180 độ. Valiiev bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cách đọc những con số thương vong, và giữa giờ học, anh tập luyện trong phòng tập thể dục để chuẩn bị nhập ngũ.

"Tôi muốn cảm nhận cảm giác được làm gì đó để bảo vệ đất nước của mình", anh nói. "Trước tháng 2/2022, tôi chưa bao giờ cảm thấy mối liên hệ đó với người dân của mình".

Đối với nhiều thanh niên Ukraine, chiến tranh với họ vẫn là một thách thức mỗi ngày.

Hai chị em Katya, 27 tuổi và Nastya, 15 tuổi, đã phải chịu đựng xung đột khốc liệt tại thành phố Izyum phía đông bắc Ukraine trong nỗi lo sợ mỗi ngày. Họ bị mắc kẹt ở nhà với mẹ, ông bà và bạn trai của Katya. Họ không có điện, khí đốt, nước hoặc bất kỳ cách nào để liên lạc với thế giới bên ngoài.

"Chúng tôi chỉ nghĩ đến sự sống còn". Vào một trong những lần hiếm hoi hai chị em mạo hiểm ra ngoài, Katya đã bị trúng đạn chùm và mảnh đạn găm vào cánh tay và lưng. Cô không đi khám vì sợ. Các mảnh vỡ chỉ được lấy ra sau khi cô được đưa đến một bệnh xá quân sự dã chiến tại một trường học địa phương.

Sau đó, Nastya bắt đầu hoảng sợ trước bất kỳ tiếng nổ nào. "Nó thực sự đáng sợ", cô bé kể lại. "Chỉ cần nghe tiếng huýt sáo… tôi cũng lo sợ nó là tín hiệu của chiến tranh".

Không dám nghĩ nhiều về tương lai

Nastya đang học lớp 9 khi chiến sự bùng nổ. Đến mùa thu, cô bé tự học chương trình lớp 10 để không bị tụt lại phía sau. Katya đã từng là nhân viên pha chế tại một quán cà phê nhỏ ở địa phương. Izyum không có nhiều cơ hội làm việc nhưng trước chiến tranh, "thật tuyệt khi được sống ở đây".

Mặc dù khu vực này đã được giải phóng vào tháng 9, nhưng mọi hoạt động chưa thể trở lại bình thường.

Hầu hết các cơ sở hạ tầng của thành phố đã bị phá hủy và các con đường vẫn rải rác chất nổ. Rất nhiều người vẫn mất tích. Không ai ở đây dám suy nghĩ nhiều về tương lai. Họ lo sợ chiến sự lại tiếp tục bùng nổ.

Ở Kiev, Syrotyuk đã có thể suy ngẫm về những cuộc giao tranh, mất mát và cái chết mà anh đã chứng kiến. Điều anh muốn nhất bây giờ là "làm nên lịch sử".

Và anh thấy có hai cách để làm như vậy. Đầu tiên là tham gia chiến đấu tại tiền tuyến. "Đó là nơi tôi có thể chiến đấu, nhưng tôi có thể chết". Và thứ hai là: "Tôi cần học xong 4 năm đại học và sau đó sẽ tham gia chính trường. Tôi muốn trở thành tổng thống của đất nước vĩ đại này".

Khi được hỏi, "đó là giấc mơ của bạn hay sao?", Syrotyuk trả lời: "Đó là nhiệm vụ của tôi".

Theo Washington Post