1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến lược “tấn công quyến rũ” của Trung Quốc trên bàn cờ thế giới sau dịch

Thành Đạt

(Dân trí) - Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ, Trung Quốc rõ ràng cũng cảm nhận thấy “sức nóng” từ Washington.

Chiến lược “tấn công quyến rũ” của Trung Quốc trên bàn cờ thế giới sau dịch - 1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chào bằng khuỷu tay với người đồng cấp Na Uy Eriksen Soreide tại Oslo trong chuyến công du 5 nước châu Âu hôm 27/8. (Ảnh: Xinhua)

Trung Quốc đã cử những nhà ngoại giao hàng đầu công du khắp châu Á và châu Âu trong một cuộc chạy đua nhằm thắt chặt quan hệ với các nước và khắc phục hình ảnh sau đại dịch Covid-19. Động thái này diễn ra giữa lúc xuất hiện nhiều lo ngại rằng căng thẳng Mỹ - Trung có thể biến thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Nhiều ngày sau khi ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc và là nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh, kết thúc chuyến thăm tới Singapore và Hàn Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng tới châu Âu hôm 25/8 để bắt đầu chuyến thăm một loạt quốc gia trong khu vực, gồm Italy, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức.

Chiến dịch “tấn công quyến rũ” mới nhất của Trung Quốc đánh dấu sự trở lại của các cuộc gặp trực tiếp sau nhiều tháng chỉ trao đổi trực tuyến. Theo giới quan sát, điều này cho thấy những ưu tiên ngoại giao của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang cố gắng kiểm soát cuộc khủng hoảng gây ra bởi chính sách ngoại giao Covid-19 cứng rắn của nước này, cũng như những màn đối đầu trả đũa lẫn nhau với Mỹ.

Theo Bloomberg, chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị diễn ra sau khi châu Âu chỉ trích Trung Quốc về cách ứng phó với đại dịch và chính sách cứng rắn của Bắc Kinh với đặc khu hành chính Hong Kong. Ngoài ra, một số nước châu Âu từ chối sử dụng công nghệ 5G của Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc, trong mạng lưới viễn thông của mình.

Mặc dù giới quan sát cho rằng Trung Quốc dường như muốn kiềm chế các nhà ngoại giao cứng rắn mang phong cách “Chiến binh sói” của nước này, song hiện vẫn còn quá sớm để kết luận rằng liệu đường lối chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã thay đổi hay chưa, nhất là khi Bắc Kinh đang phải đối mặt với sự công kích ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế.

“Chắc chắn giọng điệu của Trung Quốc sẽ nhẹ nhàng hơn, nhưng căng thẳng vẫn tăng cao ở Biển Đông, biển Hoa Đông, cũng như với Ấn Độ, phần lớn bởi Trung Quốc vẫn theo đuổi lập trường quốc phòng cứng rắn hơn trong những tháng vừa qua”, Benoit Hardy-Chartrand, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Tokyo, nhận định.

Ngoài ra, các cuộc khảo sát công khai gần đây cho thấy sự sụt giảm đáng kể về mức độ tín nhiệm dành cho Trung Quốc tại các nước Mỹ, Anh, Pháp, Italy, Canada, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Theo chuyên gia Benoit, các mục tiêu và ưu tiên của Trung Quốc phần lớn vẫn không thay đổi. Bắc Kinh vẫn tìm cách “bá quyền” tại châu Á, trong khi làm suy yếu các đồng minh của Mỹ và hạn chế tầm ảnh hưởng của Washington.

“Trong bối cảnh này, chiến lược phù hợp nhất với Trung Quốc là khởi động cuộc tấn công quyến rũ nhằm vào các nước chủ chốt”, chuyên gia Benoit cho biết thêm.

Mục đích các chuyến công du

Chiến lược “tấn công quyến rũ” của Trung Quốc trên bàn cờ thế giới sau dịch - 2

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 20/8. (Ảnh: SCMP)

Việc Trung Quốc nhắm mục tiêu tới các quốc gia cụ thể trong chiến lược ngoại giao mới nhất đã cho thấy tầm quan trọng chiến lược của các nước láng giềng châu Á cũng như các đối tác châu Âu của Bắc Kinh trong cuộc đua dài hạn với Mỹ.

Lucrezia Poggetti, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - EU tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, nhận định chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị là "cuộc tập dượt kiểm soát thiệt hại".

"Mục đích chính của Bắc Kinh là ngăn chặn sự hình thành mặt trận thống nhất xuyên Đại Tây Dương đối đầu với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực 5G", bà Poggetti cho biết.

Theo Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trọng tâm trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc tới các quốc gia lớn nhất và có tầm ảnh hưởng nhất tại châu Âu cho thấy Bắc Kinh đã nhận thức được sức mạnh của khối này nằm ở đâu.

Tuy vậy, ông Corre tin rằng cách tiếp cận “bình thường mới” của ngoại giao Trung Quốc cũng không giúp ích cho nỗ lực của nước này nhằm tìm kiếm sự ủng hộ tại châu Âu.

“Mặc dù triển vọng đối thoại giữa Trung Quốc và EU dường như tốt hơn so với Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, không dễ dàng để (Trung Quốc) lấy lại hình ảnh tại châu Âu sau đại dịch Covid-19 và sau các vấn đề đang diễn ra tại Trung Quốc”, chuyên gia Corre nhận định.

Pang Zhongying, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Hải dương Trung Quốc, cho rằng mối quan hệ đang bị suy yếu với châu Âu cũng đặt ra cho Trung Quốc thách thức không kém mối quan hệ căng thẳng với Mỹ.

“Không may là, Bắc Kinh dường như vẫn phải đối mặt với những khó khăn do các nước EU vẫn có những vấn đề riêng của họ với Trung Quốc liên quan tới tình hình nhân quyền ở Tân Cương, tình hình Hong Kong, Biển Đông và Huawei”, chuyên gia Pang cho biết.

Theo SCMP, những vấn đề này có thể chính là động lực thôi thúc Trung Quốc cử ông Dương Khiết Trì tới châu Âu. Ông Dương dự kiến sẽ tới châu Âu vài ngày sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới khu vực trong tuần này. Ông Dương sẽ tới thăm Tây Ban Nha, Hy Lạp và có thể thăm Bồ Đào Nha.

Chuyến đi của ông Dương tới Singapore và Hàn Quốc là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 6 tại Hawaii. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang trong các vấn đề Biển Đông, Đài Loan và Hong Kong.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mô tả cuộc gặp của ông với ông Dương Khiết Trì là “hiệu quả”, trong đó mối quan hệ với Mỹ và tranh chấp hàng hải được cho là các vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của cuộc gặp.

Zhang Mingliang, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Quảng Châu, cho rằng cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng tăng đã khiến Singapore và 10 nước ASEAN ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát các đối thủ trong khu vực và đối trọng với Mỹ.

“Trung Quốc không thể hưởng lợi từ mối quan hệ bất ổn với ASEAN hoặc xa rời các nước nhỏ hơn giữa lúc Mỹ - Trung đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ thập niên 1970. Điều này đã đặt các nước ASEAN vào một lợi thế khi quan hệ với Trung Quốc”, ông Zhang nhận định.

Washington cũng đang thắt chặt quan hệ với ASEAN, đặc biệt sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ hồi tháng 7, trong đó Washington bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Các nước Đông Nam Á vẫn hy vọng Mỹ có thể can thiệp để đối phó với một Trung Quốc ngày càng cứng rắn, và bây giờ điều đó đã xảy ra”, ông Zhang cho biết.

Cũng theo chuyên gia Zhang, dù ASEAN có vai trò quan trọng với Trung Quốc, song Bắc Kinh khó có thể nhượng bộ trong các cuộc đàm phán đang bế tắc về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, nhất là khi Bắc Kinh đề xuất loại các quốc gia bên ngoài khu vực khỏi vấn đề này - một động thái ám chỉ tới Mỹ.

Tại Hàn Quốc, chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì cũng đạt được một số kết quả cụ thể, bao gồm thỏa thuận về chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hàn Quốc ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Ông Tập từng lên kế hoạch tới thăm cả Hàn Quốc và Nhật Bản trong nửa đầu năm nay, song kế hoạch này không được thực hiện do dịch bệnh.

Chuyến đi dự kiến của ông Tập tới Nhật Bản ngày càng ít khả thi do vai trò của Nhật Bản trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, vốn đặt mục tiêu trọng tâm là Trung Quốc. Trong khi đó, chuyến đi tới Hàn Quốc - một đồng minh của Mỹ nếu diễn ra sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập kể từ khi ông thăm Myanmar hồi tháng 1.

“Các chuyến đi sẽ góp phần hỗ trợ cho các mục tiêu của Trung Quốc nhằm một mặt khoét sâu bất đồng với Seoul, mặt khác chia rẽ Tokyo và Washington”, chuyên gia Benoit cho biết thêm.