1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine kéo dài đến khi nào?

Thành Đạt

(Dân trí) - Báo cáo của các cơ sở nghiên cứu đã đưa ra nhận định về những tổn thất của Nga cũng như nỗ lực của Moscow trong việc tiếp tục duy trì cuộc chiến ở Ukraine.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine kéo dài đến khi nào? - 1

Xe tăng Nga ở Donetsk, miền Đông Ukraine năm 2022 (Ảnh: Reuters).

Theo một báo cáo được Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh công bố trong tuần này, Nga có thể duy trì cuộc xung đột ở Ukraine "thêm hai hoặc ba năm nữa", nhưng sẽ phải hy sinh "chất lượng để lấy số lượng" khi thay thế vũ khí bị phá hủy hoặc hư hỏng bằng các hệ thống cũ hơn được cất giữ trong kho.

Báo cáo của IISS ước tính Nga đã mất nhiều xe tăng trên chiến trường ở Ukraine hơn so với thời điểm bắt đầu chiến dịch quân sự cách đây gần 2 năm, nhưng những tổn thất này không thể khiến xung đột "sớm kết thúc".

"Mặc dù mất trung bình hàng trăm xe bọc thép và hệ thống pháo mỗi tháng, Nga vẫn có thể duy trì ổn định số lượng vũ khí đang hoạt động bằng cách kích hoạt lại các hệ thống cũ, tăng cường năng lực ngành công nghiệp quốc phòng và mua từ nước ngoài", IISS cho biết.

IISS ước tính Nga có thể "duy trì cuộc xung đột ở Ukraine thêm hai hoặc ba năm nữa, thậm chí có thể lâu hơn".

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine chuẩn bị bước sang dấu mốc 2 năm, với việc lực lượng Moscow tiến hành một loạt các cuộc tấn công dọc theo chiến tuyến dài gần 1.000km nhằm phá vỡ tình trạng "bế tắc" như cựu tướng hàng đầu của Ukraine từng mô tả vào năm ngoái.

Trong khi đó, Ukraine đang chuyển sang thế phòng thủ hơn sau khi cuộc phản công được kỳ vọng nhiều vào mùa hè năm ngoái không đạt được những kết quả như mong muốn, đồng thời Kiev phải vật lộn với những hạn chế về nhân lực và nguồn cung đạn dược từ phương Tây bắt đầu cạn kiệt.

Thượng viện Mỹ ngày 13/2 đã thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95,3 tỷ USD, bao gồm 60 tỷ USD hỗ trợ cho Ukraine, tạo ra một cuộc đối đầu với Hạ viện khi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho biết ông không có kế hoạch đưa dự luật ra thảo luận.

Trong báo cáo về cán cân quân sự hàng năm, IISS cho biết chi tiêu quốc phòng toàn cầu đã tăng 9% lên mức kỷ lục 2,2 nghìn tỷ USD vào năm 2023, khi thế giới phải đối mặt với "kỷ nguyên bất ổn".

Báo cáo cho biết chiến dịch quân sự của Nga đã thúc đẩy các nước châu Âu tăng cường chi tiêu quốc phòng và củng cố sức mạnh của NATO, nhưng phần lớn nguồn ngân sách bổ sung đang "phân bổ để khắc phục những thiếu sót sau nhiều năm hạn chế đầu tư".

Báo cáo lưu ý rằng Liên minh châu Âu đang trên đà bỏ lỡ "phần lớn" mục tiêu cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo 155mm vào tháng 3.

"Các chính phủ phương Tây một lần nữa rơi vào tình thế phải quyết định xem có cung cấp cho Kiev đủ vũ khí để giáng đòn quyết định không, hay chỉ cung cấp đủ vũ khí để Kiev không bị thua", Tổng giám đốc IISS Bastian Giegerich cho biết.

Tổn thất nặng nề

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine kéo dài đến khi nào? - 2

Nga được cho là mất nhiều xe tăng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine (Ảnh: Reuters).

Mặc dù Nga phải chịu tổn thất lớn về xe bọc thép kể từ tháng 2/2022, IISS cho biết "có rất ít dấu hiệu cho thấy Nga sẽ sớm chấm dứt giao tranh".

Báo cáo của IISS đã theo dõi các đội xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT), xe bọc thép chở quân (APC), xe chiến đấu bộ binh (IFV) và các phương tiện khác của cả Nga và Ukraine.

Theo IISS, số lượng MBT đang hoạt động của Ukraine "vẫn gần mức trước chiến tranh", trong khi số lượng APC và IFV của nước này "tăng lên nhờ sự hỗ trợ của phương Tây". Mặc dù vậy, IISS cảnh báo việc Ukraine triển khai các phương tiện "vượt quá nguồn cung", nghĩa là một số đơn vị không có đủ phương tiện để hoạt động hết công suất.

Trong khi đó, báo cáo cho biết Nga đã mất hơn 3.000 xe chiến đấu bọc thép chỉ trong năm qua, nhưng điều này được bù đắp bằng việc Moscow kích hoạt lại khoảng 1.200 MBT và gần 2.500 IFV và APC từ kho dự trữ. Mặc dù điều này có nghĩa là phải đánh đổi "chất lượng lấy số lượng", nhưng Nga cũng có khả năng sản xuất phương tiện mới.

Báo cáo kết luận Nga có thể duy trì tốc độ tiêu hao hiện tại trong tối đa 3 năm và có thể lâu hơn.

Báo cáo cũng nêu chi tiết về việc nền kinh tế Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế, vẫn trụ vững và Nga đã tăng chi tiêu quốc phòng cho năm 2024.

Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) đã công bố báo cáo trong tuần này về các mục tiêu và năng lực quân sự đang thay đổi của Nga.

"Nga vẫn duy trì mục tiêu chiến lược là kiểm soát các vùng lãnh thổ Ukraine. Bây giờ họ tin rằng họ đang chiến thắng", báo cáo của RUSI cho biết.

Theo RUSI, Nga sẽ tìm cách đạt được mục tiêu trong ba giai đoạn.

Đầu tiên, Nga sẽ tiếp tục gây áp lực dọc theo tiền tuyến Ukraine, tiêu hao đạn dược và nhân lực của nước này.

"Song song với nỗ lực này, Lực lượng Đặc nhiệm Nga được giao nhiệm vụ phá vỡ nỗ lực từ các đối tác quốc tế của Ukraine trong việc tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự", RUSI cho biết.

Sau đó, khi kho đạn dược của Ukraine cạn kiệt, Nga sẽ tiến hành các hoạt động tấn công mới nhằm tạo ra lợi thế đáng kể trên chiến trường, nhằm cố gắng giành được đòn bẩy đối với Kiev "để buộc Kiev phải đầu hàng theo các điều kiện của Nga".

Báo cáo dự đoán Nga đang lên kế hoạch đạt được chiến thắng này vào năm 2026.

Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng kết quả này có thể được ngăn chặn "nếu các đối tác của Ukraine tiếp tục cung cấp đủ đạn dược và hỗ trợ huấn luyện" cho lực lượng vũ trang Ukraine nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga vào năm 2024.

"Nếu Nga không có triển vọng đạt được lợi ích vào năm 2025, do không thể cải thiện chất lượng lực lượng cho các hoạt động tấn công, thì họ sẽ gặp khó khăn trong việc buộc Kiev phải đầu hàng vào năm 2026", báo cáo nhấn mạnh.

Cho đến nay, nhiều dự báo đã được đưa ra về thời điểm kết thúc cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Trong một bài viết cho tạp chí Le Point hồi tháng 1, nhà khoa học và nhà phân tích chính trị Bruno Tetre dự báo cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ kết thúc theo hướng có lợi cho Moscow và những gì còn lại của Ukraine sẽ nằm trong quỹ đạo chính trị của Nga.

Theo Bruno Tetre, cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ kết thúc vào tháng 10/2025. Trong tình trạng kiệt quệ vì xung đột kéo dài, tổng thống Ukraine sẽ ký một thỏa thuận ngừng bắn với tổng tư lệnh quân đội Nga.

Trong khi đó, ông Aleksey Arestovich, cựu cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng cuộc xung đột sẽ kéo dài đến năm 2035.

Bloomberg vào tháng 9 năm ngoái dẫn lời quan chức cấp cao của Nhóm G7 cho biết, xung đột Ukraine có thể kéo dài thêm 6-7 năm nữa.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico nhận định cuộc xung đột ở Ukraine đã bị đóng băng và có thể kéo dài đến năm 2029 hoặc 2030.

Theo Newsweek, CNN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm