Chiến lược quân sự mới của Mỹ, nhìn từ phản ứng trong khu vực
(Dân trí) - Chấm dứt các chiến dịch quân sự trên bộ kéo dài, ưu tiên châu Á–là thông điệp chiến lược quân sự mới của Mỹ.Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia đã lên tiếng về động thái “ý nghĩa” với khu vực, trong bối cảnh Washington cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng.
Tổng thống Barack Obama cùng với các lãnh đạo quốc phòng của Mỹ đang nghiên cứu một bộ máy quân sự gọn nhẹ hơn nhưng hiệu quả hơn
Nợ công chồng chất đã buộc Mỹ phải cắt giảm ngân sách nhà nước, trong đó có phần liên quan đến quốc phòng. Sự kiện này đã làm dấy lên mối lo ngại là vai trò của Mỹ trên thế giới, nhất là tại châu Á – nơi Mỹ đã nhiều lần công khai là “trọng tâm chuyển dịch” trong các chính sách ưu tiên của mình - có thể bị tác động.
Mỹ đã khôn khéo “giải quyết” lo ngại này trong bài tuyên bố ngày 5/1 của Tổng thống Mỹ về chiến lược quốc phòng mới với khoản ngân sách eo hẹp.
Ngân sách quốc phòng mà ông Obama loan báo sẽ được thực hiện trong vòng 10 năm với mức cắt giảm lên tới hơn 450 tỷ USD. Chiến lược quân sự mới của Mỹ sẽ hướng vào việc giảm quân số, đặc biệt là bộ binh, hiện đại hóa vũ khí, khí tài, nâng cao khả năng tác chiến của không quân và hải quân.
“Lực lượng vũ trang phải có khả năng giáng trả các nguy cơ mới xuất hiện, và Mỹ sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương để bảo vệ lợi ích của Mỹ”, nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ.
Tổng thống Barack Obama cùng với các lãnh đạo quốc phòng của Mỹ đang nghiên cứu một bộ máy quân sự gọn nhẹ hơn nhưng hiệu quả hơn để không làm ảnh hưởng uy tín cường quốc mạnh nhất trên thế giới của mình. Cần lưu ý rằng phần lớn ngân sách quốc phòng Mỹ hiện được chi cho việc trả lương và chăm sóc y tế cho các quân nhân Mỹ, những người liên tục có mặt trên những chiến trường.
Lầu Năm Góc nhấn mạnh động thái này không chỉ nhằm cắt giảm 500 tỉ USD mà còn vì đáp ứng với những thay đổi trên thế giới.
Châu Á-Thái Bình Dương một lần nữa được Mỹ đặt làm ưu tiên hàng đầu. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói rằng đây là một bước thay đổi lịch sử đối với tương lai và khẳng định khu vực Châu Á-Thái Bình Dương giờ trở thành một trọng tâm lớn hơn “vì khu vực đang ngày càng có tầm quan trọng đối với tương lai của Mỹ xét cả về kinh tế lẫn an ninh quốc gia”.
Còn giới phân tích lại lưu ý rằng không nghi ngờ gì nữa, mục đích của chiến lược quốc phòng mới phát đi từ Lầu Năm Góc là để giúp Mỹ có thể đối phó với hai thách thức chính là Trung Quốc tại châu Á và Iran ở Trung Đông. Những “môi trường” mà các đối thủ tìm cách ngăn không cho Mỹ tiếp cận được ông Obama gợi lên có thể được hiểu là Biển Đông, mà Bắc Kinh đòi chủ quyền trên hơn 80% diện tích, và gần đây hơn là eo biển Hormuz mà Iran dọa phong tỏa.
Trung Quốc – hoan nghênh và cảnh báo
Theo các nhà quan sát, dù Tổng thống Obama không hề nêu đích danh, nhưng rõ ràng là chiến lược quân sự mới của Mỹ nhắm vào Trung Quốc đang không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự để thách thức vai trò cường quốc châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ đang nắm giữ.
Cho đến chiều 6/1, Bắc Kinh chưa lên tiếng về sự kiện này, nhưng báo chí Trung Quốc dành nhiều “đất” để đưa tin về chính sách quốc phòng mới của Mỹ, một số báo tỏ thái độ thận trọng về chính sách này.
Hãng tin chính thức của Trung Quốc Xinhua đã lập tức công bố một bài bình luận với lời lẽ thận trọng với nội dung Trung Quốc sẽ hoan nghênh việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương nếu điều đó phục vụ mục đích củng cố hoà bình và sự ổn định trong khu vực.
Xinhua cảnh báo kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực này sẽ mang lại kết quả chỉ nếu Washington từ bỏ những lời lẽ theo kiểu “Chiến tranh Lạnh”; rằng Washington không nên tuyên truyền tâm lý hiếu chiến trong khu vực vì điều đó sẽ tạo nguy cơ đe dọa hoà bình chứ không phải củng cố sự ổn định ở khu vực này.
“Khi tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ không có hành động thị uy, vì điều đó chỉ phá hoại thay vì củng cố hòa bình”, báo viết.
Tờ Nhân dân Nhật báo cũng đưa tin bài về chiến lược quốc phòng mới của Mỹ. Nhưng cũng như Xinhua, tờ báo không chỉ trích chiến lược đó cũng như không đưa ra bất kỳ nhận định nào đặt Trung Quốc trong mối liên hệ với sự dịch chuyển trong chính sách của Mỹ.
Riêng tờ Global Times của đưa tin chi tiết về chiến lược này và dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc nói rằng, Mỹ rõ ràng đặt Trung Quốc trong tầm ngắm. “Rõ ràng Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ quân sự và điều này với Trung Quốc là rất bất lợi. Tuy nhiên, Trung Quốc nên giữ bình tĩnh và cứ tiếp tục con đường phát triển của mình trong thập kỷ tới”.
Hàn Quốc, Nhật Bản –những nỗi băn khoăn khác
Về chiến lược Mỹ, Hàn Quốc lại có mối băn khoăn khác Trung Quốc. Cho dù Tổng thống Mỹ trấn an rằng các cắt giảm quốc phòng được thông báo hôm qua sẽ không được thực hiện mà không xét tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng giới chức ở Seoul đang lo những cắt giảm lớn về quốc phòng của Washington sẽ tác động tới lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc và như vậy, sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ chiến lược quốc phòng của Seoul.
Hàn Quốc là nơi Mỹ vẫn duy trì 28.000 binh sĩ và vẫn hoạt động gần 20 căn cứ và doanh trại kể từ khi bắt đầu sự hiện diện thường trực trên bán đảo sau khi bùng ra cuộc chiến Triều Tiên năm 1950.
Các nhà phân tích quốc phòng Hàn Quốc cho biết họ quan ngại rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, việc quân đội Mỹ cắt bớt ngân sách quốc phòng đồng nghĩa với chuyện có ít quân tiếp viện bộ binh của Mỹ và sẽ mất nhiều thời gian hơn để lực lượng có thể tới được Hàn Quốc.
Trên nguyên tắc, hai miền Triều Tiên vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh vì hai nước chưa ký một hòa ước mà chỉ ký vào hiệp định đình chiến năm 1953 sau 3 năm xảy ra xung đột tàn phá khắp bán đảo Triều Tiên.
Hiện thời, các lực lượng Hàn Quốc sẽ nằm dưới quyền chỉ huy của quân đội Mỹ nếu xảy ra một cuộc đụng độ như trong quá khứ. Tuy vậy, tin mới nhất, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-bin cho biết các giới chức Mỹ đã nói rõ với ông rằng họ cam kết tăng cường hợp tác an ninh tại khu vực bất chấp cắt giảm ở các nơi khác.
Trong khi đó, tại Tokyo, Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Ichikawa Yasuo nói rằng chiến lược quốc phòng mới của Mỹ có khả năng sẽ không ảnh hưởng tới các chính sách của Nhật Bản.
Ông nói rằng chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục thảo luận các chính sách cụ thể với Mỹ. Ông Ichikawa cũng nói rằng Nhật Bản hoan nghênh lập trường của Mỹ trong việc đặt trọng tâm lớn hơn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Australia tìm cơ hội lớn ở châu Á
Australia đang hy vọn sẽ rất có lợi từ chiến lược quốc phòng mới của Mỹ. Giới phân tích quân sự nói rằng chiến lược mới của Mỹ đồng nghĩa rằng Australia sẽ có vai trò lớn hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Rod Lyon, giám đốc Chương trình Quốc tế và Chiến lược thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận định: mặc dù tái định hướng chiến lược của mình theo hướng tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương nhưng Mỹ cũng mong muốn các đối tác, trong đó có Australia, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chung.
“Mỹ mong muốn Australia tham gia vào nhiều lĩnh vực, không chỉ không gian quân sự truyền thống mà còn cả không gian ảo và không gian vũ trụ, và như vậy Australia cần tăng cường năng lực của mình hơn nữa để có thể đáp ứng được vai trò này”, ông nói.
Đại sứ Australia tại Washington Kim Beazley, người từng giữ cương vị Thứ trưởng Quốc phòng, gọi đây là một cơ hội lớn cho Australia. Ông cũng khẳng định rằng quan hệ giữa Australia với Trung Quốc sẽ không hề bị ảnh hưởng gì cho dù trọng tâm của Mỹ rõ ràng là nhằm đối phó với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.
“Đây là cam kết với cả thế giới, với những người có quyền tiếp cận các tuyến đường thủy quan trọng ở khu vực Đông Á, vốn rất cần cho thương mại của họ. Đây chính là sự hậu thuẫn của Mỹ nếu ta xét đến một giải pháp cho bất kỳ xung đột biên giới nào, đặc biệt là xung đột biên giới trên biển tại Đông Nam Á, theo một cách thức phù hợp với nguyên tắc pháp lý quốc tế”, ông Beazley phân tích.
Các nước châu Á đang lo ngại trước đà vươn lên về mặt quân sự của Trung Quốc, nước trong thời gian gần đây không ngần ngại dùng uy thế của mình để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ từ vùng biển Hoa Đông, đến vùng Biển Đông.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, do tính vượt trội của quân đội Mỹ, việc giảm ngân sách quốc phòng sẽ không gây ra nhiều ảnh hưởng đến an ninh ở châu Á. Dù cho ngân sách quân sự có bị cắt giảm, nhưng vì nền quốc phòng Mỹ vẫn thuộc loại hùng mạnh nhất thế giới hiện nay, vai trò của Mỹ trên trường quốc tế sẽ không bị tổn hại.
Riêng tại vùng châu Á, giới phân tích cho rằng Mỹ không chỉ tiếp tục duy trì sự hiện diện của lực lượng Hải quân Mỹ của họ, mà lại còn tăng cường các mối quan hệ với các quốc gia đồng minh, từ Thái Lan cho đến Philippines, và mở rộng liên lạc với các nước khác như Indonesia.
Phải nói là hiện nay, chi phí quân sự hàng năm của nước Mỹ lên đến 700 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia khác trên thế giới. Theo một số ước tính, ngân sách quốc phòng của Mỹ tương đương với hơn 40% chi phí quân sự của toàn thế giới cộng lại. Ngay cả khi tính tỷ lệ ngân sách quốc phòng so với Tổng sản phẩm quốc nội GDP, Mỹ vẫn là nước giữ kỷ lục về mức chi cho quân sự.