1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến dịch trấn áp sau đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa kết thúc

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 27/7 cảnh báo có thể sẽ có thêm nhiều vụ bắt giữ khác sau vụ đảo chính quân sự bất thành xảy ra ở nước này.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, theo một sắc lệnh được đưa ra ngày 27/7, đã có thêm 149 tướng lĩnh nước này bị sa thải về tội đồng lõa trong cuộc đảo chính; 3 hãng thông tấn, 16 kênh truyền hình, 23 đài phát thanh và gần 130 tờ báo, tạp chí và nhà xuất bản bị đóng cửa.

Gần 50 nhà báo từng làm việc cho tờ báo Zaman có liên hệ với giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen cũng bị bắt giữ. Đây được xem là bước đi mới nhất trong chiến dịch truy quét trên diện rộng mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện sau cuộc đảo chính quân sự bất thành đêm 15/7 vừa qua.

Đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15/7. (Ảnh: Sputnik News).
Đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15/7. (Ảnh: Sputnik News).

Đợt trấn áp mới của chính quyền Tổng thống Erdogan diễn ra trước thềm một cuộc họp của Hội đồng quân sự tối cao của Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến sẽ chấp thuận một cuộc cải tổ lực lượng vũ trang triệt để nhất trong nhiều năm qua.

Theo Bộ Tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, cho tới nay đã có hơn 60.000 người trong đó có cả các binh lính, cảnh sát, thẩm phán, công tố viên, nhà báo và viên chức nhà nước bị bắt giữ hoặc bị sa thải do tình nghi liên quan hoặc ủng hộ cuộc nổi dậy quân sự vừa qua. Trong số đó có hơn 8.100 người đang chờ ngày xét xử.

Trước những lo ngại gia tăng của dư luận quốc tế về chiến dịch đàn áp quyết liệt trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt muôn vàn khó khăn ở trong nước và khu vực, Thủ tướng Yildirim vẫn khẳng định, sẽ tiếp tục cuộc điều tra và truy bắt những kẻ đứng sau âm mưu đảo chính: “Mối nguy hiểm vẫn chưa kết thúc, song các công dân Thổ Nhĩ Kỳ không nên quá lo lắng.Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm lập lại trật tự và cuộc sống sẽ dần trở lại bình thường”.

“Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải cảnh giác bởi nhiều khả năng có những hoạt động tấn công trả thù vì cuộc đảo chính thất bại. Chính vì thế, chúng tôi phải tiếp tục sử dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết để chống lại những âm mưu đó. Cũng có thể, có những thế lực thù địch muốn lợi dụng thời điểm này gây thêm sự hoảng loạn tại Thổ Nhĩ Kỳ”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh thêm.

Thủ tướng Yildirim cũng tuyên bố nước này quyết tâm dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen đang lưu vong ở Mỹ về nước để chịu trách nhiệm, bất chấp việc đến nay vị giáo sĩ Hồi giáo này tiếp tục phủ nhận cáo buộc là chủ mưu cuộc đảo chính.

Lo ngại về tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon lên tiếng kêu gọi chính quyền của Tổng thống Erdogan đưa ra những bằng chứng xác thực đối với các trường hợp bị bắt giữ, từ đó giúp tòa án có những quyết định hợp pháp.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ tin tưởng chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đoàn kết trong giai đoạn bất ổn hiện nay, để cùng nhau gìn giữ nền dân chủ quốc gia.

Theo giới quan sát, cuộc đảo chính bất thành và chiến dịch đàn áp quy mô tại Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra trong bối cảnh nước này đang ở trong tình thế rối bời của nhiều vấn đề an ninh chồng chéo. Bên trong nước, chính quyền Tổng thống Erdogan đang phải chống chọi với sự nổi dậy từ Đảng Công nhân người Kurd; còn bên ngoài là nguy cơ các chiến binh Hồi giáo IS tự xưng lợi dụng sự bất ổn để xâm nhập từ Syria./.

Theo Mai Liên/VOV-Trung tâm Tin/Tổng hợp