1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến lược biển của Trung Quốc: Từ mục tiêu tới tham vọng

(Dân trí) - Biển ngày càng trở thành vũ đài quan trọng trên thế giới. An ninh biển gắn liền với an ninh quốc gia, sự sinh tồn và phát triển của dân tộc. Vì thế, các quốc gia biển đều cần xây dựng chiến lược phát triển biển. Trung Quốc cũng không ngoại lệ.

 

 

Bước sang thế kỷ 21, sự phát triển của xã hội loài người ngày càng phụ thuộc vào biển. Trong bối cảnh đó, lãnh hải và lãnh thổ trên biển có tầm quan trọng hiện thực hết sức to lớn đối với sự tồn tại cũng như phát triển của mỗi quốc gia biển, trở thành một trong những tuyến sinh mệnh quan trọng đối với vận mệnh của các quốc gia này trong tương lai. Chiến lược biển, do đó, đã trở thành một cấu phần thiết yếu trong chiến lược quốc gia và việc thực thi chiến lược biển cũng trở thành nhận thức chung của các quốc gia biển.

 

Xét trên bình diện quốc gia, chiến lược biển phải bao gồm đủ các nội dung: bảo vệ quyền và lợi ích biển, đảm bảo an ninh quốc gia, phát triển tài nguyên biển một cách khoa học, bảo vệ môi trường sinh thái biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, phát triển biển bền vững, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải và quan trọng nhất là phải tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế.

 

Thế nhưng với Trung Quốc, trong phát triển kinh tế biển và rộng hơn là chiến lược biển, nước này lại có cách hành xử riêng.

 

Kinh tế biển – “dĩ bất biến” nâng cao sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc

 

Xuất phát từ góc độ tiếp cận trên, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã xác định phải “lấy phát triển kinh tế biển làm trung tâm”. Cũng từ đó, kinh tế biển của Trung Quốc luôn phát triển với tốc độ cao hơn tốc độ phát triển bình quân của kinh tế quốc gia.

 

Trong quy hoạch 5 năm gần đây nhất được công bố năm 2010, Trung Quốc đã đẩy mạnh thêm một bước chiến lược phát triển kinh tế biển khi cho công bố “phương châm trăm chữ” về định hướng phát triển kinh tế biển một cách toàn diện trong tương lai. 

Phương châm trăm chữ của Trung Quốc: Quy hoạch cả trên đất liền và biển; hoạch định và thực thi phương hướng chiến lược phát triển biển, nâng cao năng lực phát triển, kiểm soát và quản lý biển toàn diện; quy hoạch khoa học các ngành kinh tế biển, phát triển dấu khí biển, vận tải biển, nghề cá biển…; phát triển và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển, tăng cường xây dựng các cảng cá, bảo vệ hải đảo, dải bờ biển và môi trường sinh thái biển; đảm bảo an ninh vận tải biển, bảo vệ quyền và lợi ích biển.

Phương châm này cho thấy kinh tế biển không chỉ là một cấu phần trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia của Trung Quốc, mà còn trở thành một bộ phận tối quan trọng của chiến lược đó.

 

Trong báo cáo tại Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 8/11 vừa qua, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào  khi đó cũng chỉ rõ mục tiêu lớn của Trung Quốc là phải trở thành “một cường quốc biển” trong tương lai. “Chúng ta cần phải nâng cao năng lực khai thác nguồn tài nguyên biển, kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích biển quốc gia, xây dựng cường quốc biển”, ông Hồ Cẩm Đào viết trong báo cáo.

 

Báo cáo cũng xác định mục tiêu vĩ mô về phát triển sự nghiệp hải dương của Trung Quốc, đồng thời vạch rõ các phương hướng tiến lên của Trung Quốc trong lĩnh vực biển.


Theo lập luận của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nếu tính theo chỉ số tài nguyên bình quân đầu người, Trung Quốc là nước “đất rộng nhưng tài nguyên không rộng”. Nguồn tài nguyên nước ngọt theo đầu người của nước này chỉ bằng 1/4 trung bình của thế giới. Trong số 45 loại khoáng sản thiết yếu cho phát triển kinh tế quốc dân thì có tới một nửa không đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Tài nguyên dầu khí trong đất liền cũng được xác định sẽ cạn kiệt trong vài năm tới nếu tiếp tục duy trì tốc độ khai thác bình quân hiện nay. Trong khi đó, khó khăn về thiếu hụt năng lượng, đặc biệt là điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, vẫn chưa có giải pháp thực sự đột phá.

 

Vì vậy, xét về lâu dài, kinh tế biển đối với Trung Quốc không gì thay thế được. Trung Quốc xác định biển là kho báu tài nguyên lớn hơn đất liền nhưng khai thác chưa nhiều.

 

Thông qua phát triển kinh tế biển, Trung Quốc có thể bù đắp khoản nước ngọt thiếu hụt, lợi dụng thủy triều và các dòng hải lưu để phát điện, đồng thời tăng cường khai thác hợp lý các tài nguyên khoáng sản biển như dầu mỏ, khí đốt, băng cháy, kim loại nặng và các nguồn hải sản.

 

Hay nói cách khác, phát triển kinh tế biển sẽ trở thành điểm đỡ quan trọng giúp quốc gia đông dân nhất thế giới (hơn 1,3 tỷ người) khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn lực cho phát triển. Kinh tế biển trở thành một phần sinh lực cốt yếu nâng cao sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế hiện đứng thứ hai thế giới.

 

Pháp lý – “ứng vạn biến” trong tuyên bố chủ quyền

 

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của phát triển kinh tế biển và xây dựng chiến lược biển, Trung Quốc một mặt đẩy mạnh xây dựng các định hướng và kế hoạch phát triển biển trong nước; mặt khác viện dẫn các quy tắc, luật định quốc tế có lợi cho việc mở rộng không gian biển của nước này.

 

Trong tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản trên biển Hoa Đông, Trung Quốc viện đến các quy định đề ra trong Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), đặc biệt là quy định các nước ven biển có quyền hoạch định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trong phạm vi 200 hải lý kể từ đường bờ biển. Sở dĩ Trung Quốc viện đến quy định này là vì quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku (theo cách gọi lần lượt của Trung Quốc và Nhật Bản) nằm cách tỉnh Hải Nam của nước này đúng 200 hải lý.

 

Tuy nhiên, Bắc Kinh quên mất một điều rằng Nhật Bản cũng có thể viện dẫn quy định tương tự, vì quần đảo này suy cho cùng cũng nằm cách tỉnh Okinawa của Nhật Bản đúng 200 hải lý. Lo sợ không đủ sức thuyết phục khi đưa ra tranh cãi, Trung Quốc Đại lục đã “chơi bài cao tay hơn” khi lôi kéo cả lãnh thổ Đài Loan vào cuộc.

 

 

Trung Quốc cho biết hai tàu hải giám hiện đã ở trong vùng biển của Senkaku/Điếu Ngư.

Tàu hải giám Trung Quốc trong vùng biển Senkaku/Điếu Ngư hồi đầu tháng 9.

 

Nhớ lại trước nay, Trung Quốc luôn khẳng định “chính sách một Trung Quốc” trong các quan hệ quốc tế, đồng thời kiên định quan điểm buộc các nước khác cũng phải công nhận chính sách này. Nhưng một khi đã lên tiếng công nhận, các nước sẽ phải thừa nhận Đài Loan thuộc lãnh thổ Trung Quốc Đại lục. Khi ấy, các nước sẽ khó bác bỏ được lập luận của Bắc Kinh cho rằng quần chuỗi đảo Điếu Ngư/Senkaku là thuộc chủ quyền Trung Quốc, vì quần đảo này chỉ cách Đài Loan chưa đầy 120 hải lý.

 

Thế nhưng, điều đáng lưu ý là sự viện dẫn luật biển quốc tế của Trung Quốc không được thực hiện một cách khách quan, nhất quán, mà liên tục thay đổi theo hướng “tiền hậu bất nhất”, miễn sao có lợi nhất cho nước này.

 

Để chiếm đoạt chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền thông qua cái gọi là “đường đứt đoạn 9 khúc”, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, ôm trọn hầu hết diện tích ở Biển Đông, bất kể khoảng cách địa lý có nằm trong giới hạn 200 hải lý hay không. Không chỉ thế, Trung Quốc còn đẩy nhanh thành lập cái gọi là “cơ quan hành chính Tam Sa” hầu khẳng định quyền quản lý trên diện tích biển lên tới 2 triệu km2, chiếm 2/3 diện tích Biển Đông.

 

Ở đây, có một điểm cần nói rõ là UNCLOS đem lại cho các nước quyền lợi trong việc thiết lập một trật tự pháp luật về biển, nhưng bên cạnh đó công ước này cũng ghi rõ: “Những việc mà UNCLOS chưa quy định, cần phải tiếp tục lấy những quy tắc và nguyên tắc trong luật quốc tế thông thường làm chuẩn mực”. Đây chính là kẽ hở để Trung Quốc có cớ “hành xử tùy hứng” theo kiểu “ứng vạn biến” như đề cập ở trên.

 

Mổ sẻ nguyên nhân gia tăng tranh chấp

 

Do tài nguyên đất liền giảm đi, còn mức độ khai thác tài nguyên biển tăng lên, ảnh hưởng của biển đối với kinh tế toàn cầu sẽ ngày càng lớn, vì vậy, các nước có xu hướng ngày càng coi trọng khai thác và sử dụng tài nguyên biển, hòng thông qua mở rộng phạm vi quản lý biển để tiến thêm một bước trong việc củng cố và mở rộng lợi ích liên quan đến tài nguyên đại dương.

 

Khu vực Đông Á và Đông Nam Á cạnh Trung Quốc hiện đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới và được coi là động lực giúp phục hồi kinh tế toàn cầu sau 4 năm suy giảm. Để phục vụ mục tiêu phát triển, việc tăng cường sử dụng các nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là lượng dầu khí phong phú ngoài khơi và các tài nguyên quý hiếm khác như băng cháy, đã trở thành động lực quan trọng đối với các nước. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể bao biện cho hành động độc chiếm Biển Đông và “lấn sân” ở Hoa Đông bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

 

Trong một bài viết mới đây đăng trên trang web của Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, Bắc Kinh đã nêu những quan điểm rất riêng về quyền lợi biển của nước này.

 

“Trung Quốc vừa có nhiệm vụ to lớn bảo vệ các quyền lợi biển trong phạm vi quản lý, vừa có nhu cầu cấp thiết bảo vệ lợi ích biển tại các vùng biển ngoài phạm vi này”, ông Lý Cảnh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, nêu trong bài viết “Nội hàm phong phú quyền lợi biển của Trung Quốc”.

 

 “Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo trong đường đứt khúc 9 đoạn và vùng biển phụ cận của nó được đánh dấu trên bản đồ, đồng thời được hưởng quyền lợi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường đứt khúc”, ông Lý Quang Cảnh viết.

 

Không chỉ thế, tác giả bài viết còn nêu yêu sách đòi lợi ích biển cả ở những vùng biển xa. “Quyền lợi biển quốc gia bao gồm hai hàm nghĩa. Một là các quyền lợi mà nhà nước có thể sử dụng trên biển và hai là, lợi ích có thể giành được và lợi ích cần được bảo vệ”, ông Lý Cảnh Quang viết.

 

Hàm nghĩa thứ hai ở đây ám chỉ việc Trung Quốc cũng có quyền bảo vệ các quyền lợi biển ngoài phạm vi quản lý, như các vùng biển quốc tế, vùng đáy biển quốc tế, Nam Cực và Bắc Cực.

Có lẽ do xuất phát từ quan điểm này, thời gian qua Trung Quốc đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động tại những vùng biển không thuộc phạm vi quản lý. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, nước này còn tiến thêm một bước khi tìm cách hợp thức hóa vùng biển của nước khác thành biển của mình. Việc Trung Quốc cho in chìm bản đồ có hình đường “lưỡi bò” trên mẫu hộ chiếu mới và xuất bản bản đồ về “thành phố Tam Sa” được thành lập trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam là những ví dụ điển hình.

 

Theo quy định của UNCLOS, các quốc gia ven biển có quyền hoạch định vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phù hợp với các quy định đề ra trong UNCLOS và luật pháp liên quan như “Luật vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”, “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp”. Đây là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để các nước xác lập các vùng biển thuộc phạm vi quản lý và đặc quyền quốc gia, từ đó khoanh vùng không gian và nguồn tài nguyên biển được phép khai thác, sử dụng.

 

Vì vậy, Trung Quốc dù có tự xem mình là nước lớn đến đâu thì cũng không thể đặt mình cao hơn luật pháp quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng diễn ra sâu rộng hiện nay.

 

Việt Giang