1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến sự Donbass "nóng" trở lại, Ukraine trừng phạt Nga

Liên tiếp những vi phạm lệnh ngừng bắn đã làm gia tăng lo ngại "điểm nóng" xung đột ở miền Đông Ukraine bùng phát dữ dội trở lại, giữa lúc mọi nỗ lực chính trị đều bế tắc.

Nổ ra từ năm 2014, cuộc xung đột tới nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người. Nga và Ukraine liên tục đổ lỗi cho nhau làm leo thang căng thẳng và sẵn sàng các biện pháp đáp trả.

Chiến sự Donbass nóng trở lại, Ukraine trừng phạt Nga - 1

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky muốn cải thiện hiệu quả lệnh ngừng bắn ở Donbass. (Ảnh: President.gov.ua)

Chỉ trích Nga "cố tình" làm leo thang căng thẳng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski vừa thông qua một loạt trừng phạt nhằm vào các cơ quan, tổ chức của Nga và 77 công ty khác, đặc biệt trong số này có Văn phòng Cơ quan Liên bang phụ trách Cộng đồng các quốc gia độc lập, kiều bào Nga ở nước ngoài và hợp tác nhân đạo quốc tế:

"Đối với tình hình ở miền đông Ukraine, một lệnh ngừng bắn hoàn toàn là điều kiện tiên quyết để tiếp tục các cuộc đàm phán khó khăn. Tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng quân đội của chúng tôi có thể chống lại cuộc tấn công của bất kỳ ai, cũng như lập trường của chúng tôi trong việc giải quyết xung đột bằng các biện pháp ngoại giao", ông Zelenski nói.

Trong một phản ứng đầu tiên, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho rằng đây là một trường hợp chưa từng có tiền lệ và là một "ví dụ về việc bất chấp luật pháp quốc tế". Trước đó, phản ứng trước kế hoạch của Ukraine tập trận chung với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong vài tháng tới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên tiếng khẳng định quan điểm của Nga phản đối bất kỳ động thái nào có thể làm leo thang căng thẳng:

"Bất kỳ hành động triển khai binh sĩ nào từ NATO đến Ukraine sẽ làm gia tăng căng thẳng gần khu vực biên giới với Nga. Và điều này buộc Moscow phải có những biện pháp bổ sung nhằm bảo đảm an ninh quốc gia".

Trong 7 năm xung đột tại miền Đông Ukraine, hay còn gọi là vùng Donbass, không dưới 30 lệnh ngừng bắn đã được thông qua và cũng liên tiếp bị đổ vỡ. Lệnh ngừng bắn mới đây nhất được thiết lập vào tháng 7/2020 và cũng là lệnh ngừng bắn tồn tại lâu nhất. Tuy nhiên, kể từ tháng 1/2021, những vi phạm đã gia tăng một cách nguy hiểm.

Chỉ trong vòng 3 tháng đã có 19 binh sĩ Ukraine thiệt mạng, so với 49 người trong cả năm 2020. Tại cuộc trao đổi mới đây với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ quan ngại về diễn biến tại Donbass, cáo buộc Ukraine khiêu khích lực lượng dân quân ở vùng Donbass và không tuân thủ các thỏa thuận đã ký kết liên quan đến khu vực này.

Trong một động thái cho thấy sự can dự ngày càng sâu của phương Tây, các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao Mỹ những ngày qua đã liên tục điện đàm với phía Ukraine, trong đó khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như "khát vọng" của Kiev gia nhập liên minh châu Âu-Đại Tây Dương. Trong khi đó, Đức và Pháp kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ thỏa thuận hòa bình Minsk và đàm phán về vấn đề này.

Dự kiến, các đại diện trong Nhóm Tiếp xúc ba bên (gồm Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu - OSCE) sẽ có cuộc gặp vào ngày 14/4 tới. Theo ông Leonid Kravchuk, trưởng phái đoàn Ukraine, cho biết nước này dự định tại vòng đàm phán sẽ đưa ra đề xuất thảo luận về một lệnh ngừng bắn có hiệu lực trong dịp nghỉ Lễ Tạ ơn ở Ukraine, bắt đầu từ ngày 2/5.