1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến lược giúp Trung Quốc "nuôi dân" tại thành phố bị phong tỏa

Thành Đạt

(Dân trí) - Chính quyền Trung Quốc từng triển khai hàng loạt biện pháp để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người dân ở các thành phố bị phong tỏa vì dịch Covid-19.

Chiến lược giúp Trung Quốc nuôi dân tại thành phố bị phong tỏa - 1

Nhân viên cộng đồng và tình nguyện viên đeo khẩu trang phân loại và đóng gói hàng hóa từ một siêu thị ở Vũ Hán, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Vào giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 vào tháng 4 năm ngoái, hơn 230 triệu người ở Trung Quốc bị hạn chế đi lại theo lệnh cách ly lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Một trong những mối quan tâm hàng đầu đối với các quan chức chính phủ cũng như người dân Trung Quốc khi lệnh phong tỏa được triển khai là việc đảm bảo nguồn cung thực phẩm.

Mặc dù có một số thông tin trên mạng xã hội Trung Quốc về tình trạng người dân đổ xô tích trữ, giá thực phẩm tăng vọt và lo ngại về độ tươi ngon của thực phẩm, nhưng nhìn chung nguồn cung và giá cả thực phẩm tại các thành phố bị phong tỏa ở Trung Quốc vẫn ổn định.

Vì tình trạng thiếu lương thực có thể trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia trong bối cảnh virus lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới, các chuyên gia cho rằng có nhiều điều cần học hỏi từ các biện pháp "an ninh lương thực" của Trung Quốc.

Đa dạng nguồn cung 

Theo CNA, một yếu tố quan trọng trong việc duy trì an ninh lương thực là sự đa dạng của các hình thức cung cấp thực phẩm ở các thành phố của Trung Quốc. Dịch bệnh đã tạo ra một cú hích bất ngờ cho các thị trường thực phẩm trực tuyến do khu vực tư nhân điều hành, hay được gọi là "các doanh nghiệp bán lẻ mới" ở Trung Quốc.

Trong bối cảnh hàng triệu người bị mắc kẹt ở nhà, chợ thực phẩm trực tuyến đã trở thành hình thức bán lẻ thực phẩm được nhiều người lựa chọn. Ở các thành phố nơi thương mại điện tử phát triển mạnh, việc mua bán thực phẩm nhanh chóng được chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến.

Ước tính số lượng người dưới 25 tuổi mua sản phẩm tươi sống từ các chợ trực tuyến đã tăng hơn 250%, trong khi những khách quen trên 55 tuổi tăng gần 400%.

Hàng triệu đơn đặt hàng thực phẩm trực tuyến được đặt mỗi ngày và được giao đến tận nhà của người mua hoặc khu vực tập kết trong các tòa chung cư để người dân đến nhận.

"Chương trình rổ rau"

Chiến lược giúp Trung Quốc nuôi dân tại thành phố bị phong tỏa - 2

Nhiều người dân ở Vũ Hán trông cậy vào các dịch vụ mua sắm trực tuyến để có thực phẩm tiêu dùng (Ảnh: AFP).

Các chợ thực phẩm trực tuyến ở Trung Quốc sẽ không thể thành công nếu không thực hiện chính sách an ninh lương thực đô thị dài hạn có tên gọi "chương trình rổ rau".

Được đề xuất vào năm 1988, "chương trình rổ rau" yêu cầu các thị trưởng thành phố chịu trách nhiệm cung cấp, đảm bảo mức giá ổn định và độ an toàn của thực phẩm ngoài ngũ cốc, chủ yếu là sản phẩm tươi như rau và thịt.

Vũ Hán, tâm dịch Covid-19 ở Trung Quốc hồi năm ngoái, nằm trong số 35 thành phố lớn được chính quyền trung ương đánh giá trực tiếp 2 năm một lần về hiệu quả thực hiện "chương trình rổ rau".

Các thành phố sẽ được đánh giá cao nếu có những cải tiến về cơ sở vật chất giao hàng trong các khu dân cư, như thiết lập các tủ được bảo vệ bằng mật mã để giao và lấy thực phẩm, đồng thời đảm bảo sự đa dạng của các cửa hàng thực phẩm như siêu thị, cửa hàng thực phẩm nhỏ và quan trọng nhất là chợ bán đồ tươi sống.

Việc đánh giá nghiêm ngặt của chính quyền Trung Quốc nhằm đảm bảo sự đa dạng cũng như mạng lưới rộng khắp của các nguồn cung thực phẩm tươi và thịt cho người dân ở mọi khu vực. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các thành phố từng được chính quyền đánh giá cao đã có thể thích ứng và đảm bảo an ninh lương thực.

Các chính quyền địa phương cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể về tỷ lệ tự cung tự cấp các loại thực phẩm khác nhau nhằm thể hiện cam kết của họ đối với "chương trình rổ rau". Ví dụ, thành phố Nam Kinh, với dân số 8 triệu người, đặt mục tiêu tự cung tự cấp 90% rau xanh trong giai đoạn 2008-2012.

Các mục tiêu sản xuất lương thực tại các địa phương này đi kèm với các kế hoạch bảo vệ đất nông nghiệp nghiêm ngặt. Các thành phố của Trung Quốc thường có nhiều khu vực thị trấn lớn bên ngoài các quận nội thành. Đất nông nghiệp ở các thị trấn này được bảo vệ cho mục đích thực hiện "chương trình rổ rau".

Dự trữ lương thực

An ninh lương thực ở Trung Quốc cũng được củng cố bởi hệ thống dự trữ lương thực. Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã vận hành một hệ thống thu mua ngũ cốc và thịt lợn dư thừa với mức giá tối thiểu, đồng thời giải phóng lượng dự trữ ra thị trường trong trường hợp thiếu lương thực và giá cả tăng.

Năm 2018, tổng dự trữ ngũ cốc của Trung Quốc được ước tính là 120 triệu tấn ngô, 100 triệu tấn gạo, 74 triệu tấn lúa mì và 8 triệu tấn đậu nành. Dự trữ ngũ cốc khẩn cấp đảm bảo cung cấp ngũ cốc tinh chế trong 10-15 ngày tại các thành phố lớn.

Để đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19, chính phủ Trung Quốc đã thay đổi lượng lương thực dự trữ ở các địa phương khác nhau. Chính quyền trung ương cũng cung cấp một lượng lớn lương thực dự trữ cho thị trường của các thành phố lớn.

Đảm bảo hậu cần

Chiến lược giúp Trung Quốc nuôi dân tại thành phố bị phong tỏa - 3

Một người dân sử dụng điện thoại di động để thanh toán rau mua theo đơn đặt hàng ở Vũ Hán (Ảnh: Reuters).

Theo ghi nhận của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, để đảm bảo việc vận chuyển nông sản thuận lợi trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, các phương tiện vận chuyển nông sản tại Trung Quốc được phép đi qua "luồng xanh" tại các trạm kiểm dịch hoặc trạm thu phí bằng cách chỉ cần có giấy thông hành do chính quyền cấp tỉnh cấp.

Giấy này cho phép các phương tiện không bị yêu cầu đỗ xe, trả phí hoặc bị kiểm tra, dẫn đến mất thời gian. Các nhân viên tại trạm kiểm soát cũng hỗ trợ khử trùng phương tiện để đảm bảo vận chuyển nhanh chóng và an toàn. Sau khi đến nơi giao hàng, các nhà chức trách sẽ đo nhiệt độ của tài xế, ghi lại thông tin lịch trình và khử trùng phương tiện.

Tháng 1/2020, Cục Thuế Nhà nước Trung Quốc thông báo rằng bất kỳ khoản thu nhập nào từ việc vận chuyển các mặt hàng trọng yếu trong thời kỳ khủng hoảng, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, đều được miễn thuế giá trị gia tăng. Chính phủ cũng hỗ trợ tài chính để cải thiện các cơ sở lưu trữ và bảo quản lạnh tại chỗ cho các nông trại gia đình và hợp tác xã, nhằm đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng thực phẩm.

Giao hàng tận nhà

Theo Hu Xingdou, nhà kinh tế chính trị độc lập tại Bắc Kinh, cho biết: "Giao hàng tận nhà đóng một vai trò rất quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Ở một mức độ nào đó, dịch vụ này đã giúp người dân không bị chết đói, đặc biệt trong trường hợp chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp cứng rắn để phong tỏa".

Theo SCMP, trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh ở Trung Quốc, người dân chỉ tiếp xúc với nhau qua Internet. Do vậy, người mua chỉ cần đặt hàng trực tuyến với các nông dân, tiểu thương hoặc siêu thị để mua nhu yếu phẩm hàng ngày, sau đó các nhân viên cộng đồng hoặc tình nguyện viên sẽ giúp phân phối hàng hóa từ người giao hàng đến tay người dân.

"Dịch vụ giao hàng tận nhà phát triển mạnh của Trung Quốc đã giúp cuộc sống dễ dàng hơn nhiều vào thời điểm khủng hoảng", Liu Yilin, một giáo viên nghỉ hưu ở Vũ Hán, cho biết.

Mỗi sáng, ông Liu chuyển một tờ giấy có ghi tên, số điện thoại và số thứ tự của mình cho một nhân viên cộng đồng - người sẽ thu gom đồ từ một người chuyển phát nhanh ở cổng khu dân cư.

Nhờ mật độ dân số cao ở các khu vực thành thị, lực lượng lao động dồi dào và sự cởi mở của người dân với công nghệ kỹ thuật số, Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới giao hàng tận nhà phát triển.

"Cho dù đó là giao sản phẩm, bưu kiện hàng không, thực phẩm tươi sống hay thậm chí là thuốc hoặc vật liệu dùng trong y tế, Trung Quốc có một hệ thống giao hàng phát triển rất tốt, thậm chí tốt hơn nhiều so với hầu hết các nơi khác trên thế giới", Mark Greeven, giáo sư về đổi mới và chiến lược tại Trường Kinh doanh IMD ở Lausanne, Thụy Sĩ nhận định.