1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến đấu cơ Mỹ bắn rơi vật thể lạ bay trên Alaska

Minh Phương

(Dân trí) - Sáu ngày sau vụ bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc, Mỹ tiếp tục điều chiến đấu cơ để bắn hạ vật thể lạ bay ở độ cao nguy hiểm đối với hoạt động hàng không dân sự.

Chiến đấu cơ Mỹ bắn rơi vật thể lạ bay trên Alaska - 1

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn lời người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 10/2 cho biết, quân đội nước này chiều cùng ngày đã triển khai máy bay chiến đấu để bắn hạ một vật thể bay không xác định ở độ cao khoảng 12.000m trong không phận Alaska.

"Lầu Năm Góc đã theo dõi vật thể bay lạ ở không phận Alaska suốt 24 giờ đồng hồ qua", ông Kirby nói và cho biết thêm, theo cố vấn của Lầu Năm Góc, Tổng thống Joe Biden đã hạ lệnh bắn rơi vật thể lạ do nó đe dọa đến sự an toàn của hoạt động hàng không dân sự.

Vài tiếng sau mệnh lệnh của ông Biden và sau khi xác định đó là thiết bị không người lái, quân đội Mỹ đã bắn rơi vật thể bay. Mảnh vỡ của nó rơi xuống lãnh hải của Mỹ. Quân đội Mỹ dự kiến trục vớt mảnh vỡ trong những ngày tới. Tổng thống Biden gọi vụ bắn hạ là "một thành công".

Chiến đấu cơ Mỹ bắn rơi vật thể lạ bay trên Alaska - 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden hạ lệnh bắn rơi vật thể bay không xác định ngoài khơi Alaska chiều 10/2 (Bản đồ: NYPost).

Chiến đấu cơ Mỹ bắn rơi vật thể lạ bay trên Alaska - 3

Máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ bắn rơi vật thể bay không xác định ngoài khơi Alaska (Ảnh: NYPost).

Theo mô tả của ông Kirby, vật thể này xuất hiện ở không phận Mỹ từ cuối ngày 9/2 và có kích thước nhỏ hơn nhiều so với khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ tuần trước. "Nó chỉ tương đương một chiếc ô tô cỡ nhỏ", ông Kirby nêu rõ. Ông cũng nhấn mạnh thêm, Washington hiện chưa xác định được nguồn gốc và động cơ xuất hiện của vật thể bay.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder nói, máy bay chiến đấu F-22 Raptor đã khai hỏa tên lửa AIM-9X để bắn hạ vật thể bay, giống như đã làm với khinh khí cầu của Trung Quốc. Tuy chưa xác định được nguồn gốc của vật thể bay, nhưng ông Ryder cũng gọi đó là khinh khí cầu.

Sự việc diễn ra chỉ 6 ngày sau khi Mỹ quyết định bắn rơi khinh khí cầu của Trung Quốc và làm dấy lên căng thẳng ngoại giao giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Washington nghi ngờ đó là khinh khí cầu do thám và là một phần của đội khinh khí cầu giám sát do quân đội Trung Quốc chỉ đạo đã bay qua hơn 40 quốc gia trên khắp 5 châu lục.

Mỹ nói rằng, khí cầu bị bắn rơi gắn nhiều ăng-ten "có khả năng thu thập và định vị địa lý thông tin liên lạc". Các tấm pin mặt trời trên khí cầu đủ lớn để tạo ra năng lượng vận hành cho "nhiều cảm biến thu thập thông tin tình báo".

Washington đang cân nhắc các biện pháp đáp trả. Trong khi đó, Bắc Kinh từ chối điện đàm, yêu cầu phía Mỹ trả lại các mảnh vỡ khinh khí cầu. Trung Quốc cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng vật thể bị bắn hạ là khinh khí cầu do thám, mà chỉ là một khí cầu dân sự phục vụ mục đích nghiên cứu khí tượng.

Mỹ bắn hạ khí cầu của Trung Quốc

Theo Reuters, New York Post