1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến lược biển của Trung Quốc: Chuỗi ngọc trai hay Con đường Tơ lụa trên biển?

Theo mạng tin "chinausfocus" từ năm 2005, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc thực hiện chiến lược "chuỗi ngọc trai", gồm các căn cứ trải dài từ Trung Đông đến Nam Trung Quốc.

Những viên ngọc trai này là các căn cứ hải quân hoặc các cảng biển có hệ thống nghe trộm điện tử được Trung Quốc xây dựng tại Myanmar, Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka, với mục tiêu khuyếch trương sức mạnh hải quân và bảo vệ các tàu chở dầu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cho đến nay, người ta vẫn không thể tìm thấy một căn cứ hải quân nào của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, mà bằng chứng rõ ràng nhất là hải quân Trung Quốc đã tham gia các hoạt động chống cướp biển tại Vịnh Aden suốt 5 năm qua mà chưa có căn cứ riêng nào. Tháng 12/2011, Ngoại trưởng của Seychelles, ông Jean-Paul Adam, đã mời Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự tại quốc gia châu Phi này, nhưng Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ trả lời rằng sẽ "xem xét" đề nghị của Seychelles và các nước khác.

Trung Quốc chỉ có hai mục đích tại Ấn Độ Dương là lợi ích kinh tế và an ninh của các tuyến đường biển (SLOC). Mục tiêu đầu tiên đang đạt được thông qua các tương tác thương mại với các quốc gia ven Ấn Độ Dương. Về mục đích thứ hai, từ cuối năm 2008, hải quân Trung Quốc đã tham gia các nỗ lực quân sự quốc tế chống nạn cướp biển tại các vùng biển ngoài khơi Somalia. Ấn Độ Dương đang trở nên ngày càng quan trọng với các lợi ích quốc gia ngày càng mở rộng của Trung Quốc, nhất là việc nhập khẩu năng lượng. Trung Quốc hiện nhập khẩu năng lượng từ khắp nơi trên thế giới, nhưng Trung Đông vẫn là nguồn nhập khẩu quan trọng nhất.

Cuối năm 2013, Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Vì thế, Ấn Độ Dương và an ninh của các SLOC - từ Bab-el-Mandeb tại Eo biển Hormuz đến Eo biển Malacca - trở nên rất quan trọng đối với Trung Quốc.

Cảng nước sâu Gwadar, Pakistan do Trung Quốc bỏ tiền đầu tư. Ảnh: EPA

Cảng nước sâu Gwadar, Pakistan do Trung Quốc bỏ tiền đầu tư. Ảnh: EPA

Hai quốc gia quan trọng nhất đối với tự do hàng hải của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương là Mỹ và Ấn Độ. Mỹ là quốc gia duy nhất có đủ khả năng kiểm soát những huyết mạch tại Ấn Độ Dương và cắt đứt các tuyến đường biển về Trung Quốc, nhưng dường như Mỹ sẽ không làm việc này, trừ phi xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực với Trung Quốc, bởi vì các SLOC là đường giao thông huyết mạch của tất cả các nước. Việc cắt đứt các SLOC của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc thường bị thổi phồng, nhưng Ấn Độ sẽ không thách thức Trung Quốc một cách không cần thiết. Đường vào, chứ không phải các căn cứ hải quân, mới là điều mà Hải quân Trung Quốc đang thực sự quan tâm tại Ấn Độ Dương. Những vùng biển quốc tế tại Ấn Độ Dương có thể thân thiện hơn nhiều so với các vùng biển đang tranh chấp ở Thái Bình Dương. Do Trung Quốc không có những tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ hay các nước khác tại Ấn Độ Dương, nên an ninh của các SLOC là có lợi cho tất cả các nước khác. Sứ mạng chống cướp biển hiện nay có liên quan đến hải quân của hơn 20 quốc gia và có thể trở thành mô hình hợp tác tương lai để giải quyết những nguy cơ chung tại Ấn Độ Dương.

Điều thú vị là tuyến đường mà các tàu hải quân Trung Quốc xuất phát từ phía Nam nước này để tham gia các chiến dịch chống cướp biển tại Ấn Độ Dương giống với "Con đường Tơ lụa trên biển" mà Đô đốc Trịnh Hòa và đội tàu của ông đã từng đi vào năm 1405. Hiện nay, ban lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách khôi phục "Con đường Tơ lụa trên biển" này. Trung Quốc đã lập Quỹ Hợp tác Hàng hải Trung Quốc - ASEAN trị giá 3 tỷ Nhân dân tệ dành cho kinh tế hàng hải, môi trường, hải sản, cứu hộ và liên lạc trên biển. Tháng 10/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất với ASEAN về việc xây dựng "Con đường Tơ lụa trên biển" của thế kỷ 21.

Tại Ấn Độ Dương, Trung Quốc đang hợp tác với các nước ven biển trong việc xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan và hành lang kinh tế Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar - Bangladesh. Các dự án lớn này, với đầu tư lớn từ Trung Quốc, có thể thay đổi một cách cơ bản tình hình chính trị và kinh tế của Ấn Độ Dương và làm lợi cho tất cả các nước trong khu vực. Các dự án này cũng sẽ giúp giảm nhẹ những quan ngại an ninh trong "Con đường Tơ lụa trên biển", từ những tranh chấp tại Biển Đông tới các nguy cơ xuyên quốc gia như cướp biển, cướp có vũ trang và khủng bố.

Theo TTK