1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến lược quân sự quốc gia năm 2015 của Mỹ

Ngày 1-7, Lầu Năm Góc đã công bố Chiến lược quân sự quốc gia năm 2015, định hướng các biện pháp và cách thức quân đội nước này sẽ áp dụng để bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích quốc gia và an ninh của Mỹ.

Trên cơ sở Chiến lược an ninh quốc gia 2015 và bản Đánh giá quốc phòng bốn năm mới nhất, Chiến lược quân sự quốc gia 2015 của  Mỹ được xây dựng nhằm bảo đảm duy trì một nền quốc phòng có "lực lượng quân đội được lãnh đạo, huấn luyện và trang bị tốt nhất thế giới".

Lực lượng quân đội Mỹ tham gia tập trận
Lực lượng quân đội Mỹ tham gia tập trận  tại căn cứ quân sự Novo Selo ở Bulgaria ngày 25-6-2015. (Ảnh: AFP) 

Chiến lược mới, do Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey công bố, cảnh báo khả năng "thấp nhưng ngày càng rõ" về một cuộc chiến giữa Mỹ với một cường quốc khác cùng với những hậu quả "nghiêm trọng". "Kể từ sau khi bản chiến lược quân sự quốc gia mới nhất được công bố cách đây 4 năm, sự hỗn loạn toàn cầu có xu hướng tăng lên, trong khi một số lợi thế cạnh tranh của Mỹ đang xói mòn dần”, ông Dempsey thừa nhận như vậy với các phóng viên.

Xác định Nhật Bản, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Australia và Hàn Quốc là các đối tác hàng đầu, Chiến lược quân sự quốc gia của Mỹ năm 2015 nhấn mạnh việc tăng cường mạng lưới các đồng minh và đối tác đóng vai trò “trung tâm” trong nỗ lực gìn giữ hòa bình và an ninh. Điều này dường như phản ánh ý định của Mỹ dựa dẫm nhiều hơn vào các đồng minh giữa lúc Washington đang thắt chặt chi tiêu.
Một điểm đáng chú ý là, nếu như Chiến lược quân sự quốc gia năm 2011 đề cập rất ít về Nga, thì bản chiến lược năm nay đã chỉ đích danh Nga và Trung Quốc là hai quốc gia đang đe dọa các lợi ích của Mỹ. Bản báo cáo này cũng cho rằng có sự hiện diện quân sự của Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine mặc dù Mátxcơva luôn bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc cho rằng nước này đang triển khai lực lượng quân sự đến miền Đông Ukraine để hậu thuẫn cho lực lượng ly khai.

Với Trung Quốc, phía Mỹ quan ngại về việc Bắc Kinh xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông, cho rằng hoạt động này đang "làm gia tăng căng thẳng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

Ngoài ra, báo cáo chiến lược còn nhắc tới các "mối đe dọa trực tiếp với Mỹ và an ninh khu vực" như Iran và Triều Tiên, những nước được cho là đang sở hữu năng lực chế tạo tên lửa đạn đạo và hạt nhân tân tiến. Báo cáo đồng thời nhấn mạnh, quân đội Mỹ cần sẵn sàng đối phó với các tổ chức khủng bố cực đoan, đặc biệt là nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Chiến lược khẳng định trong tương lai, các cuộc xung đột sẽ xảy ra nhanh hơn, kéo dài hơn với năng lực quân sự ngày càng tân tiến hơn.

Bản chiến lược của Mỹ cũng bày tỏ sự quan ngại về những nước đang phát triển các năng lượng công nghệ tối tân có thể khiến quân đội Mỹ mất đi ưu thế trong lĩnh vực này. “Khi được ứng dụng vào các hệ thống quân sự, việc phổ biến công nghệ đang thách thức những lợi thế cạnh tranh lâu nay của Mỹ, ví dụ như khả năng cảnh báo sớm và tấn công chính xác”, báo cáo chiến lược viết.

Ngay sau khi Mỹ công bố bản chiến lược quân sự quốc gia 2015, tờ Sputnik của Nga đã nhanh chóng có bài phản pháo. Theo tờ báo này, bản Chiến lược quân sự quốc gia năm 2015 của Mỹ được công bố ngày 1-7 vừa qua cho thấy một bước chuyển chiến lược mới của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tờ báo của Nga cũng chỉ ra rằng, trong khi Chiến lược quân sự quốc gia mới của Mỹ nói về những hành động quân sự của Nga làm phương hại đến an ninh khu vực nhưng lại không đả động gì đến sự can thiệp, dính líu của Mỹ vào chiến dịch không kích ở Yemen. “Bản chiến lược củng cố thêm một số cách nghĩ cũ kỹ, lỗi thời về một “mối đe dọa” tưởng tượng mang tên nước Nga đối với hòa bình thế giới trong khi phớt lờ chính những hành động dọa dẫm, gây bất ổn của Washington”, tờ Sputnik kết luận.
 
Theo Bình Nguyên
Quân đội Nhân dân