Chi phí không ngờ từ đòn không kích của Nga
Theo tính toán của giới chuyên gia, với dàn vũ khí vừa được Nga sử dụng, mức chi phí cho đợt không kích khủng bố tại Syria cao đến không ngờ.
Vũ khí đỉnh cao
Theo những thông tin được Bộ Quốc phòng Nga, trong đợt tấn công khủng bố tại Syria hôm 15/11, Moskva đã sử dụng tên lửa hành trình tầm xa Kalibr-NK từ chiến hạm Đô đốc Grigorovich, tiêm kích Su-33 cùng hệ thống tên lửa bờ Bastion-B.
Cuộc tấn công diễn ra làm 2 đợt, đợt đầu lúc 10h30 ngày 15/11, tàu hộ tống Đô đốc Grigorovich hoạt động gần bờ biển Syria đã phóng ít nhất 3 quả tên lửa Kalibr-NK vào các vị trí của quân khủng bố. Tiếp là hệ thống tên lửa bờ Bastion phóng tên lửa siêu thanh P-800 Onyx.
Đây cũng là lần đầu tiên loại tên lửa diệt hạm tối tân này được sử dụng để chống quân khủng bố và xuất hiện trên phương tiện truyền thông. Các mục tiêu bị tên lửa Kalibr và Onyx tiêu diệt có các nhà máy sản xuất vũ khí huỷ diệt hàng loạt, kho đạn dược cùng nhiều tay súng…
Sau đó đến 11h00 cùng ngày, các máy bay Su-33 cất cánh từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov bay đến dội bom vào các mục tiêu của quân khủng bố tại 2 tỉnh nói trên. Đến ngày 17/11, Không quân Nga tiếp tục dùng máy bay Tu-95MSM phóng tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 vào mục tiêu khủng bố tại Syria.
Để thực hiện đòn tấn công bằng tên lửa hành trình Kh-101, chiếc Tu-95MSM phải xuất phát từ căn cứ Engels phía Bắc nước Nga, bay từ biển Bắc xuống Đại Tây Dương rồi vào Địa Trung Hải đến gần không phận Syria, hành trình bay gần 11.000 km.
Dù Nga không tiết lộ cụ thể số lượng vũ khí dùng cho đợt tấn công 2 ngày vừa qua nhưng theo những gì từng được Nga tiết lộ có thể thấy, chiến dịch tấn công này khá tốn kém.
Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi quả tên lửa Kalibr-NK Nga dùng để tấn công IS có mức giá lên tới 6,5 triệu USD/quả trong khi đó, tên lửa Tomahawk của Mỹ có giá khoảng 1,5 triệu USD/quả. Trong khi đó dù không đắt đỏ bằng Kalibr-NK nhưng giá của tên lửa Kh-101 cũng không hề dễ chịu chút nào với khoảng trên 4 triệu USD/1 quả.
Chi phí đắt đỏ
Với giá thành của những vũ khí Nga vừa dùng tấn công khủng bố, Đài truyền hình RBC (Nga) đã có cách tính và hé lộ mức chi phí khá đắt đỏ nước này phải bỏ ra. Nhưng RBC khẳng định, mức chi này vẫn chưa vượt mức ngân sách của quân đội. Tuy nhiên nếu trong trường hợp chiến dịch quân sự chống IS kéo dài, nguồn chi này phải tính toán lại theo chiều hướng tăng lên.
Tuy cả Bộ Tài chính lẫn Quốc phòng đều không công bố con số chi phí chính thức, nhưng Đài RBC đã tìm cách tính toán chi phí của các chiến dịch do Mỹ, Pháp, Anh tiến hành ở Libya hồi năm 2011, so sánh để từ đó tính ra chi phí của Nga.
Theo cách tính này, trong chiến dịch can thiệp quân sự ở Libya kéo dài 25 tuần vào năm 2011, người Anh đã tiến hành không kích tương tự Nga đang làm ở Syria. Đó là Anh sử dụng máy bay ném bom và tên lửa hành trình, tốn hết 320 triệu bảng Anh, tính ra mỗi ngày hết 1,82 triệu bảng (174,5 triệu ruble, khoảng 2,7 triệu USD quy đổi theo tỉ giá ngày 27/10/2015).
Cách tính của Anh do Hạ viện công bố dựa trên tính toán mức tiêu thụ các thiết bị vũ khí đắt tiền, mức chi trả cho các chuyên gia dân sự và phụ trội chiến đấu của lính, không tính tiền lương và các phụ cấp bình thường khác. Tiếp đó là chi phí vận tải, hậu cần, truyền thông liên lạc, y tế, thực phẩm, chi phí dự phòng khác.
Nước Pháp tham gia chiến dịch ở Libya cũng chủ yếu là dùng không quân, đã sử dụng hết 4.621 quả bom và tên lửa, theo Bộ Quốc phòng nước này, và tốn hết 300 - 350 triệu euro cho chiến dịch này. Tính ra Pháp chi hết 1,7 - 2 triệu euro/ngày tại Libya, tương đương 117-138 triệu ruble (1,8 - 2,15 triệu USD).
Là cường quốc hàng đầu thế giới nên Mỹ chi nhiều hơn trong chiến dịch Libya với chi phí lên đến 1,1 tỉ USD, theo số liệu Nhà Trắng báo cáo Quốc hội Mỹ. Tính ra mỗi ngày Mỹ tốn 6,29 triệu USD cho chiến dịch này, quy ra tiền ruble Nga là 393 triệu ruble.
RBC cố gắng tính chi phí của Nga ở Syria dựa theo cách tính của Anh ở Libya, tuy nhiên nhiều số liệu khó kiếm vì ngân sách của Bộ Quốc phòng Nga thuộc loại bí mật, kể cả thông tin chi tiêu.
Tuy nhiên, nếu Nga không rút quân khỏi Syria, chi phí cho chiến dịch quân sự chống khủng bố của nước này có thể phải tăng thêm. Nhưng trước đó trang tin VPK (Nga) dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Nga nói rằng, mức chi vẫn nằm trong khuôn khổ ngân sách dành cho Bộ Quốc phòng và sẽ không phát sinh thêm.
Dù Nga không công bố con số chi phí cụ thể nhưng theo cách tính của IBTimes, trung bình mỗi ngày (kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự chống khủng bố tại Syria), Nga phải bỏ ra số tiền lên tới trên 4 triệu USD.
Clip máy bay Tu-95 phóng tên lửa Kh-101 hôm 17/11:
Theo Tuấn Hưng
Đất Việt