1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chỉ huy Ukraine thừa nhận Kiev sắp hết đạn đánh chặn Nga không kích

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một chỉ huy cấp cao của Ukraine cảnh báo nước này sắp cạn đạn dược cho các hệ thống phòng không di động để đánh chặn hỏa lực của Nga trong tương lai.

Chỉ huy Ukraine thừa nhận Kiev sắp hết đạn đánh chặn Nga không kích - 1

Hiện trường một vụ tập kích của Nga vào Ukraine (Ảnh: Reuters).

Trả lời AFP ngày 4/1, Trung tướng Serhii Nayev, Tư lệnh Lực lượng hỗn hợp các lực lượng vũ trang Ukraine, thừa nhận các hệ thống phòng không di động của Ukraine đang cạn kiệt đạn dược và chỉ có thể ngăn chặn thêm vài cuộc tấn công từ Nga.

Nga đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái ồ ạt vào Ukraine vào cuối tháng 12/2023 và những ngày đầu năm nay.

Trong khi Ukraine tuyên bố đã ngăn chặn được nhiều cuộc tấn công, lo ngại gia tăng về việc lực lượng phòng thủ Kiev đang ngày càng suy giảm năng lực quân sự, một phần do dòng chảy của viện trợ từ các đồng minh phương Tây gần đây đã chậm lại ở mức nhỏ giọt.

Tướng Nayev thừa nhận Ukraine đang rất cần thêm viện trợ quân sự, nhấn mạnh đến đạn dược cho các hệ thống phòng không là mối quan tâm chính của nước này.

"Ưu tiên của Ukraine là có thêm đạn dược. Lực lượng Nga thực sự muốn làm suy yếu hệ thống phòng không của chúng tôi", ông nói.

Tướng Ukraine nhấn mạnh họ cần thêm tên lửa cho hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất. Ông Nayev nói: "Tất nhiên, chúng tôi muốn có thêm tên lửa cho Patriot và thêm cả những tổ hợp này. Không có hệ thống phòng không nào trên thế giới có khả năng cho thấy kết quả như vậy, đặc biệt là khi chiến đấu với Nga".

Trước đó, Ukraine tuyên bố đã dùng tổ hợp này bắn rơi hơn 10 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal mà Nga mệnh danh là "bất khả chiến bại".

Tuy nhiên, giới chức Nga hoài nghi về tuyên bố nói trên, cho rằng Kinzhal có tốc độ nhanh gấp nhiều lần tên lửa đánh chặn của Patriot nên việc bắn rơi được vũ khí siêu vượt âm của Moscow là điều khó có thể xảy ra.

Tình trạng khan hiếm đạn dược đang ảnh hưởng tới hàng loạt tính toán của Ukraine trên chiến trường. Cuối tháng trước, Chuẩn tướng Ukraine Oleksandr Tarnavskyi thừa nhận Kiev đang vạch lại kế hoạch tác chiến do thiếu đạn pháo "trên toàn bộ chiến tuyến".

Các loại đạn 122mm và 152mm gần như sắp cạn kiệt, buộc Ukraine phải chuyển sang thế phòng thủ vì họ không còn đủ tiềm lực để phát động tấn công.

Tháng 12/2023, chính quyền Mỹ đã công bố khoản viện trợ cuối cùng trong năm ngoái cho Ukraine trị giá 250 triệu USD bao gồm tên lửa, đạn pháo...

Sau gói này, Nhà Trắng đã hết ngân sách để gửi thêm vũ khí cho Ukraine do bất đồng trong nội bộ quốc hội Mỹ về việc viện trợ Kiev.

Quân đội Ukraine, vốn phụ thuộc nhiều vào vũ khí và thiết bị quân sự được viện trợ trong cuộc chiến kéo dài gần 2 năm với Nga, có thể phải đối mặt với một tương lai không bất định do cạn kiệt năng lực quân sự.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 4/1 cho biết mức viện trợ quân sự của Washington cho Ukraine có thể giảm, đặc biệt là khi Kiev có thể "tự đứng trên đôi chân của mình".

Ông Miller cho hay, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine nhưng nhấn mạnh: "Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ tiếp tục viện trợ họ ở mức như chúng tôi đã thực hiện vào năm 2022 và 2023. Chúng tôi không nghĩ điều đó là cần thiết vì mục tiêu cuối cùng là giúp Ukraine xây dựng cơ sở công nghiệp quân sự của riêng mình để họ có thể tự cấp ngân sách, chế tạo và sản xuất vũ khí".

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm