1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến lược gây sức ép của Mỹ với NATO: Phá vỡ hay đổi mới liên minh?

Chiến lược gây sức ép của Tổng thống Trump với NATO khiến giới phân tích đặt câu hỏi liệu ông Trump đang muốn phá vỡ hay đổi mới liên minh này?

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các đồng minh trong khối NATO chi trả nhiều hơn cho quốc phòng, đồng thời xem xét tái cơ cấu sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các nước đồng minh. Điều này khiến giới quan sát đặt câu hỏi mục đích thực sự của Tổng thống Donald Trump là gì? Liệu ông đang muốn tìm cách chấm dứt quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương hay củng cố mối quan hệ này?


Mỹ tăng cường gây sức ép với NATO. Ảnh: AP.

Mỹ tăng cường gây sức ép với NATO. Ảnh: AP.

Chiến lược gây sức ép

Tờ New York Times ngày 3/7 cho biết, Tổng thống Donald Trump đã gửi thư tới các nhà lãnh đạo NATO, trong đó có Đức, Bỉ, Na Uy và Canada, yêu cầu họ gia tăng chi tiêu quốc phòng và đe dọa thay đổi sự hiện diện quân sự của Mỹ. Hãng tin CNN dẫn một số nguồn tin ngoại giao nêu rõ, những lời lẽ trong thư rất gay gắt và cảnh báo Mỹ đang mất dần sự kiên nhẫn.

Theo New York Times, những bức thư gửi các nhà lãnh đạo khác có ngôn từ giống nhau, nhưng riêng bức thư gửi cho Thủ tướng Đức Angela Merkel lại có sự khác biệt và lời lẽ cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Trong thư có đoạn viết: “Như những gì hai bên đã thảo luận trong cuộc gặp hồi tháng 4 vừa qua, có sự thất vọng ngày càng gia tăng ở Mỹ về việc một số đồng minh không chịu tăng cường chi tiêu quốc phòng như đã hứa. Việc Đức tiếp tục chi tiêu ít hơn cho quốc phòng đang làm xói mòn an ninh của NATO, tạo cớ cho các đồng minh khác không đáp ứng những cam kết của họ về chi tiêu quốc phòng, bởi họ luôn coi Đức là hình mẫu noi theo”.

Tổng thống Trump cũng cảnh báo, Mỹ có thể thay đổi sự hiện diện quân sự của nước này trên toàn cầu nếu các đồng minh NATO không tăng cường chi tiêu để đảm bảo nền quốc phòng của riêng họ. “Ngày càng khó khăn để giải thích cho công dân Mỹ hiểu tại sao một số quốc gia không chia sẻ nền an ninh tập thể từ NATO trong khi binh sỹ Mỹ vẫn tiếp tục phải hy sinh tính mạng ở nước ngoài, hoặc trở về nhà với những vết thương trên cơ thể”, thư viết.

Tờ báo trên cho biết, Tổng thống Trump đã nói với Thủ tướng Đức Merkel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng nhiều nhà lãnh đạo khác rằng, ông biết về sức ép chính trị đang đè nặng lên vai các đồng minh này nhưng ông khẳng định, hiện giờ việc tăng chi tiêu cho quốc phòng vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Nhà Trắng đã từ chối bình luận bức thư của ông Trump, tuy nhiên hãng tin CNN dẫn lời người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết: “Tổng thống luôn giữ vững cam kết với các đồng minh như ông nhiều lần khẳng định. Tổng thống cũng bày tỏ rõ quan điểm rằng các đồng minh nên chung vai gánh vác một cách công bằng gánh nặng quốc phòng, an ninh và nỗ lực nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến họ”. Trước đó tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại xứ Wales (Anh) năm 2014, các thành viên trong khối đã cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng, tuy nhiên Tổng thống Trump nhiều lần phàn nàn rằng đồng minh đã không hoàn thành cam kết này.

Bức thư của Tổng thống Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ đang đánh giá chi phí của 35.000 binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại Đức, sau khi ông Trump tỏ ra quan ngại về việc Mỹ đang phải bỏ ra chi phí lớn để duy trì lực lượng này. Được tiến hành từ hồi đầu năm nay, bản đánh giá đã gây lo ngại đối với các đồng minh của Mỹ.

Phá vỡ hay đổi mới?

Câu hỏi đặt ra với các nhà quan sát chính sách đối ngoại và chuyên gia ở cả hai đầu Đại Tây Dương là Tổng thống Donald Trump đang cố gắng thực hiện điều gì sau chính sách cứng rắn và những lời lẽ gay gắt của ông.

Theo Martin Kettle, cây bút chuyên phân tích mảng chính trị của tờ Guardian, những lời lẽ trong thư cho thấy ông Trump thực sự bất bình, thậm chí không muốn duy trì liên minh NATO và ít quan tâm đến quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra vào tháng 6, ông Trump cho rằng “NATO cũng tồi tệ như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Mỹ đang phải tiêu tốn quá nhiều cho cả khối liên minh lẫn thỏa thuận này”.

Sau phát biểu trên, Tổng thống Trump đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi cho rằng ông đang phá vỡ cam kết hỗ trợ lâu dài cho liên minh. VOX dẫn lời Magnus Nordenman, chuyên gia an ninh Châu Âu tại Hội đồng Atlantic cho biết: “Đây là một sự so sánh vô cùng khập khiễng”.

Trong suốt thời gian lên nắm quyền, từ tháng 1/2017 đến nay, Tổng thống Donald Trump đã đảo ngược nhiều chính sách ngoại giao của các chính phủ tiền nhiệm như quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chuyển đại sứ quán đến Jerusalem, rút khỏi Hiệp định TPP, Hiệp định NAFTA. Và NATO cũng không thể thoát khỏi những định kiến từ nhà lãnh đạo Mỹ.

Vào tháng 5/2017, Tổng thống Trump đã không ủng hộ điều 5 của NATO về quyền phòng vệ tập thể, quy định một cuộc tấn công vào đồng minh là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh. Sau đó, khi trả lời phỏng vấn tờ New York Times, ông nói rằng Mỹ sẽ chỉ hỗ trợ đồng minh NATO nếu họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Mỹ, ám chỉ các thành viên trong khối chưa dành đủ 2% GDP cho quốc phòng. Các động thái của ông Trump khiến đồng minh hoài nghi liệu Mỹ có sẵn sàng trợ giúp khi NATO bất ngờ bị tấn công hay không.

Trước những lo ngại nêu trên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng biện minh, những gì Tổng thống Trump muốn là một sự tái thiết. Phát biểu với tờ Nhật báo phố Wall, ông Pompeo nói: “Khi Tổng thống đưa chỉ dẫn cho chúng tôi, ông thường đặt ra câu hỏi “Cơ cấu đó ảnh hưởng như thế nào tới Mỹ?” và ông luôn xác định nhu cầu cần phải tái thiết lại”.

Theo nhà ngoại giao Mỹ, Tổng thống Trump luôn khẳng định tầm quan trọng trong vai trò dẫn đầu của Mỹ và sẵn sàng hủy bỏ hoặc sửa chữa những thỏa thuận khiến nước Mỹ và người dân Mỹ bị bất lợi. Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh, mục tiêu của Mỹ là cải cách những quy tắc “thiếu công bằng”.

Tuần trước, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Wess Mitchell cho biết, cách tiếp cận của ông Trump với các đồng minh nhằm mục đích tạo ra “sự đổi mới chiến lược”, cuối cũng sẽ dẫn đến việc củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. “Củng cố mối quan hệ với phương Tây đồng nghĩa với việc đưa ra những quyết định khó khăn, thẳng thắng nêu ý kiến về những vấn đề chúng ta không nhất trí, hơn là chấp nhận một liên minh chỉ đoàn kết ở bề ngoài trong khi bên trong đầy mâu thuẫn”, ông Wess Mitchell nói.

Nhận định về vấn đề này, phát biểu với hãng tin Sputnik, ông Timofei Bordachev - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và toàn Châu Âu cho rằng, mục tiêu của ông Trump không phải là phá hủy Liên minh Châu Âu hay NATO, chỉ là ông không quan tâm đến các tổ chức này nhiều như những người tiền nhiệm.

“Tổng thống Trump đã tự đề ra nhiệm vụ tái cấu trúc toàn bộ hệ thống quan hệ nội hàm của thế giới phương Tây, vốn được tạo ra trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngày nay, hệ thống này đang rơi vào sự bế tắc. Phương Tây đã không còn đáp ứng được các lợi ích của Mỹ và Tổng thống Trump đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng EU, NATO và các tổ chức khác ở Châu Âu phù hợp với Mỹ”.

Nordenman, chuyên gia Hội đồng Atlantic cho biết: “Mặc dù Tổng thống Trump rất đúng khi hối thúc các đồng minh chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng nhưng Mỹ sẽ không vì một mâu thuẫn nhỏ mà khiến NATO tan vỡ bởi NATO là đồng minh của Mỹ và Mỹ là quốc gia dẫn đầu khối này”. Nếu Mỹ từ bỏ vai trò của mình thì NATO - một tổ chức quốc phòng mạnh mẽ được tạo ra vào năm 1949, với vai trò đảm bảo an ninh và ngăn chặn chiến tranh tại Châu Âu sẽ không còn là tổ chức chính trị, quân sự, mạnh mẽ và đáng tin cậy nữa.

Theo Hồng Anh

VOV