1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến lược của Trung Quốc sau thỏa thuận thuê trọn đảo ở Thái Bình Dương

(Dân trí) - Việc một công ty Trung Quốc tìm cách thuê trọn một đảo tại Solomon, quốc đảo vừa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, đã làm dấy lên lo ngại về khả năng Bắc Kinh thiết lập một căn cứ quân sự tại Thái Bình Dương.

Chiến lược của Trung Quốc sau thỏa thuận thuê trọn đảo ở Thái Bình Dương - 1

Một góc quần đảo Solomon (Ảnh: Reuters)

Chính quyền tỉnh Trung tâm thuộc quốc đảo Solomon ngày 22/9 đã ký một thỏa thuận “hợp tác chiến lược” với Tập đoàn Doanh nghiệp China Sam để phát triển hòn đảo Tulagi và các đảo lân cận thành đặc khu kinh tế. Đảo Tugali là nơi có cảng nước sâu tự nhiên của Solomon.

Theo thỏa thuận, China Sam, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh và có liên hệ chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc, sẽ thuê trọn vẹn đảo Tulagi trong thời hạn 75 năm. Tulagi, hòn đảo với diện tích khoảng 2 km2 với dân số 1.200 người, từng là nơi đặt căn cứ hải quân trước đây của Nhật Bản và là nơi diễn ra trận chiến ác liệt thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.

“Bên A (tỉnh Trung tâm) sẵn sàng cho bên B (China Sam) thuê toàn bộ đảo Tulagi và các đảo xung quanh để phát triển đặc khu kinh tế”, thỏa thuận cho biết.

Thông báo do China Sam phát đi hôm nay 17/10 cho biết công ty này cam kết sẽ hợp tác với Solomon trong nhiều lĩnh vực, gồm thương mại, cơ sở hạ tầng, ngư nghiệp và du lịch.

Một ngày trước khi thỏa thuận được ký kết, Trung Quốc và Solomon đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Trước đó, Trung Quốc đã thuyết phục quốc đảo Thái Bình Dương cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang thiết lập quan hệ với Bắc Kinh. Động thái này được cho là sẽ mở đường cho các khoản đầu tư và viện trợ của Trung Quốc vào Solomon.

Trung Quốc đã trải thảm đỏ đón Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare khi ông tới Bắc Kinh tuần trước và có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhân chuyến thăm này, nhà lãnh đạo Solomon đã ký thỏa thuận tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Thỏa thuận được cho là đặt ra những điều khoản cho dự án phát triển cơ sở dầu khí, vùng đánh bắt cá và nâng cấp sân bay tại Tulagi. Tuy nhiên, thỏa thuận thuê đảo hiện vẫn chưa rõ ràng. Điều này khiến chính quyền Solomon vấp phải phản ứng từ dư luận và buộc phải lên tiếng rằng thỏa thuận này vẫn chưa có giá trị ràng buộc.

Tranh cãi về mục đích của Trung Quốc

Chiến lược của Trung Quốc sau thỏa thuận thuê trọn đảo ở Thái Bình Dương - 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare trong cuộc gặp tại Bắc Kinh (Ảnh: AFP)

Việc công ty Trung Quốc thuê đảo Tulagi khiến nhiều người hoài nghi rằng, các dự án của Bắc Kinh tại khu vực này có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Mỹ và Australia là hai nước quan ngại nhiều nhất.

Giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Australia Peter Jennings cảnh báo thỏa thuận với China Sam có thể dẫn tới việc thiết lập một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở cửa ngõ của Australia, nhất là khi quốc đảo Solomon bị vỡ nợ do bất kỳ khoản vay nào với Bắc Kinh.

“Dường như vẫn thường có chiêu thức rằng, các công ty nhà nước Trung Quốc thuê một cảng hoặc sân bay, sau đó tiến hành dự án phát triển một chút, và tất cả đều lấy lý do là hỗ trợ du lịch hoặc ngư nghiệp”, ông Jennings cho biết.

“Nguy cơ ở đây đó là, những gì đang diễn ra chỉ là đòn chiến lược đầu tiên. Và đòn tiếp theo sẽ là sử dụng (cơ sở đó) cho hai mục đích (quân sự - dân sự) hoặc một cảng quân sự”, chuyên gia Jennings nói thêm.

Theo ông Jennings, quốc đảo Solomon nằm ở vị trí rất chiến lược và đây từng là nơi chứng kiến đà tiến của Nhật Bản bị chặn lại trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát toàn bộ hướng tiếp cận vào lục địa châu Á và nếu Bắc Kinh thành công, điều này sẽ gây khó khăn cho Mỹ trong việc tiến vào châu Á.

Ông Jennings cho biết sau khi Solomon chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc đại lục, Bắc Kinh đã đẩy mạnh nỗ lực để làm giảm ảnh hưởng của Australia cũng như ký nhiều thỏa thuận nhất có thể với Solomon.

“Đây là bước thụt lùi nghiêm trọng cho đà phát triển của Thái Bình Dương”, ông Jennings nói về thỏa thuận thuê đảo Tugali.

“Chính quyền của chúng tôi (Australia) sẽ cảm thấy lo ngại với những diễn biến tại quốc đảo Solomon. Những diễn biến này đang đi ngược lại với lợi ích của Australia”, chuyên gia Jennings nhận định thêm.

Giới phân tích cho rằng thỏa thuận thuê đảo tại Solomon của Trung Quốc là đòn thức tỉnh đối với Australia, giúp nước này cảnh giác trước các toan tính của Bắc Kinh trong khu vực.

Theo Jonathan Pryke, giám đốc chương trình Đảo Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Lowy, có khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng khoản đầu tư tại đảo Tugali để thiết lập hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương và điều này sẽ thay đổi cách Australia nhìn nhận về vấn đề an ninh trong khu vực.

Các nước lớn trong khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt là Australia, từ lâu vẫn lo ngại rằng, mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là thiết lập một căn cứ hải quân tại Thái Bình Dương. Điều này sẽ cho phép gia tăng đáng kể hiện diện quân sự của Bắc Kinh trong khu vực.

Ông Pryke cho biết việc Trung Quốc hứa hẹn thiết lập các đặc khu kinh tế tại những nước đang phát triển, đặc biệt là những nước đang “khao khát” các khoản đầu tư từ nước ngoài, không phải chuyện hiếm gặp.

“Mối lo ngại ở đây là những khu vực này có thể biến thành những khu vực phục vụ cho các hoạt động của Trung Quốc, sau đó phát triển theo thời gian và trở thành cơ sở chiến lược vĩnh viễn. Đảo (Tugali) tại Solomon có chỗ neo đậu nước sâu và có những công dụng chiến lược như vậy”, chuyên gia Pryke nhận định.

Theo Tiến sĩ Anne-Marie Brady, học giả về Trung Quốc tại Đại học Canterbury ở New Zealand, vị trí địa lý của của đảo Tulagi cho thấy đây là nơi có “vị thế tốt”.

“Trung Quốc đang mở rộng các cơ sở quân sự tại Nam Thái Bình Dương và tìm kiếm các cảng cũng như các sân bay thân thiện tương tự các cường quốc trỗi dậy khác trước họ”, tiến sĩ Brady nhận định.

Nhiều người dân tại Tugali đã thể hiện sự giận dữ trước thông tin hòn đảo này được cho thuê.

“Họ không thể đến và thuê toàn bộ hòn đảo như vậy. Mọi người đều thực sự lo sợ về nguy cơ Trung Quốc biến hòn đảo này thành căn cứ quân sự. Đó là điều thực sự khiến mọi người lo sợ, tại sao họ lại muốn thuê toàn bộ hòn đảo”, USA Today dẫn lời Michael Salani, chủ doanh nghiệp tại Tugali và là người đang soạn đơn thỉnh cầu để phản đối thỏa thuận của Trung Quốc, cho biết.

Thành Đạt

Theo AFP, Financial Review