Chiến lược liên kết quân sự giúp Ấn Độ có thể kiềm tỏa Trung Quốc
(Dân trí) - Dù quan hệ giữa 2 nước láng giềng Ấn Độ-Trung Quốc đang dần tốt hơn, nhưng giới chuyên gia cho rằng việc New Delhi bắt tay với những cường quốc quân sự lớn như Mỹ và Nga là động thái nhằm kiềm tỏa sức ảnh hưởng và tính toán chiến lược của Trung Quốc trong khu vực.
SCMP dẫn lời giới quan sát cho rằng vào thời điểm hiện tại Ấn Độ đang thi hành chính sách đa dạng hóa liên kết quân sự trên toàn thế giới.
Trong tuần vừa qua, lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc đã thực hiện cuộc tập trận Hand-in-Hand 2018 với mục tiêu liên kết chống khủng bố. Cuộc tập trận diễn ra ở Thành Đô và dự kiến kéo dài trong 14 ngày. Đây vốn là cuộc diễn tập diễn ra từ năm 2013 nhưng bị hoãn năm ngoái do New Dehli-Bắc Kinh xung đột ở khu vực Doklam do Trung Quốc tiến hành dự án xây đường tại đây.
Việc 2 nước lớn ở Đông Á nối lại tập trận chung cho thấy họ phần nào đã xoa dịu căng thẳng. Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang có kế hoạch hợp tác quân sự với những quốc gia khác, động thái được cho là New Delhi muốn tìm cách kiềm tỏa chiến lược của Bắc Kinh tại khu vực.
Trong năm nay, họ đã thực hiện phần 1 cuộc tập trận Avia Indra hồi tháng 9 với không quân Nga. Dự kiến, phần 2 sẽ diễn ra ở Ấn Độ trong tuần tới. Song song với đó, hải quân 2 nước cũng sẽ tập trận chung trong thời gin tới.
Ngoài ra, New Delhi cũng đang tiếp tục gia tăng quan hệ với Mỹ. Không quân 2 quốc gia đang thực hiện cuộc tập trận Cope 18 kéo dài 11 ngày ở Tây Bengal, dự kiến kết thúc trong ngày hôm nay.
Chuyên gia Collin Koh thuộc ngành nghiên cứu quốc tế, đại học Nanyang, Singapore nhận định rằng chiến lược gia tăng liên kết quân sự của Ấn Độ là nhằm kiềm tỏa lại tham vọng gia tăng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực.
“Việc Ấn Độ hợp tác an ninh và quốc phòng với các cường quốc trên thế giới giúp nâng cao khả năng hợp tác với các đối tác nước ngoài và khiến Trung Quốc gặp khó trong chiến lược của họ”, ông Koh nhận xét.
Quan hệ quân sự-chính trị cũng như vũ khí giữa Ấn Độ và Mỹ tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây. Theo một thống kê, Washington đã bán cho New Delhi 15 tỷ USD tiền vũ khí trong thập niên vừa qua. Ấn Độ cũng nằm trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ nhằm kìm chế tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Trước đó, Ấn Độ đã cùng Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tham gia các cuộc thảo tuận về tự do hàng hải, chống khủng bố và an ninh biển ở châu Á bên lề hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tháng 11 ở Singapore. Giới quan sát đánh giá những cuộc gặp gỡ này có thể được coi là sự hồi sinh “Đối Thoại An Ninh Tứ Giác” (Quadrilateral Security Dialogue), một cuộc họp thường niên không chính thức, bắt đầu được tổ chức ở Ấn Độ từ năm 2007 và kéo dài trong 3 năm. Các cuộc họp này tập trung tìm ra chiến lược đối phó việc Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng kinh tế và quân sự tại châu Á.
Giáo sư Debasis Dash của đại học Malaya (Malaysia) cho rằng thông điệp của Ấn Độ là họ có thể trở thành một người bạn đáng tin cậy với Nga hơn là Trung Quốc. Ngoài ra, việc Ấn Độ nâng cao quan hệ với Mỹ sẽ nâng cao vị thế của họ trong khu vực.
Đức Hoàng
Theo SCMP