1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Chiến dịch "Lá chắn sông Euphrates": Thổ Nhĩ Kỳ định chia lại quyền lực tại Syria?

(Dân trí) - Chiến dịch "Lá chắn sông Euphrates" của Thổ Nhĩ Kỳ được nhận định có thể xoay đổi cán cân ủng hộ của các lực lượng đối lập với Mỹ, nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ mà Washington có thể chấm dứt hậu thuẫn lực lượng người Kurd. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria có thể sẽ thay đổi đáng kể cán cân quyền lực tại quốc gia Trung Đông này trong thời gian tới.


Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hàng chục xe tăng vào Syria (Ảnh: Reuters)

Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hàng chục xe tăng vào Syria (Ảnh: Reuters)

Chiến dịch "Lá chăn sông Euphrates"

Nhật báo Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/8 đã đăng tải thông tin cho biết: "Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch vượt biên giới với tên gọi "Lá chăn sông Euphrates" cùng liên minh do Mỹ dẫn đầu tại thị trấn Jarablus nằm ở phía Bắc khu vực biên giới của Syria để truy đuổi các phần tử của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng". Báo này cũng cho biết thêm rằng "động thái của Thổ Nhĩ Kỳ được thực hiện sau hàng loạt vụ đạn pháo bắn từ Syria về phía thị trấn Karkamis của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới hôm 23/8".

Tuy nhiên, theo tờ Guardian của Anh, chiến dịch nêu trên cũng như các động thái ngoại giao trước đó của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy ưu tiên hàng đầu của Ankara là "ngăn chặn tham vọng giành lãnh thổ của các lực lượng người Kurd". Tuy nhiên, tình cảnh hiện nay khá trớ trêu khi có không ít các đơn vị người Kurd ở Syria đang nhận được sự ủng hộ của Mỹ - đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến "uỷ nhiệm" chống IS ở quốc gia Trung Đông này.

Tờ Guardian viết rằng: "Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai lực lượng ở Syria với sự hỗ trợ của Mỹ. Tuy nhiên, mục tiêu của họ lại là đẩy lùi những nhóm người Kurd vốn cũng nhận được sự ủng hộ từ Washington".

Dù các đơn vị dân quân người Kurd tại Syria (YGP) đã giành được không ít danh tiếng nhờ những trận chiến chống lại IS nhưng Mỹ đã đưa ra thông điệp rõ ràng rằng họ sẽ ưu tiên các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ hơn. Cụ thể hơn, Mỹ đã cử Phó Tổng thống Joe Biden tới hàn gắn quan hệ với Ankara trong bối cảnh căng thẳng có dấu hiệu xuất hiện trong quan hệ song phương sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng trước. Nhà phân tích Howard LaFranchi của trang tin Christian Science Monitor nhận xét: "Phó Tổng thống Biden đã cảnh báo lực lượng người Kurd ở Syria về việc Mỹ sẽ không tha thứ cho bất cứ động thái nào nhằm tranh thủ cuộc chiến chống IS để tiến vào khu tự trị của cộng đồng người Kurd tại khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ".

Bình luận về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria, nhà phân tích Tim Arango của tờ New York Times nhấn mạnh rằng "Lá chắn sông Euphrates" đã "cho thấy, kể cả sau vụ đảo chính bất thành, Tổng thống Tayyip Erdogan kiểm soát quân đội tới mức nào. Chiến dịch này cho phép ông cơ hội nắm lấy vai trò đầy tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua ở Syria".

"Sắp đặt lại cuộc chiến"

Trong khi đó, ông Faysal Itani, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Rafik Hariri phụ trách Trung Đông của Hội đồng Atlantic, đã viết trên tạp chí Foreign Policy rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành "đồng minh quân sự chuyên nghiệp" của Mỹ trong dài hạn nhằm chống IS ở Syria. Ông Itani đánh giá sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria "sẽ sắp đặt lại cuộc chiến nhằm vào nhóm cực đoan theo hướng có lợi cho Washington". Mặt khác, "chiến dịch này cũng có thể là sự khởi đầu mới cho hoạt động quân sự chung của Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria".

Tuy nhiên, tờ Deutsche Welle của Đức lại bày tỏ quan ngại rằng những hành động đàn áp của Ankara nhằm vào các phiến quân người Kurd "cho thấy thái độ thù địch công khai của Thổ Nhĩ Kỳ với YGP. Đây sẽ là vấn đề nghiêm trọng đối với chiến dịch chống IS của Mỹ khi họ phụ thuộc nhiều vào các tay súng của YGP để giúp phối hợp giữa trên bộ với các máy bay chiến đấu của liên minh".

Hơn thế nữa, tờ Bild của Đức đã gọi thoả thuận giữa Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy tình hình vào "hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm", đồng thời cho rằng quyết định can thiệp vào cuộc chiến Syria của Ankara đã đánh dấu "sự thay đổi cực đoan" trong cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này. Báo này cũng nhận định rằng việc Mỹ sát cánh với Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch trên cũng mang tới nguy cơ tan vỡ liên minh với lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu - "công cụ duy nhất" của Mỹ cho cuộc chiến chống IS trên bộ trong khu vực.

Nhà phân tích Arango cho biết thêm rằng hiện Thổ Nhĩ Kỳ chưa ấn định thời điểm kết thúc chiến dịch "Lá chắn sông Euphrates". Ông nói: "Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ chưa lên kế hoạch cụ thể nhưng họ đã ám chỉ rằng quân đội sẽ duy trì chiến dịch cho tới khi nào tiêu diệt được các mối đe doạ an ninh với nước này, cụ thể là những mối đe doạ từ IS và các phiến quân người Kurd". Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch ở Syria cho tới khi nào bảo đảm được toàn bộ vấn đề an ninh và thịnh vượng cho người dân cũng như tình hình an ninh ở biên giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho tới khi tiêu diệt được IS và các nhân tố khủng bố khác".

Ngọc Anh

Theo Sputnik

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm