1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Những động thái quân sự mới của Nga, Ukraine giữa lúc căng thẳng leo thang

Nguyễn Nhâm

(Dân trí) - Giới chuyên gia cảnh báo, nếu xung đột nổ ra giữa Nga và Ukraine, điều đó sẽ kéo theo sự tham gia của các lực lượng bên ngoài, trong đó Mỹ và NATO đã công khai tuyên bố ủng hộ Kiev.

Những động thái quân sự mới của Nga, Ukraine giữa lúc căng thẳng leo thang - 1

Nga đang tiến hành các cuộc diễn tập quân sự ở bán đảo Crimea (Ảnh: Getty).

Ukraine gần đây có hàng loạt động thái quân sự, bao gồm chiến lược quân sự mới, cùng với các động thái quân sự theo quy chế mới của NATO. Trong khi đó, Nga được cho là đã triển khai các nhóm tác chiến gần biên giới Ukraine. Các diễn biến này có thể làm thổi bùng căng thẳng âm ỉ nhiều năm qua giữa hai nước láng giềng.

Căng thẳng trên thực địa

Theo báo chí Nga, gần đây những đợt tái triển khai trên quy mô lớn các đơn vị tác chiến của quân đội Ukraine cũng như các cơ quan thực thi pháp luật tới sát vùng Donbass do phe đòi ly khai kiểm soát ở miền Đông và biên giới Nga đã bắt đầu, đi kèm các trận pháo kích mạnh mẽ.

Ngày 10/3, trên kênh Telegram, cựu đại diện chính thức của dân quân Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk (LNR) Andrei Marochko cho biết, giao tranh giữa các binh sĩ thuộc lượng vũ trang Ukraine và LPR đã nổ ra ở làng Mikhailovka. Theo đó, hai bên đang sử dụng vũ khí cầm tay và súng phóng lựu.

Báo chí khu vực và quốc tế trong những ngày qua liên tục đăng tải thông tin về việc quân đội Ukraine điều động số lượng lớn binh sĩ cùng vũ khí tới sát bán đảo Crimea để tiến hành tập trận. Không quân Ukraine cũng tiến hành các cuộc tập trận trên bầu trời các bờ Biển Đen, sử dụng UAV Bayraktar PT2 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Ruslan Khomchak, tuyên bố lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) đã hoàn tất công tác chuẩn bị chiến dịch quân sự và chuyển sang giai đoạn tấn công trực tiếp vào các vị trí của ly khai miền Đông ở Donbass. Theo ông, trong vài ngày, vài tuần hoặc có thể là vài tháng tới, những cuộc đụng độ với Nga vẫn là điều mà phía Ukraine không hề mong muốn.

Trong khi đó, Nga được cho là đã triển khai các tiểu đoàn tác chiến ở biên giới với Ukraine. Theo Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Khomchak, tính đến 30/3, 28 tiểu đoàn tác chiến của đối phương được bố trí dọc theo toàn bộ biên giới quốc gia Ukraine, và ở Crimea.

Ngày 1/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga đang đưa nhiều binh sĩ tới biên giới hai nước, trong khi người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin khẳng định việc tăng quân ở biên giới "không đặt ra mối đe dọa cho bất kỳ ai" và cho rằng Nga đang thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh ở biên giới.

Nga cũng lần đầu công khai cung cấp các phương tiện tác chiến cho ly khai miền Đông, như "báo thép" BTR-82A, tăng T72-B3,... Theo báo chí Nga, những gì diễn ra ở Donbass thời gian gần đây buộc Moscow phải gửi tín hiệu rõ ràng tới các "đối tác" phương Tây nói chung, chính quyền Kiev nói riêng rằng họ rất không muốn cuộc xung đột khu vực nhanh chóng bị đẩy sang giai đoạn "nóng".

Dàn trực thăng Nga nghi xuất hiện gần biên giới Ukraine

Chiến lược quân sự mới

Trang tin Topwar mới đây đưa tin cho biết, Ukraine đã áp dụng một chiến lược an ninh quân sự mới, sắc lệnh tương ứng được Tổng thống  Zelensky ký hôm 25/3. Theo đó, Nga là đối thủ quân sự của Ukraine, bởi những cáo buộc đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cản trở Kiev hội nhập vào Liên minh châu Âu (EU) và NATO, đồng thời cũng đang cố gắng khôi phục ảnh hưởng của mình trên lãnh thổ Ukraine.

"Ở cấp độ quốc gia, Liên bang Nga hiện đang là một đối thủ quân sự của Ukraine", tài liệu viết.

Chiến lược quân sự mới của Ukraine cũng đưa ra mục tiêu chấm dứt sự chiếm đóng của Nga, đặc biệt là giải phóng Crimea và vùng Donbass. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba khẳng định đây là "một văn kiện lịch sử lẽ ra nên có từ năm 2014", đồng thời nhấn mạnh, đây "không chỉ là lời kêu gọi thế giới giúp chúng tôi giành lại Crimea, mà còn là lời khẳng định của Ukraine về nỗ lực đầy quyết tâm và có hệ thống dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Zelensky".

Động thái của NATO, Mỹ

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang, Ukraine ngày càng có xu hướng xích lại gần NATO và Mỹ.

Theo Chương trình hành động 5 năm của Ukraine, đến năm 2025, nước này sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn gia nhập NATO. Tuy nhiên, NATO đã cho Ukraine một quy chế mới, theo đó NATO công nhận Ukraine là Đối tác Cơ hội Nâng cao.

Việc công nhận này cho phép Ukraine "quyền tham gia sâu rộng vào các chương trình liên minh, nhằm tăng khả năng tương thích quân sự trong các cuộc tập trận của NATO, và mở rộng khả năng trao đổi thông tin". NATO tiếp tục hỗ trợ Ukraine thực hiện cải cách, trong đó bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Tháng 9/2020, Ukraine tổ chức cuộc tập trận "Nỗ lực chung - 2020" với các nước thành viên NATO. Đầu năm nay, hải quân Ukraine đã tổ chức cuộc tập trận Passex cùng với một tàu khu trục và một tàu hỗ trợ của Mỹ ở Biển Đen. Trong khi đó, NATO gia tăng sự hiện diện của hải quân trong khu vực với việc triển khai nhiều tàu chiến đến Biển Đen.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Ukraine hồi tháng 2, 4 tàu thuộc Cụm Tác chiến chống mìn thường trực số 2 của NATO (SNMCMG2) đã đi vào vùng biển gần cảng Odessa ở miền Nam Ukraine. Nhóm tàu tiến vào Biển Đen do hải quân Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu cùng Tây Ban Nha và Romania.

Mỹ đã công bố một gói viện trợ quân sự trị giá 125 triệu USD cho Ukraine và một khoản tiền dự phòng khác trị giá 150 triệu USD để giúp nước này thúc đẩy cải cách quốc phòng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bàn giao 30 UAV tấn công cho Ukraine. Pháp cũng tuyên bố sẵn sàng cung cấp cho Ukraine tiêm kích Rafale.

Trong khi đó, phía Nga cho rằng, quy chế của NATO không liên quan đến tư cách thành viên đầy đủ của Kiev trong liên minh. Tuy nhiên, quyết định chính trị đó cho thấy, xu thế tiếp tục đẩy Ukraine vào các hành động chống Nga. 

Như vậy, những động thái quân sự mới của hai bên phản ánh mục tiêu chiến lược mà mỗi bên theo đuổi, có thể làm thổi bùng căng thẳng giữa hai nước láng giềng. Giới chuyên gia cảnh báo, nếu xung đột xảy ra sẽ kéo theo sự tham chiến của lực lượng bên ngoài. Do đó, chỉ có thiện chí đối thoại của Nga và Ukraine, cùng với những nỗ lực hòa giải của nhóm "Bộ tứ Normandy" (Nga, Pháp, Đức và Ukraine) mới được kỳ vọng sẽ giúp sớm hạ nhiệt tình hình.