1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chỉ trích NATO đông tiến, Nga sửa đổi học thuyết hàng hải

(Dân trí) - Tổng thống Putin ngày 26/7 đã phê chuẩn học thuyết hàng hải phiên bản mới của Nga, trong đó kêu gọi duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của Nga ở Đại Tây Dương và Bắc Cực, đồng thời chỉ trích sự mở rộng về phía đông của NATO.

 

123-copy-5d351
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn học thuyết hàng hải mới. (Ảnh:Sputnik)

Theo Xinhua, bản học thuyết hàng hải mới dài 45 trang đã được điện Kremlin công bố trên trang mạng chính thức trong ngày 26/7. Theo đó, Nga coi Đại Tây Dương và Bắc Cực là các vùng quân sự chiến lược, cần “tiêu diệt mọi nguy cơ đối với an ninh quốc gia để duy trì sự ổn định chiến lược”.

Học thuyết hàng hải mới kêu gọi đảm bảo “sự hiện diện có hiệu quả của Hải quân Nga tại Đại Tây Dương”, trong khi nhấn mạnh "cần tăng cường năng lực của Hạm đội phương Bắ" nhằm tạo một nền tảng vững chắc bảo vệ lợi ích quốc gia tại vùng Bắc cực. “Nga cần củng cố vị thế dẫn đầu trong nghiên cứu và phát triển hàng hải tại Bắc Cực”, học thuyết nhấn mạnh.

Bao trùm các vấn đề về hải quân, đội tàu thương mại và khoa học hàng hải, học thuyết cũng xác định thêm vùng Nam Cực là khu vực lợi ích chiến lược đối với Nga.

NATO theo đuổi kế hoạch “không thể chấp nhận”

Xinhua dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin bình luận rằng Mátxcơva quyết định tăng cường sự hiện diện của Nga tại Đại Tây Dương là nhằm phản ứng trước các động thái của NATO.

Ông Rogozin cho rằng “NATO đang theo đuổi những kế hoạch “không thể chấp nhận” nhằm chuyển dịch cơ sở hạ tầng quân sự tới biên giới của Nga”. Ông cũng đổ lỗi cho NATO về tình hình an ninh đang xấu đi tại châu Âu, cũng như mối quan hệ rạn nứt giữa Nga và khối này.

Phó Thủ tướng Rogozin cũng nhấn mạnh học thuyết mới phản ánh “những thay đổi về tình hình chính trị quốc tế cũng như mục tiêu tăng cường sức mạnh của Nga như là một cường quốc hải quân”.

Trang bị hơn 20 tiêm kích hạm cho Hạm đội phương Bắc

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cuối tuần qua cho biết, lực lượng hàng không của hải quân Nga sẽ được biên chế hơn 20 chiếc máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu sân bay MiG-29K mới.

RT dẫn thông báo từ Cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Nga ngày 25/7 cho biết: Số tiêm kích hạm này sẽ trở thành lực lượng nòng cốt cho một đơn vị hàng không mới thành lập trực thuộc Hạm đội phương Bắc.

“Để tăng cường bộ phận hàng không của hải quân, các máy bay chiến đấu MiG-29K đang được trang bị cho lực lượng hàng không của hải quân. Quá trình này bắt đầu từ năm 2013 và sẽ hoàn thành trong năm nay- 2015”, tuyên bố cho hay.

Trước đó trong ngày, Tư lệnh Hạm đội phương Bắc, Đô đốc Vladimir Korolev cho biết, hạm đội đã bắt đầu thành lập bộ phận không quân và phòng không, mặc dù trước đó một số hệ thống phòng không tối tân của Nga như S-300, S-400, Buk và Pantsyr-S đã được điều động đến khu vực này.

Nga đã và đang tăng cường sự hiện diện tại Bắc Cực kể từ cuối năm 2014 khi nước này sửa đổi học thuyết quân sự nhằm tuyên bố khu vực chiến lược nhiều tiềm năng này trở thành khu vực quan tâm của họ.

Bắc Cực là một mối quan tâm chiến lược của Nga. Khu vực này được cho là có nguồn dự trữ dầu khí khổng lồ chưa được khai thác. Bên cạnh đó, trong bối cảnh  trái đất đang nóng lên làm lớp băng tại đây tan chảy, ít gây cản trở tới việc di chuyển của tàu bè, Bắc Cực đang trở thành một trong những tuyến hàng hải quan trọng.

Bạch Trúc

Theo RT, Xinhua

 

 

Chỉ trích NATO đông tiến, Nga sửa đổi học thuyết hàng hải - 2